Hiện nay, việc tổ chức chào cờ từ tỉnh đến các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng được duy trì thường xuyên, trở thành nề nếp và tạo được ấn tượng tốt đẹp. Ở thị trấn Thạnh Mỹ (huyện Đơn Dương), mô hình chào cờ được phổ biến khá rộng rãi và thu hút được nhiều tầng lớp tham gia.
Hiện nay, việc tổ chức chào cờ từ tỉnh đến các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng được duy trì thường xuyên, trở thành nề nếp và tạo được ấn tượng tốt đẹp. Ở thị trấn Thạnh Mỹ (huyện Đơn Dương), mô hình chào cờ được phổ biến khá rộng rãi và thu hút được nhiều tầng lớp tham gia.
|
Sinh hoạt sau lễ chào cờ tại tổ dân phố III và IV. Ảnh: Y.Thy |
Mô hình chào cờ được Đảng ủy thị trấn Thạnh Mỹ áp dụng vào đầu năm 2016, vào sáng thứ hai đầu tháng, khắp các tổ dân phố trên địa bàn thị trấn Thạnh Mỹ mọi người cùng nhau tập trung hát Quốc ca và lắng nghe những câu chuyện về tư tưởng tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, qua đó liên hệ thực tế, rút ra bài học kinh nghiệm đối với cá nhân, tổ chức và địa phương của mình.
Điều đặc biệt, Đảng ủy thị trấn có nhiệm vụ phân công và luân phiên cán bộ tới các tổ dân phố để tham dự và thay nhau điều hành buổi chào cờ. Buổi chào cờ thường được tổ chức tại hội trường hay nhà sinh hoạt cộng đồng. Thời gian chào cờ bắt đầu từ 6 giờ 30 hoặc 7 giờ và triển khai các nội dung trong buổi chào cờ khoảng từ 15 đến 30 phút.
Ông Phạm Phú Đào - Bí thư Đảng ủy thị trấn Thạnh Mỹ cho biết: “Lúc đầu, khi mới áp dụng mô hình chào cờ này tại các tổ dân phố chỉ có sự tham gia của các giáo viên, đảng viên, các cán bộ nghỉ hưu. Mỗi tổ dân phố, trung bình có khoảng 20 người tham gia vì phần lớn người dân buôn bán, làm nông nghiệp và còn tâm lý e ngại nhưng sau một thời gian triển khai, cùng với sự nhiệt tình, xông xáo của các cán bộ, người uy tín ở các tổ dân phố mà hiện nay mô hình chào cờ đã trở thành một phong trào, đang dần đi vào nề nếp và được người dân tham gia rất đông. Đặc biệt, để buổi chào cờ “không biến thành một cuộc họp”, tránh gây tâm lý nặng nề, mang tính lý luận, các buổi sinh hoạt thường được sàng lọc với nội dung ngắn gọn, sát với thực tiễn, nên không khí buổi chào cờ trở nên hấp dẫn và hiệu quả”.
Bước đầu, khi mới triển khai mô hình chào cờ, Đảng ủy thị trấn Thạnh Mỹ đã chọn tổ dân phố Nghĩa Lập 2 làm thí điểm, sau khi mô hình triển khai có hiệu quả, lãnh đạo thị trấn đã tiến hành đúc rút kinh nghiệm và tiến hành vận động các tổ dân phố khác thực hiện theo.
Ông Hoàng Sỹ Phát - Bí thư Chi bộ tổ dân phố Nghĩa Lập 2 chia sẻ: “Khoảng 4 ngày trước khi diễn ra buổi chào cờ, tập thể cấp ủy chi bộ, ban điều hành tổ dân phố cùng nhau chuẩn bị kỹ lưỡng cho lễ chào cờ. Việc chào cờ ở thôn chúng tôi xác định là nhằm nêu cao lòng tự tôn dân tộc, ghi nhớ những công lao của các vị anh hùng đã ngã xuống vì độc lập, tự do của đất nước đồng thời nêu cao lòng yêu nước, tính cộng đồng của bà con”.
Ông Đào Xuân Ký - Bí thư Chi bộ tổ dân phố M’Lọn cho biết thêm, tổ dân phố M’Lọn có 18% người dân tộc thiểu số nên ban đầu rất khó khăn trong việc phổ biến mô hình chào cờ. Phần lớn bà con ngại tiếp xúc sinh hoạt cộng đồng và chưa nắm bắt được tầm quan trọng của lễ chào cờ. Nhưng sau đó, thông qua buổi chào cờ thấy các vấn đề bức xúc của người dân được giải quyết kịp thời nên người dân ở đây đã tham gia đầy đủ với tinh thần trách nhiệm cao. Hiện nay, trên địa bàn thị trấn đã có 11/11 tổ dân phố đồng loạt triển khai việc tổ chức chào cờ, sinh hoạt dưới cờ thứ hai tuần đầu tháng và tiến hành quay lại một đoạn video clip về diễn biến của buổi sinh hoạt chào cờ tại tổ dân phố. Hàng tháng, Đảng ủy cung cấp thêm các bản tin, tài liệu tuyên truyền để các chi bộ tham khảo.
Tuy nhiên, đối tượng tham gia chưa được rộng rãi, cơ sở vật chất, trang thiết bị, không gian sinh hoạt cộng đồng ở một số tổ dân phố còn hạn chế. Chính vì vậy, để mô hình này lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa đòi hỏi các cán bộ, đảng viên phải tiên phong, gương mẫu đi đầu để nhân dân học tập và phát huy tính tập thể của nhân dân.
YẾN THY