Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là vấn đề hệ trọng

08:10, 26/10/2016

Hội nghị Trung ương 4 khóa XII được nhân dân kỳ vọng vì có nhiều nội dung quan trọng, đặc biệt là nội dung về "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ".

Hội nghị Trung ương 4 khóa XII được nhân dân kỳ vọng vì có nhiều nội dung quan trọng, đặc biệt là nội dung về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Đây không chỉ là vấn đề cực kỳ hệ trọng, vừa cơ bản vừa cấp bách của Đảng, mà còn là Nghị quyết về thực hiện nhiệm vụ đầu tiên trong sáu nhiệm vụ trọng tâm của cả nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng.
 
Nhìn lại 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Đại hội XII của Đảng đã tổng kết và đánh giá việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 với quyết tâm chính trị cao và đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, có tác dụng cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, phòng ngừa sai phạm… Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế, khuyết điểm; một số việc chưa đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm... trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu các cấp không những chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, mà có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp, nghiêm trọng hơn. Từ đó, gây bức xúc trong dư luận xã hội, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.
 
Nguyên nhân có nhiều nhưng chủ yếu là do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; đi ngược lại lý tưởng của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh; không quan tâm tới đời sống người dân, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của dân; lợi dụng chức quyền để tham nhũng, vơ vét… 
 
Nghị quyết của Trung ương lần này có nội hàm rộng hơn Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), vừa đề cập đến những vấn đề cơ bản, chiến lược, lâu dài, vừa tập trung giải quyết những vấn đề cụ thể, trọng tâm, cấp bách trước mắt của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà Đại hội XII đã đề ra.
 
Đồng thời, tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), nhất là những việc đề ra nhưng chưa làm và làm chưa tốt, gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/W của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và phát huy vai trò của nhân dân trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đặc biệt, Trung ương đã xác định, nhận diện cụ thể hơn và hệ thống tương đối đầy đủ, rõ ràng những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Trên cơ sở đó, mỗi cán bộ, đảng viên tự liên hệ, tự soi mình, cũng như để góp ý cho đồng chí khác và làm cơ sở để xử lý những trường hợp vi phạm...
 
Những nội dung, giải pháp nêu lên trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã đầy đủ, rõ ràng; vấn đề còn lại là việc thực hiện như thế nào ở các cấp, các ngành, đoàn thể, tổ chức và nhất là mỗi cá nhân cán bộ, đảng viên. 
 
Trước hết, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp cần nghiêm túc “soi gương”, xem lại chính mình đã sống lành mạnh, sống bằng lao động chính đáng của mình hay chưa, phải tự mình đặt câu hỏi “nếu cứ để như thế liệu có giữ gìn được uy tín và lòng tin của dân hay không? để từ đó tự chỉnh đốn bản thân trước khi yêu cầu người khác chỉnh đốn”. Bởi vì hiện nay, có nhiều điều bức xúc, nhiều trường hợp cụ thể liên quan chủ yếu đến những người có chức, có quyền khiến niềm tin của nhân dân bị xói mòn nghiêm trọng, từ nó nẩy sinh bức xúc, dao động. 
 
Thứ hai, thường xuyên làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao trình độ nhận thức, bản lĩnh chính trị, năng lực toàn diện cho đội ngũ cán bộ, đảng viên; gắn với tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đồng thời đẩy mạnh tự phê bình và phê bình trong Đảng… nhằm giúp cán bộ, đảng viên tránh được sự cám dỗ của cuộc sống vật chất tầm thường, để họ không rơi vào tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Mỗi cán bộ, đảng viên dù ở cương vị nào cũng phải là một công dân kiểu mẫu. 
 
Thứ ba, cần kết hợp chặt chẽ giữa tăng cường giáo dục đạo đức trong Đảng và trong xã hội với tinh thần tự tu dưỡng, rèn luyện của mỗi cán bộ, đảng viên. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, pháp luật; sự công khai, minh bạch, dân chủ trong quy hoạch, đào tạo, đánh giá, bố trí và quản lý cán bộ; tạo môi trường xã hội, thể chế kinh tế lành mạnh, văn minh, khoa học để cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức không có điều kiện và không thể sa vào những tiêu cực, vi phạm đạo đức, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Có lập lại kỷ cương trong Đảng, trong cơ quan các cấp của nhà nước mới có sức mạnh lập lại trật tự trong xã hội. 
 
Thứ tư, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng góp phần quản lý chặt chẽ cán bộ, đảng viên ở mọi lúc, mọi nơi; phải công khai, minh bạch tất cả những chế độ, quyền lợi cán bộ được hưởng; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật và “không có vùng cấm” đối với những người vi phạm các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những phần tử cơ hội, bất mãn, gây mất đoàn kết nội bộ trong Đảng, lợi ích nhóm; trước mắt phải xử lý nghiêm minh những vụ án tham nhũng đã phát hiện để lấy niềm tin trong nhân dân. Cần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong tiến hành các hoạt động kiểm tra, giám sát của Đảng.  
 
Thứ năm, chống tham nhũng phải song hành với xây dựng và hoàn thiện thể chế để chống lại sự tha hóa trong cán bộ, đảng viên; cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ thì mới giải quyết vấn đề một cách căn cơ, mới tránh để xảy ra tham nhũng. Phải đưa chế độ quản lý quyền lực trở thành các quy định pháp luật của Nhà nước; lấy pháp luật để ràng buộc quyền lực, lấy đạo đức để ràng buộc quyền lực, lấy quyền lực để ràng buộc quyền lực và lấy nhân dân để ràng buộc quyền lực. Phải đổi mới hệ thống chính trị và công tác cán bộ; nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, trước hết bản thân người đứng đầu phải thật sự trong sáng, trong sạch. 
 
Dư luận cán bộ, đảng viên, nhân dân tin tưởng và kỳ vọng vào quyết tâm chính trị của Trung ương Đảng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng. Tuy nhiên, chỉ có quyết tâm chính trị cao là chưa đủ, mà quan trọng hơn là đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết và trên hết là lãnh đạo chủ chốt các cấp phải gương mẫu, trung thực, tự giác hành động thông qua những việc làm cụ thể để cán bộ, đảng viên và nhân dân nhìn thấy, chứ không phải chỉ nghe nói trên các diễn đàn như lâu nay.
 
Với những nội dung mới, cách làm mới, quyết tâm chính trị cao của toàn Đảng, cùng với sự quan tâm, giám sát của nhân dân, chúng ta tin tưởng rằng Nghị quyết lần này sẽ tạo sự chuyển biến mới về “chất”, đạt được mục tiêu đề ra, để Đảng ta trong sạch, vững mạnh hơn, đủ năng lực và uy tín lãnh đạo thực hiện thành công chiến lược xây dựng, phát triển đất nước.      
 
VĂN NHÂN