Không có vùng cấm trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng

08:11, 04/11/2016

Tham nhũng là một quốc nạn, đang cản trở quá trình phát triển của đất nước, làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Ðảng, Nhà nước, gây thiệt hại lớn về tài sản, làm thay đổi, đảo lộn những chuẩn mực đạo đức xã hội, tha hóa đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay.

Tham nhũng là một quốc nạn, đang cản trở quá trình phát triển của đất nước, làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Ðảng, Nhà nước, gây thiệt hại lớn về tài sản, làm thay đổi, đảo lộn những chuẩn mực đạo đức xã hội, tha hóa đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay.
 
Nhận thức được điều đó, Đảng và Nhà nước ta đã có quyết tâm chính trị rất cao, triển khai nhiều biện pháp quyết liệt nhằm đưa Luật Phòng, chống tham nhũng đi vào cuộc sống nhằm ngăn chặn, răn đe đến mức thấp nhất những tổ chức, cá nhân đã tham nhũng hoặc có ý định tham nhũng. Song trớ trêu thay, các thế lực thù địch và phần tử cơ hội chính trị đã cố tình không hiểu, chúng còn lợi dụng vấn đề này để chống phá sự nghiệp đổi mới và xây dựng đất nước của nhân dân ta. 
 
Để lôi kéo người dân “tin tưởng” vào các luận điệu xuyên tạc, các hội, nhóm, nhà “dân chủ, nhân quyền” thường lợi dụng những vụ án tham nhũng liên quan đến một số cán bộ, đảng viên đã xảy ra hoặc những sự việc tiêu cực trong xã hội để suy diễn, quy kết thổi phồng sự việc cho đó là tình trạng “phổ biến”, “bản chất” của chế độ xã hội chủ nghĩa, một “căn bệnh” do cơ chế độc đảng lãnh đạo, do “năng lực quản lý yếu kém” của Nhà nước… 
 
Chúng suy diễn rằng, có sự “bao che, dung túng, tiếp tay cho các hành vi tham nhũng, lãng phí, can thiệp, ngăn cản việc chống tham nhũng, lãng phí” của lãnh đạo, chính quyền các cấp, nên tình trạng tham nhũng mới lộng hành như vậy. Nguy hiểm hơn, để truyền tải thông tin xuyên tạc, chúng còn lập riêng một số website, blog để đăng tải bài viết, hình ảnh xuyên tạc, vu khống, bôi nhọ về đời tư, sự minh bạch của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta. Đây thực chất là những chiêu trò, thủ đoạn, âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch nhằm xóa bỏ Đảng Cộng sản và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
 
Nhận thức về nguy cơ của nạn tham nhũng ngay sau khi Cách mạng tháng Tám (năm 1945) thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ”. Người cho đó là: “Kẻ thù khá nguy hiểm, vì nó không mang gươm mang súng, mà nó nằm trong các tổ chức của ta, để làm hỏng công việc của ta”. 
 
Đảng, Nhà nước ta cũng hiểu rất rõ tình trạng tham nhũng của một số cán bộ, đảng viên có chức có quyền sẽ làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với chế độ, sự phát triển của đất nước. Chính vì vậy, trong các Văn kiện của Đảng tại các kỳ đại hội đều cảnh báo về tệ nạn này, nhất là trong thời kỳ đổi mới. 
 
Và đặc biệt là khi Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 được ban hành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khóa XI) đã ra Nghị quyết 1039/2006/NQ-UBTVQH11, ngày 28/8/2006, về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 13/2007/QĐ-TTg, ngày 24/1/2007 về việc thành lập, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và quy chế hoạt động của Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Các cơ quan bảo vệ pháp luật, như: Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao… đã thành lập những đơn vị chuyên trách về phòng, chống tham nhũng.
 
Theo thống kê của Thanh tra Chính phủ trong năm 2015, ngành Thanh tra đã phát hiện 100 vụ, 172 đối tượng có hành vi tham nhũng và liên quan đến tham nhũng với số tiền 40,7 tỷ đồng. Cơ quan điều tra các cấp đã thụ lý điều tra 351 vụ án, 813 bị can phạm tội về tham nhũng, khởi tố mới 178 vụ, 317 bị can; thu hồi, nộp ngân sách nhà nước trên 103 tỷ đồng và 2.887 m2 đất do tham nhũng.
 
Thời gian qua, những người đứng đầu Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam tiếp tục khẳng định và quyết tâm đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Ngày 1/10/2016, tại Hà Nội, phiên họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kết luận: “Cần tập trung chỉ đạo xử lý một số vụ án tham nhũng kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm; tài liệu, chứng cứ chắc đến đâu xử lý đến đó, sau đó điều tra xử lý tiếp nhằm tạo sự lan tỏa và chuyển biến tích cực trong phát hiện, xử lý tham nhũng”. 
 
Trong báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV nêu rõ: “Kỷ luật, kỷ cương trong bộ máy hành chính và trong xã hội chưa nghiêm; năng lực, phẩm chất của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu. Tình trạng tham nhũng còn nghiêm trọng, xảy ra nhiều vụ tham nhũng lớn trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, đầu tư, xây dựng, đất đai,...”. 
 
Tiếp xúc với cử tri thành phố Hải Phòng, ngày 3/8/2016, Thủ tướng đã khẳng định quyết tâm phòng, chống tham nhũng của Chính phủ; đồng thời, nhấn mạnh “không có vùng cấm trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng”. 
 
Trong cuộc họp đầu tháng 10/2016, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đã thống nhất chủ trương đưa 6 vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp ra xét xử sơ thẩm từ nay đến cuối năm 2016 và trong quý I năm 2017, như các vụ án: “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty in, thương mại và dịch vụ Agribank; “Đưa hối lộ, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Tổng Công ty Xây dựng đường thủy Việt Nam; “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng; lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty cổ phần dệt Quế Võ và Chi nhánh Quỹ hỗ trợ phát triển Bắc Ninh; “Tham ô tài sản và rửa tiền” xảy ra tại Công ty TNHH một thành viên vận tải Viễn dương Vinashin…
 
Với quyết tâm chính trị cao, Đảng, Nhà nước, Chính phủ sẽ không bao che, dung túng, tiếp tay cho các hành vi tham nhũng; kiên quyết đấu tranh loại trừ những cán bộ, đảng viên thoái hóa biến chất ra khỏi đời sống xã hội, không để tham nhũng cản trở công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
 
THANH LIÊM