Tăng cường phó bí thư chuyên trách, nâng cao hiệu quả hệ thống chính trị ở cơ sở

09:11, 08/11/2016

Thực hiện chủ trương bổ sung phó bí thư chuyên trách xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, đến nay, huyện Bảo Lâm đã có 1 phó bí thư cấp huyện và 7 phó bí thư cấp xã được tăng cường để đảm nhiệm công việc này. 

Thực hiện chủ trương bổ sung phó bí thư chuyên trách xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở (HTCTCS), đến nay, huyện Bảo Lâm đã có 1 phó bí thư cấp huyện và 7 phó bí thư cấp xã được tăng cường để đảm nhiệm công việc này. 
 
Vai trò của các già làng, trưởng bản huyện Bảo Lâm ngày càng được phát huy. Ảnh: Đ.Anh
Vai trò của các già làng, trưởng bản huyện Bảo Lâm ngày càng được phát huy. Ảnh: Đ.Anh

Chủ trương tăng cường phó bí thư chuyên trách xây dựng HTCTCS trên địa bàn huyện Bảo Lâm trong thời gian qua đã tạo được sự đồng thuận cao, góp phần tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân ngày càng gần gũi, tránh tình trạng quan liêu, xa dân.
 
Chuyển biến từ xã
 
Tính đến hiện tại, toàn huyện Bảo Lâm có 7/13 xã thực hiện chủ trương phó bí thư chuyên trách xây dựng HTCTCS, bao gồm các xã: Lộc Bắc, Lộc Bảo, Lộc Tân, Lộc Phú, Lộc Lâm, Lộc Nam và B’Lá. Đây là những xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống. 
 
Theo báo cáo của Huyện ủy Bảo Lâm, việc thực hiện nhiệm vụ của phó bí thư phụ trách xây dựng HTCTCS ở các xã cơ bản đã đi vào nề nếp, ổn định. Đảng ủy các xã đã có quy chế, sự phân công, phân nhiệm rõ ràng giữa các phó bí thư cấp ủy. Các phó bí thư chuyên trách tập trung xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở thôn và quan tâm tạo nguồn phát triển đảng viên trong vùng đồng bào DTTS và người có đạo. Công tác xây dựng chi bộ, đảng bộ trong sạch vững mạnh cũng được quan tâm, chú trọng xây dựng khối dân vận trong hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh. 
 
Có thể thấy, ở hầu hết các xã từ khi bổ sung phó bí thư chuyên trách thì HTCTCS đều được nâng cao và ngày càng vững mạnh. Điển hình như tại xã Lộc Nam, toàn xã hiện có hơn 3.000 hộ dân với hơn 13.000 nhân khẩu sinh sống tại 10 thôn; trong đó, có 5 thôn chủ yếu là người đồng bào DTTS gốc Tây Nguyên sinh sống. Từ khi bổ sung phó bí thư xây dựng HTCTCS, xã Lộc Nam đã đạt được nhiều kết quả. Công tác xây dựng Đảng ở địa phương trong thời gian qua có nhiều chuyển biến. Công tác sinh hoạt Đảng đi vào nề nếp và tỷ lệ đảng viên kết nạp là người DTTS tăng hơn trước. Đặc biệt, phó bí thư chuyên trách luôn thực hiện công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát hệ thống chính trị của địa phương. Đây cũng là người trực tiếp quản lý đội ngũ cán bộ Mặt trận và các đoàn thể. 
 
Ông Nguyễn Văn Hoàn, Bí thư Đảng ủy xã Lộc Nam cho biết: “Thời gian qua, Đảng bộ xã Lộc Nam luôn quan tâm và chú trọng xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng để “gốc rễ của Đảng” luôn trong sạch, vững mạnh. Từ khi thực hiện chủ trương này, Đảng bộ xã đã phân công một phó bí thư chuyên trách xây dựng HTCTCS. Hàng năm, Đảng ủy xã, mà trực tiếp là phó bí thư chuyên trách, đã chỉ đạo UBND xã tổ chức bầu người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS. Đến nay, đã bầu được 5 người uy tín tại 5 thôn có đông đồng bào DTTS sinh sống. Những người uy tín đã phát huy tốt vai trò của mình trong công tác giữ gìn an ninh trật tự và tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Họ cũng là người gương mẫu trong việc chấp hành và thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; hướng dẫn bà con phát triển kinh tế gia đình. Từ đó, công tác đoàn kết dân tộc được nâng cao. Đồng bào DTTS tại địa phương đã nâng cao cảnh giác trong việc phát hiện, tố giác tội phạm”.
 
Theo đánh giá của Huyện ủy Bảo Lâm, việc tăng thêm chức danh phó bí thư chuyên trách tại các xã trọng điểm vùng đồng DTTS đã tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội. Đội ngũ cán bộ trong quy hoạch được đào tạo, bồi dưỡng và tích lũy thêm kinh nghiệm trong thực tiễn, góp phần tăng cường củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở. 
 
Hiệu quả đến huyện
 
Cách đây 10 năm, tình hình kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào DTTS huyện Bảo Lâm còn nhiều khó khăn, như: Tỷ lệ hộ nghèo cao gần 50%, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ. Đặc biệt, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị chưa được quan tâm đúng mức. Tại thời điểm đó, toàn huyện có 18 thôn “ghép” đảng viên và 9 thôn “trắng” đảng viên. Trình độ cán bộ công chức chưa cao khi có đến hơn 60% cán bộ cấp xã chưa có trình độ chuyên môn và 30% chưa được đào tạo lý luận chính trị. 
 
Sau một thời gian dài triển khai nhiều giải pháp đồng bộ; trong đó, có thực hiện chủ trương bổ sung phó bí thư chuyên trách xây dựng HTCTCS, đời sống người dân vùng đồng bào DTTS ngày càng được cải thiện. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào giảm còn 12% (năm 2015). 100% hộ nghèo và cận nghèo được xóa nhà tạm. Hệ thống chính trị được củng cố và kiện toàn. Toàn huyện hiện có 224 chi bộ trực thuộc với  hơn 2.000 đảng viên, không còn thôn “trắng” và thôn “ghép” đảng viên. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức là người DTTS được tăng lên đáng kể, chiến hơn 35% trong bộ máy chính quyền cấp xã.
 
Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, phó bí thư chuyên trách đã chủ động tham mưu cho Ban Thường vụ, Thường trực Huyện ủy về nhiệm vụ và những giải pháp trong công tác củng cố, kiện toàn các tổ chức Đảng và chính quyền, Mặt trận, đoàn thể còn yếu nhằm xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong hệ thống chính trị vững mạnh.
 
Phó bí thư chuyên trách cũng được phân công lãnh chỉ đạo và phụ trách khối Mặt trận và các đoàn thể. Kết quả thực tế cho thấy, Mặt trận và các đoàn thể đã từng bước đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động. Hiệu quả được thể hiện qua những kết quả đạt được của cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, các hoạt động từ thiện, đền ơn đáp nghĩa, giúp đỡ người nghèo…  
 
Tuy nhiên, theo đánh giá của Huyện ủy Bảo Lâm, việc thực hiện phó bí thư chuyên trách còn một số hạn chế như sự phân công chỉ đạo, điều hành còn chồng chéo, nhất là ở cơ sở; sự liên kết giữa các tổ chức trong Mặt trận và các đoàn thể, các tầng lớp nhân dân nhiều lúc, nhiều nơi còn chưa chặt chẽ... 
 
Để chủ trương tăng cường phó bí thư chuyên trách thực sự có hiệu quả thì cần tiếp tục đổi mới phương thức, đa dạng hóa hình thức hoạt động để tập hợp đông đảo đồng bào DTTS vào tổ chức, chú trọng phát triển đảng viên là người đồng bào DTTS và tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ là người DTTS đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt cần  phát huy tốt vai trò của các già làng, trưởng bản và người có uy tín.
 
ÐÔNG ANH