Việc Trung ương ban hành Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII cho thấy quyết tâm chính trị của Ban Chấp hành Trung ương đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thể hiện rõ tính chiến đấu của Đảng ta.
Việc Trung ương ban hành Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII (NQTW4) cho thấy quyết tâm chính trị của Ban Chấp hành Trung ương đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thể hiện rõ tính chiến đấu của Đảng ta. Để việc thực hiện đạt được mục tiêu Nghị quyết đề ra, vấn đề cốt lõi nhất là phải gắn chặt với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Trong đó xác định: Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.
Ngày 30/10/2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW “về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Nghị quyết đã thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, yếu kém, xác định cụ thể nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém trong công tác xây dựng Đảng, nhất là sau 5 năm triển khai thực hiện NQTW4 khóa XI; đồng thời xác định hệ thống giải pháp nhằm đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, mà trọng tâm là ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đặc biệt, trong nghị quyết lần này, Trung ương đã thẳng thắn chỉ rõ 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị và 9 biểu hiện về suy thoái đạo đức, lối sống. Đó là những căn cứ quan trọng để từng cấp ủy, tổ chức đảng triển khai thực hiện một cách hiệu quả, có chất lượng.
Như vậy, Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị và NQTW4 khóa XII đều nhằm mục đích xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Do đó, việc triển khai thực hiện Nghị quyết phải gắn chặt với việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thực hiện tốt Chỉ thị 05 là góp phần củng cố vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng trong mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi tổ chức Đảng và trong toàn Đảng, tiền đề quan trọng để thực hiện Nghị quyết TW4.
Để việc triển khai NQTW4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đạt được kết quả như mục tiêu đề ra, thiết nghĩ chúng ta cần chú trọng một số điểm sau đây:
Trước hết, kết quả thực hiện phụ thuộc rất lớn vào thái độ, trách nhiệm của từng cán bộ, đảng viên (CB, ĐV), mà trước hết là người đứng đầu cấp ủy. Do vậy, cấp ủy từng cấp, trực tiếp là bí thư cấp ủy phải nắm vững những nội dung trọng tâm, cốt yếu được xác định trong Nghị quyết, đặc biệt là 4 nhóm giải pháp: Công tác chính trị tư tưởng, tự phê bình và phê bình; cơ chế chính sách; kiểm tra, giám sát kỷ luật Đảng; phát huy vai trò của nhân dân và Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội. Đây là cơ sở, điều kiện, căn cứ để cấp ủy các cấp tổ chức học tập, quán triệt, xây dựng chương trình hành động triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế ở từng địa phương, đơn vị. Việc thực hiện phải trên cơ sở đánh giá đúng thực tế, nhận diện và chỉ rõ những biểu hiện cụ thể ở từng CB, ĐV để có các giải pháp khắc phục hiệu quả.
Thứ hai, phải quán triệt và thấm nhuần sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng là công việc thường xuyên, đặc biệt vào thời điểm cách mạng chuyển sang giai đoạn mới, một chặng đường mới và nhiệm vụ mới, nhằm bảo đảm cho Đảng luôn trong sạch, vững mạnh, xứng đáng giữ vai trò lãnh đạo đất nước. Muốn Đảng trong sạch, vững mạnh, phải loại bỏ mọi phần tử cơ hội, thoái hóa; làm cho đội ngũ CB, ĐV luôn giữ vững tư tưởng chính trị, đạo đức cách mạng và phong cách dân chủ, mẫu mực. Bác nhấn mạnh: chỉnh đốn đảng là công việc rất hệ trọng, liên quan đến toàn bộ xã hội. Vì vậy, phải làm từng bước, phải có trọng tâm; chỉnh huấn về mặt tư tưởng phải gắn với chỉnh đốn về tổ chức; chỉnh huấn cán bộ cao cấp là mấu chốt của chỉnh huấn đảng; Trung ương phải tập trung làm trước và trực tiếp chỉ đạo; chỉnh đốn đảng không phải là “chỉnh” và “đốn”, mà làm cho mỗi CB, ĐV thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình.
Nội dung xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh là: học tập chủ nghĩa, dùi mài tư tưởng, nâng cao lý luận, chấn chỉnh tổ chức; phải tuân thủ và vận dụng linh hoạt các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng; xây dựng và rèn luyện đội ngũ CB, ĐV. Đảng phải đặc biệt coi trọng tự phê bình và phê bình; đó là nguyên tắc quan trọng của sinh hoạt Đảng, là quy luật phát triển Đảng và là biện pháp cơ bản để xây dựng Đảng ta trong sạch, vững mạnh. Người nhắc nhở: cán bộ càng cao, trách nhiệm càng lớn, càng phải gương mẫu tự phê bình và phê bình một cách trung thực, chân thành. Người đặc biệt phê phán các biểu hiện che giấu khuyết điểm, sợ tự phê bình và không dám phê bình; thái độ nể nang, né tránh hoặc lợi dụng phê bình để nói xấu, bôi nhọ, vùi dập, đả kích người khác...
Thứ ba, lấy việc tự giác học tập và tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, phong cách theo tư tưởng, tấm gương Hồ Chí Minh là biện pháp quan trọng hàng đầu, là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, lâu dài và trở thành nền nếp. Mỗi người phấn đấu tự tu dưỡng, rèn luyện theo những chuẩn mực đạo đức đã được địa phương, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị xây dựng.
Thứ tư, khẩn trương đổi mới công tác tổ chức, cán bộ; tăng cường kiểm tra, giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện của CB, ĐV; hoàn thiện các cơ chế, chính sách, nhất là chính sách đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ cho phù hợp. CB, ĐV phải luôn đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết, biết giải quyết đúng đắn, hài hòa giữa lợi ích cá nhân với lợi ích của Đảng, của dân tộc; phải luôn lấy dân làm gốc, giữ mối quan hệ mật thiết với nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; phải bằng việc làm cụ thể để dân tin, dân phục, dân yêu... như Bác Hồ đã dạy. Đồng thời, phải tăng cường phê phán, cảnh báo, đấu tranh ngăn ngừa những việc làm sai trái, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước; kiên quyết đưa ra khỏi Đảng những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, đặc biệt là những người lợi dụng chức quyền để mưu cầu lợi ích riêng, lợi ích nhóm, quan liêu, tham nhũng…
Với trách nhiệm chính trị của mình, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp phải đem hết tài năng, trí tuệ gương mẫu đi đầu trong triển khai thực hiện có hiệu quả NQTW4 khóa XII, góp phần xây dựng Đảng ta thực sự trong sạch vững mạnh, như điều Bác Hồ căn dặn trước lúc đi xa.
KHÁNH LINH