Để củng cố vững chắc "tình cảm và niềm tin" của nhân dân đối với Đảng, phải bắt đầu điều chỉnh và chấn chỉnh từ những việc làm nhỏ nhất, góp phần xây dựng bộ máy chính quyền các cấp liêm chính, kỷ cương, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân.
Để củng cố vững chắc “tình cảm và niềm tin” của nhân dân đối với Đảng, phải bắt đầu điều chỉnh và chấn chỉnh từ những việc làm nhỏ nhất, góp phần xây dựng bộ máy chính quyền các cấp liêm chính, kỷ cương, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân.
Phong cách quần chúng của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Lối sống, tác phong quần chúng của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là chuẩn mực nhân cách con người cách mạng mà lại không xa lạ với mỗi con người bình thường. Ðó là phong cách vừa dân tộc vừa hiện đại, vừa khoa học vừa cách mạng, vừa cao cả vừa thiết thực. Từ sự gần gũi, cách làm việc khoa học mà Người đã hiểu, đã chia sẻ và từ đó để lại nhiều câu nói ngắn gọn, súc tính nhưng bao hàm cả một chiến lược phù hợp với mỗi đặc điểm của ngành nghề.
Đối với Ngành Y, Bác căn dặn “Đừng có ngại khó ngại khổ. Phải lao mình vào chỗ bẩn để làm cho sạch; phải dấn thân vào chỗ đau khổ để làm giảm bớt đau khổ. Lương y phải như từ mẫu, phải dịu dàng, khiêm tốn, thương yêu đồng bào, không được hách dịch, ban ơn...”.
Đối với Ngành Giáo dục, Bác nhắc nhở “Giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức, tài là văn hóa, chuyên môn, đức là chính trị. Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức... Cho nên thầy giáo, cô giáo phải gương mẫu, nhất là đối với trẻ con”.
Người dặn dò cán bộ, chiến sĩ Công an: “Làm công an không phải làm “quan cách mạng”. Làm công an là để giữ trật tự, an ninh cho nhân dân, xem xét tìm tòi âm mưu phản động làm hại nhân dân”; “Bọn phản động không bao giờ muốn cho chúng ta xây dựng chủ nghĩa xã hội thành công, công an phải luôn luôn cảnh giác, ngăn ngừa những hành động phá hoại của chúng để bảo vệ lợi ích của nhân dân, bảo vệ sự nghiệp cách mạng”.
Đối với người cán bộ, đảng viên phải có đạo đức cách mạng, vì nếu không có đạo đức cách mạng, thì “dù tài giỏi đến đâu cũng không thể lãnh đạo được nhân dân”. Đạo đức cách mạng, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh là đạo đức hành động vì nhân dân, thể hiện bản lĩnh chính trị, phẩm chất cách mạng vững vàng, tự tin và dám chịu trách nhiệm trước bất kỳ khó khăn nào. Người cán bộ, đảng viên phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, lòng mình phải hướng đến “chí công, vô tư”, để “khi đi thì dân tiếc, sắp đến thì dân mong”.
Và còn rất nhiều ngành nghề khác nhau, mỗi ngành nghề Bác để lại cho chúng ta một phương pháp làm việc cụ thể, thể hiện qua những câu nói bình dị mà hết sức sâu lắng nhưng tựu chung lại cũng là vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Vậy nên, học tập phong cách quần chúng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là để mỗi cán bộ, đảng viên phải biết vận dụng và đề ra các cách làm phù hợp với thực tiễn, đáp ứng được sự kỳ vọng, niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước.
Ðẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính
Thời gian qua, nhiều địa phương đã từng bước tiếp cận và chủ động nghiên cứu, áp dụng những phương thức, cách thức mới trong giải quyết thủ tục hành chính để phục vụ người dân được tốt hơn với phương châm thống nhất, đồng bộ, đơn giản, công khai, minh bạch. Nhiều giải pháp hay, cách làm sáng tạo đã được tổ chức thực hiện tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong tiếp cận và thực hiện thủ tục hành chính.
Tuy nhiên, kết quả của công tác này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Doanh nghiệp, người dân vẫn chưa thật hài lòng với thái độ phục vụ của một bộ phận công chức, sự phối hợp giữa các sở, ngành trong việc giải quyết các thủ tục hành chính; vẫn còn tình trạng đùn đẩy, né tránh; hứa hẹn nhưng không giải quyết hoặc giải quyết không triệt để..., đặc biệt là hiện tượng xử lý công việc “không theo quy trình” thậm chí là “đúng với quy trình” nhưng vẫn gây bức xúc, hoài nghi vào sự minh bạch của bộ máy chính quyền.
Thông điệp “Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp” luôn được nhấn mạnh trong các chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từ khi nhậm chức đến nay đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Hình ảnh Thủ tướng đi thị sát ở chợ, xuống đồng ruộng gặp gỡ bà con tiểu thương, nông dân không chỉ cho thấy ông là người gần gũi với nhân dân, mà còn là lời nói đi đôi với làm.
Tại Hội nghị Tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) tại Lâm Đồng, Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Tiến đã nêu quyết tâm xây dựng chính quyền các cấp của tỉnh “liêm chính, kỷ cương, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân”.
Mục tiêu của người đứng đầu Chính phủ và địa phương đã rõ. Vậy nên, đã đến lúc cán bộ, công chức cần phải có hành động cụ thể hơn, minh bạch hơn. Mỗi cấp, mỗi ngành phải chủ động rà soát lại toàn bộ quy trình xử lý công việc của cơ quan, đơn vị mình; trước hết là những kỹ năng tối thiểu của cán bộ, công chức (kỹ năng chào hỏi, lắng nghe và trả lời, công tác tổ chức hội nghị,… thậm chí là phương pháp sắp xếp công việc trong từng giờ, từng ngày), rồi đến những quy trình đơn giản (quy trình cấp biển số xe; khám, chữa bệnh,…) cho đến quy trình phức tạp (cấp phép đầu tư; quy hoạch dự án; liên quan đến đất đai, công tác cán bộ,...).
Thời điểm này chúng ta không thể qua loa, đại khái được nữa mà, phải bắt đầu điều chỉnh và chấn chỉnh từ những việc làm nhỏ nhất. Để làm được việc này, kinh phí không phải là vấn đề quan trọng, cái quan trọng là ý thức trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên; tự mỗi người, mỗi bộ phận, mỗi ngành nghề phải rà soát, sửa đổi lại công việc mình đang làm thật cụ thể, thấu đáo; cái nào phù hợp, cái nào chưa, cái nào có thể tích hợp; khi đặt ra những thủ tục hành chính chúng ta phải đặt bản thân mình vào vị trí của người thực hiện chứ không phải đặt mình vào người có thẩm quyền giải quyết, có như vậy mới tránh được những thủ tục quá rườm rà, nhiêu khê, gần như đánh đố, gây khó khăn cho việc tiếp cận và thực hiện.
Bên cạnh đó, các mô hình, điển hình đã được ghi nhận qua 5 năm thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) như “Mỗi ngày làm một việc tốt, có ích” của Huyện ủy Cát Tiên, “3 đúng, 5 không” của Đảng bộ Ngân hàng NN và PTNT tỉnh, đặc biệt là mô hình “Một cửa điện tử” đã tạo nhiều thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp thì cần phải phát huy, nhân rộng...
Dẫu biết rằng, thủ tục hành chính là vấn đề rộng lớn, phức tạp liên quan đến nhiều đối tượng trong xã hội. Vì vậy, việc thảo luận để thống nhất các bộ quy trình thủ tục sẽ phải tốn nhiều thời gian, tranh luận có thể gay gắt. Khi đưa vào vận hành chắc chắn quyền và lợi ích do thủ tục hành chính trước nay mang lại sẽ mất đi trong khi khối lượng và cường độ công việc sẽ nhiều hơn; nhưng đấy là công việc của những người “làm công ăn lương”, phải làm việc “có trách nhiệm với từng đồng tiền thuế của dân”.
VƯƠNG TÔN KIÊN