Ngày 2 tháng 10 năm 2015, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1696/QÐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó quy định, hằng năm triển khai thực hiện "Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới" từ ngày 15/11 đến ngày 15/12.
Ngày 2 tháng 10 năm 2015, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1696/QÐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó quy định, hằng năm triển khai thực hiện “Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới” từ ngày 15/11 đến ngày 15/12.
Việt Nam đã được các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong vòng 20 năm qua, đặc biệt là trong lĩnh vực lao động, việc làm, chăm sóc sức khỏe… Điểm nổi bật trong thực thi bình đẳng giới ở Việt Nam là việc hoàn thiện khung luật pháp, chính sách về bình đẳng giới; tổ chức bộ máy về bình đẳng giới từng bước được xây dựng, củng cố, kiện toàn để làm tốt hơn vai trò quản lý nhà nước. Việc thực hiện bình đẳng giới trong các lĩnh vực đã đạt được nhiều kết quả nổi bật như: Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV đạt 26,8%, xếp thứ 60/193 quốc gia trên thế giới và xếp thứ 4/11 quốc gia thuộc khu vực ASEAN; lao động nữ chiếm tỷ lệ 48,3% trong lực lượng lao động của cả nước; tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp, chủ trang trại đạt 24,9%; tỷ lệ biết chữ của phụ nữ trong độ tuổi từ 15-24 đạt 96,5%…
Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2016 có chủ đề “Chung tay xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái” sẽ diễn ra từ ngày 15/11 - 15/12 với các thông điệp: Hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2016; Hưởng ứng Ngày quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái; Phụ nữ và trẻ em gái hãy lên tiếng khi bị bạo lực; Cùng chung tay để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái; Chung tay xây dựng một xã hội không còn bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái; Bình đẳng giới là chìa khóa để xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái; Hãy lên tiếng khi bạn chứng kiến bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái; Đừng im lặng, hãy chia sẻ khi bạn là nạn nhân của bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái; Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái là vi phạm pháp luật; Quyền của phụ nữ là quyền của con người; Hãy hành động để chấm dứt ngay bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái; Hãy gọi “18008077” khi phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực! |
Tuy nhiên, việc bảo đảm bình đẳng giới thực chất giữa nam và nữ đang gặp nhiều thách thức; tình trạng xâm hại, bạo lực với phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái vẫn diễn biến phức tạp và đang là vấn đề gây bức xúc toàn xã hội. Số liệu điều tra quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ năm 2010 cho thấy, 34% phụ nữ từng kết hôn cho biết đã từng bị chồng mình bạo hành thể xác hoặc tình dục, 58% cho biết đã từng chịu ít nhất một trong ba hình thức bạo lực về thể chất, tinh thần và tình dục trong đời. Đặc biệt, điều đáng lo ngại hiện nay là trung bình mỗi năm có khoảng 1.000 vụ xâm hại tình dục trẻ em gái. Ngoài ra, trẻ em gái còn là nạn nhân bạo lực gia đình, đối tượng dễ bị buôn bán và bạo lực ngoài môi trường gia đình…
Đối với tỉnh Lâm Đồng, thời gian qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện Chương trình quốc gia về bình đẳng giới đã đạt được những kết quả nổi bật, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Công tác đào tạo, quy hoạch, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ nữ ngày càng được chú trọng. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội của tỉnh chiếm 42,9%, tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chiếm 32%, cấp huyện 22,8%, cấp xã 21%, tỷ lệ trung bình 29,4%. Tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy đã có bước tăng đáng kể so với nhiệm kỳ trước; cấp cơ sở: UVBCH 390/1.800, chiếm 20,8%; cấp huyện: UVBCH: 84/557, chiếm 14,1%; cấp tỉnh: UVBCH: 10/54, chiếm 18,5%, tỉ lệ trung bình các cấp là 17,8%. Lâm Đồng là 1 trong 28 tỉnh có tỉ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy cao (trên 18%). Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh Lâm Đồng đã chủ động phối hợp với các ban, ngành, địa phương tổ chức được nhiều lớp bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý, các chính sách liên quan đến bình đẳng giới cho cán bộ nữ, cán bộ trong diện quy hoạch và người dân… Nhờ tích cực thực hiện các giải pháp đồng bộ nên đã góp phần kéo giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm, tăng cường tiếp cận phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ dân tộc…
Tiếp tục đẩy mạnh công tác bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, đồng thời hưởng ứng Tháng hành động năm 2016, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Kế hoạch Triển khai Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2016. Kế hoạch của tỉnh đặt ra mục đích, yêu cầu là thu hút sự quan tâm và tham gia của các cá nhân, cơ quan, tổ chức và xã hội vì công tác bình đẳng giới (BĐG), vì sự tiến bộ của phụ nữ (VSTBCPN) và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới; vận động toàn xã hội cùng tham gia thực hiện hiệu quả chính sách, pháp luật, chương trình BĐG và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới; khuyến khích, kêu gọi mọi người cùng lên tiếng, cùng hành động để giảm thiểu tình trạng bạo lực, chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái…
Để việc tổ chức Tháng hành động năm 2016 thực sự là điểm nhấn trong năm, tạo nên đợt cao điểm, phát động một chiến dịch truyền thông đẩy mạnh các hoạt động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới; đòi hỏi các cấp, ngành, đoàn thể cần tổ chức tốt một số hoạt động chủ yếu như: (1) Tổ chức các sự kiện và hoạt động truyền thông nhằm tuyên truyền về chủ đề, các thông điệp và hoạt động của Tháng hành động. (2) Tổ chức các diễn đàn đối thoại, tọa đàm, giao lưu văn nghệ, thể dục thể thao về các nội dung liên quan đến chủ đề Tháng hành động năm 2016. (3) Tổ chức gặp mặt và biểu dương những điển hình và điểm sáng trong công tác phòng chống bạo lực trên cơ sở giới; huy động các nguồn lực để hỗ trợ nạn nhân của bạo lực, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức đoàn đi thăm các nạn nhân của bạo lực... (4) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về triển khai thực hiện Tháng hành động vì BĐG và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới tại các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể huyện và các xã, thị trấn trong thời gian diễn ra Tháng hành động; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
“Thực hiện nam nữ bình quyền” là một chủ trương lớn đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên từ ngày thành lập Đảng tháng 2/1930. Do đó, đòi hỏi chúng ta không chỉ tập trung tổ chức tốt các hoạt động trong “Tháng hành động” mà còn phải thường xuyên tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền; nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ; đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về bình đẳng giới; đưa các mục tiêu bình đẳng giới vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị; đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực trong và ngoài nước cho việc thực hiện Chương trình; thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo thường xuyên về công tác bình đẳng giới. Mỗi người bằng tình thương và trách nhiệm hãy cùng hành động để chính sách và ước vọng về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới sớm trở thành hiện thực.
VĂN NHÂN