Buổi sinh hoạt Chi bộ thôn 1, xã Tân Lâm, huyện Di Linh chuẩn bị bắt đầu thì xuất hiện 5 vị khách không biết từ đâu đến. Bí thư Chi bộ, già làng K'Bịu chưa hết ngạc nhiên thì một trong số những vị khách này tự giới thiệu: "Chúng tôi ở Ban Chỉ đạo Tây Nguyên xin phép được sinh hoạt với chi bộ mình nhé"...
Buổi sinh hoạt Chi bộ thôn 1, xã Tân Lâm, huyện Di Linh chuẩn bị bắt đầu thì xuất hiện 5 vị khách không biết từ đâu đến. Bí thư Chi bộ, già làng K’Bịu chưa hết ngạc nhiên thì một trong số những vị khách này tự giới thiệu: “Chúng tôi ở Ban Chỉ đạo Tây Nguyên xin phép được sinh hoạt với chi bộ mình nhé”...
|
Bí thư Chi bộ, già làng K’Bịu. Ảnh: V.Tòa |
Buổi sinh hoạt chi bộ đầy sáng tạo
Buổi sinh hoạt thường kỳ của Chi bộ thôn 1 tiếp tục diễn ra với những nội dung định sẵn nhưng đầy sáng tạo. Sau thủ tục điểm danh, đóng Đảng phí, Bí thư chi bộ, già làng K’Bịu thông tin một số vấn đề nổi bật được tổng hợp từ “bản tin nội bộ” do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát hành (quy định các chi bộ phải chọn lọc thông tin đưa vào sinh hoạt chi bộ hàng tháng); tiếp đó, đảng viên phụ trách kinh tế, xã hội thông tin về tình hình kinh tế, xã hội của xã, của thôn (nơi chi bộ chịu trách niệm lãnh đạo); đảng viên được giao phụ trách lĩnh vực nào, cụm dân cư nào thì báo cáo tình hình thuộc lĩnh vực, cụm dân cư mình phụ trách; đánh giá tình hình học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; báo cáo xong, chi bộ tiến hành thảo luận những vấn đề nổi cộm của thôn (dư luận xã hội; tâm trạng, tư tưởng của bà con); cuối cùng, Bí thư Chi bộ, già làng K’Bịu kết luận những vấn đề quan trọng, đồng thời đề ra chương trình hoạt động của chi bộ trong tháng tới và biểu quyết thông qua.
Đó là nội dung sinh hoạt thường kỳ của chi bộ thôn một, xã Tân Lâm, huyện Di Linh, chi bộ điển hình có những điểm “không giống ai” so với nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số khác trong tỉnh. Tính điển hình của chi bộ này là rất nghiêm túc thực hiện sinh hoạt chi bộ đúng quy định Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 30/3/2008 của Ban Bí thư (khóa X) và Hướng dẫn số 09/HD/BTCTW ngày 2/3/2012 của Ban Tổ chức Trung ương Đảng về hướng dẫn sinh hoạt chi bộ nhưng có rất nhiều sáng tạo; còn điểm “không giống ai” là cách tổ chức và hoạt động của chi bộ có những chỗ “khác người”, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của chi bộ và đảng viên.
Chi bộ có 12 đảng viên, trong đó, Chủ tịch xã và Phó Chủ tịch HĐND xã cùng tham gia sinh hoạt chi bộ. Chi bộ thôn giao Chủ tịch xã phụ trách kinh tế, xã hội của thôn; giao Phó Chủ tịch HĐND xã phụ trách công tác đoàn thể; các đảng viên khác mỗi người phụ trách một vài lĩnh vực như quốc phòng, an ninh; văn hóa, giáo dục, y tế; nắm bắt tình hình tư tưởng, những tâm tư nguyện vọng của nhân dân; số đảng viên còn lại, mỗi đảng viên phụ trách một cụm dân cư gồm 50 hộ. Kỳ sinh hoạt nào các đảng viên cũng phải báo cáo trước chi bộ tình hình trong tháng ở lĩnh vực và cụm dân cư mình phụ trách, sau đó thảo luận và tùy tình hình thực tiễn mà xây dựng nghị quyết chi bộ cho phù hợp.
Mình tôn trọng nó, nó phải chấp hành
Tôi hỏi K’Bịu: Chủ tịch UBND xã và Phó Chủ tịch HĐND xã lớn hơn cấp thôn thì có khó khăn gì trong việc điều hành chỉ đạo của chi bộ thôn không? Bí thư Chi bộ, già làng K’Bịu cười rồi nói: Đâu khó khăn gì đâu. Mình biết Chủ tịch xã, Phó Chủ tịch HĐND xã lớn hơn thôn nhưng mà nó sống ở thôn mình thì phải tham gia sinh hoạt chi bộ thôn và phải chấp hành sự phân công của chi bộ chứ. Nó làm không được việc thì chi bộ mình cứ kiểm điểm phê bình, cho nó làm tốt hơn. Mình là Bí thư Chi bộ và còn là già làng ở đây nữa nên nó phải nghe theo”.
Nếu vì già làng mà bắt mọi người phải nghe theo, liệu có còn dân chủ không K’Bịu? “Không, chi bộ mình có thảo luận, bàn bạc và biểu quyết mà. Mình nói nó phải nghe mình là nghe về sự chấp hành phân công trách nhiệm, phải tham gia đầy đủ các kỳ sinh hoạt chi bộ thôn. Về công việc, mình rất tôn trọng nó; khi nào nó bận đi họp ở huyện, ở tỉnh thì chi bộ lùi ngày họp, chờ nó về họp cho đông đủ. Ngoài công việc thì nó phải nghe lời mình vì mình là già làng mà” - K’Bịu chia sẻ.
Bí thư Chi bộ, già làng - ngẫu nhiên mà tốt
“Mô hình” vừa bí thư vừa già làng, tuy là sự trùng hợp ngẫu nhiên nhưng sự trùng hợp ngẫu nhiên này đã giúp Chi bộ thôn lãnh đạo khá hiệu quả, nhất là lãnh đạo thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống thường ngày. Khi các nội dung được biểu quyết thông qua tại cuộc họp chi bộ, ngoài các đảng viên phụ trách lĩnh vực, phụ trách cụm dân cư phải vào cuộc thì ai cũng phải làm công tác dân vận. Ở đây, vai trò của K’Bịu là vô cùng quan trọng. Với trách nhiệm của Bí thư Chi bộ, và với tư cách của già làng, K’Bịu đi vận động những hộ đồng bào khó tính nhất. Tiếng nói của bí thư, cộng hưởng cùng uy tín già làng đã làm cho tiếng nói của K’Bịu thuyết phục hơn nhiều. Ít có việc nào mà K’Bịu không thành công.
Vì vừa là Bí thư Chi bộ, vừa là già làng nên đồng bào DTTS nơi đây gọi K’Bịu là “bí thư bàng bòn” (cách gọi nể trọng của đồng bào, nghĩa là: bí thư già làng) và có lẽ, cũng nhờ đó mà bà con trong thôn hiểu nhiều hơn về Đảng; hiểu nhiều hơn về các chủ trương, chính sách của Đảng; việc gì cần, hỏi K’Bịu; việc gì không hiểu, nhờ K’Bịu giải thích; việc gì bức xúc, báo cáo cho K’Bịu.
Vừa rồi, sau khi có Nghị quyết của Chi bộ về xây dựng con đường dẫn vào trường mẫu giáo, K’Bịu vận động bà con trong thôn đóng góp 60 triệu đồng để làm con đường rải đá cấp phối dài 2,5 km. Bà con ai cũng vui vẻ đóng góp, không chút phàn nàn. Bây giờ đường đã xong, con em đồng bào không còn chịu cảnh lầy lội trong mùa mưa. Hay như mới đây, hai anh em nhà Phan Văn Huân, Phan Trí Hữu mâu thuẫn do tranh chấp đất đai không giải quyết được, liền đưa nhau lên gặp Bí thư, già làng K’Bịu. Sau khi nghe K’Bịu giải thích, hai anh em tự giàn xếp, không tranh chấp nữa... Còn nhiều chuyện đời thường khác mà sự hiệu quả đều có dấu ấn của K’Bịu trong hơn 10 năm làm Bí thư, già làng.
Chuyển biến từ cái hồn Nghị quyết
Ðiều tâm đắc nhất của K’Bịu trong suốt thời gian làm Bí thư Chi bộ, đó là:
- Anh em trong chi bộ đoàn kết, ai cũng có uy tín với bà con.
- Ai cũng làm kinh tế giỏi, thuộc hộ khá và giàu.
- Bà con mình không phàn nàn gì về các đảng viên trong chi bộ.
- Chi bộ mình đã góp phần làm cho đời sống bà con mình khá lên.
|
Tôi hỏi K’Bịu: “Thường Nghị quyết của Đảng dài lắm, K’Bịu phải truyền đạt Nghị quyết như thế nào để các đảng viên trong chi bộ nắm, nhất là làm sao để bà con hiểu”.
K’Bịu: Mình phải đọc kỹ và đọc rất nhiều lần, sau đó mình rút ngắn lại, chỉ nói cái hồn của nghị quyết thôi, đó là sinh hoạt chi bộ; còn đưa ra bà con thì mình nói ngắn gọn hơn nữa theo cách hiểu của bà con. Nói dài bà con không nhớ, nói nguyên xi theo nghị quyết thì bà con không hiểu. Ví dụ như nói với bà con về thế lực phản động thì bà con không hiểu tới nơi, tới chốn, nhưng nói là bọn người bụng xấu, bụng ác, không tốt với đồng bào mình thì bà con hiểu ngay. Nói xây dựng nông thôn mới thì mình phải nói với bà con những gì bà con cần trong việc xây dựng nông thôn mới, cụ thể là nói xây dựng đời sống cho từng hộ trước; rồi xây dựng thôn sau; phải lựa cái bà con cần nhiều thì nói trước, cái cần ít thì nói sau...”.
K’Bịu đã từng làm Bí thư Chi bộ xã (lúc xã chưa gọi là đảng bộ) nên khi so sánh, K’Bịu nói rằng, làm Bí thư Chi bộ thôn khó hơn làm Bí thư Đảng bộ xã, một trong những cái khó là phải chuyển vào thực tiễn bằng cái hồn của nghị quyết. Đây là việc tưởng dễ nhưng có mấy chi bộ ở vùng đồng bào DTTS làm được, nếu người đứng đầu chi bộ không có tinh thần trách nhiệm, không đau đáu với cuộc sống người dân như K’Bịu. Chính vì tâm huyết, trách nhiệm nên K’Bịu không bao giờ tổ chức sinh hoạt chi bộ một cách qua loa, đại khái; thời gian sinh hoạt ít khi nào dưới 2 tiếng đồng hồ, đặc biệt khi sinh hoạt chuyên đề, thời gian kéo dài 3 tiếng hoặc hơn nữa.
Hiện, thôn 1 có 165 hộ, canh tác gần 300 ha cà phê, thu nhập bình quân đầu người đạt 32 triệu đồng/năm. Thôn có 30 hộ giàu, mức thu nhập thấp nhất 40 triệu đồng/người/năm. Toàn thôn chỉ còn 5 hộ nghèo, 18 hộ cận nghèo theo tiêu chí đa chiều. Trên 140 hộ đã xây nhà kiên cố; bình quân mỗi hộ có một chiếc máy cày; nhà nào cũng có xe máy, ti vi, máy vi tính, điện thoại; con em trong độ tuổi đến trường đều đi học; nhiều năm rồi tình hình an ninh thôn, xóm luôn bình yên và hàng năm, cứ đến ngày 2/9, tất cả bà con trong thôn đều sum vầy cúng mừng tết độc lập do chi bộ và thôn tổ chức. Sắp tới, chi bộ sẽ xây dựng nghị quyết chuyên đề phấn đấu hoàn thành vài tiêu chí còn lại về nông thôn mới, góp phần cùng Đảng bộ xã Tân Lâm hoàn thành việc lãnh đạo xây dựng xã nông thôn mới dự kiến vào đầu năm 2018.
|
Thôn 1, xã Tân Lâm hiện có nhiều nhà kiên cố. Ảnh: V.Tòa |
Lời kết
Chi bộ là nền tảng của Đảng, là nơi trực tiếp đưa đường lối, chính sách của Đảng đến với quần chúng bằng các hình thức tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục. Bác Hồ kính yêu đã dạy: “chi bộ là gốc rễ của Đảng”, “là cầu nối giữa Đảng và quần chúng”, gốc rễ có khỏe thì Đảng mạnh; cầu có chắc thì nhịp nối mới vững bền. Trong những năm qua, Đảng ta có nhiều chủ trương, giải pháp về xây dựng, củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chi bộ. Tuy nhiên, không phủ nhận rằng vẫn còn không ít tổ chức cơ sở đảng và chi bộ yếu kém; nhiều chi bộ chưa thực hiện nghiêm túc chế độ sinh hoạt đảng, buông lỏng quản lý, giáo dục đảng viên; nội dung sinh hoạt qua loa, đại khái; vai trò lãnh đạo ở cơ sở, chi bộ còn mờ nhạt; tính giáo dục, tính chiến đấu, tính thực tiễn thì yếu kém; tình hình đó làm suy giảm năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng ngay từ chi bộ, nhất là các chi bộ ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, suy giảm lòng tin của nhân dân.
Thực tiễn, với cách làm của chi bộ thôn 1, xã Tân Lâm, huyện Di Linh mà nhân tố điển hình là Bí thư, già lảng K’Bịu đã thực sự nâng cao vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của chi bộ ở cơ sở bằng việc thực hiện nghiêm Điều lệ Đảng và Chỉ thị 10 của Ban Bí thư cũng như Hướng dẫn 09 của Ban Tổ chức Trung ương Đảng về sinh hoạt chi bộ. Việc “dễ hiểu hóa” các văn bản, nghị quyết của Đảng không những làm phong phú nội dung sinh hoạt mà còn làm cho nội dung sát với nhu cầu thực tiễn tại thôn, dễ dàng đưa chủ trương, nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, đưa Đảng về gần với dân.
Vai trò bí thư chi bộ, gắn với già làng dẫu chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên chưa phải là mô hình định sẵn nhưng từ thực tiễn, có thể coi đây là một mô hình để nhân rộng, tạo sự lan tỏa, phát huy hiệu quả trong công tác xây dựng Đảng ở vùng đồng bào DTTS, nhất là công tác lãnh đạo nói và làm theo nghị quyết cũng như trong công tác giáo dục, kiểm tra đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là đảng viên đang giữ trọng trách cấp trên.
Hiệu quả hoạt động của chi bộ thôn 1, xã Tân Lâm đã được khẳng định với nhiều năm liền được công nhận danh hiệu “Chi bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu” và là chi bộ điển hình trong toàn huyện. Riêng Bí thư Chi bộ, già làng K’Bịu, đã vinh dự được Ban Chỉ đạo Tây Nguyên mời tham dự hội nghị biểu dương cán bộ thôn, buôn tiêu biểu vùng Tây Nguyên lần thứ I tổ chức ngày 29/9 vừa qua tại TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Tại đây, Bí thư chi bộ, già làng K’Bịu được Ban Chỉ đạo Tây Nguyên tặng Bằng khen vì “đã có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng Đảng”.
VĂN TÒA