Xác định công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng cũng như bảo vệ tài nguyên khoáng sản là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, năm 2016, Huyện ủy Lạc Dương đã tiếp tục ban hành nghị quyết chuyên đề về "Tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, tài nguyên khoáng sản trên địa bàn huyện"...
Xác định công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng cũng như bảo vệ tài nguyên khoáng sản là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, năm 2016, Huyện ủy Lạc Dương đã tiếp tục ban hành nghị quyết chuyên đề về “Tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, tài nguyên khoáng sản trên địa bàn huyện”. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, việc triển khai thực hiện Nghị quyết đã đem lại nhiều tín hiệu vui.
Lạc Dương có diện tích rừng và quy hoạch cho mục đích lâm nghiệp là 116.573 ha (rừng đặc dụng: 56.432 ha, rừng phòng hộ: 40.634 ha, rừng sản xuất: 19.507 ha). Rừng Lạc Dương có hệ động thực vật rừng phong phú, đa dạng.
Lấy người dân làm trọng tâm
Năm 2010, Huyện ủy Lạc Dương đã ban hành Nghị quyết về việc “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, tài nguyên khoáng sản trên địa bàn huyện”. Theo đó, công tác giao khoán quản lý, bảo vệ rừng, trồng rừng, trồng cây phân tán cũng như phát hiện, điều tra, truy tố để xét xử các vụ án vi phạm nghiêm trọng Luật Bảo vệ và phát triển rừng, công tác phòng cháy chữa cháy rừng, giải tỏa lấn chiếm đất rừng… được thực hiện có hiệu quả. Nhờ vậy đã hạn chế tình trạng khai thác, lấn chiếm đất rừng, đào đãi khoáng sản trái phép, không để xảy ra các vụ cháy rừng trên quy mô lớn. Vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền đoàn thể, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, tài nguyên khoáng sản ngày càng được nâng lên.
Nghị quyết của Huyện ủy xác định mục tiêu duy trì tỷ lệ che phủ rừng là 84%, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, ông Sử Thanh Hoài - Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương khẳng định “hiện nay độ che phủ rừng toàn huyện đã đạt trên 85%”. |
Tuy nhiên, tình trạng di dân tự do, phá rừng, hủy hoại cây rừng để lấn chiếm đất lâm nghiệp, khai thác vận chuyển mua bán trái phép lâm sản, khoáng sản vẫn còn diễn ra và diễn biến ngày càng phức tạp, tinh vi. Trước tình hình đó, đầu năm 2016, Huyện ủy Lạc Dương tiếp tục ban hành Nghị quyết số 02 về vệc này. Dựa trên tình hình thực tế địa phương, Nghị quyết xác định những mục tiêu cụ thể như: duy trì tỷ lệ che phủ rừng là 84%, giảm tỷ lệ số vụ vi phạm về Luật Bảo vệ và phát triển rừng mỗi năm từ 10%. Giải tỏa 100% đất lâm nghiệp bị lấn chiếm… Đặc biệt, Nghị quyết còn xác định lấy người dân làm trọng tâm. Cụ thể, công tác quản lý, bảo vệ rừng và tài nguyên khoáng sản phải gắn với việc nâng cao đời sống nhân dân, góp phần làm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của địa phương; từng bước ổn định và nâng cao đời sống của người dân. Điều này được thể hiện rõ nhất trong việc thực hiện giao khoán quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) cho bà con.
Tổng diện tích giao khoán QLBVR của các đơn vị chủ rừng nhà nước trên địa bàn huyện năm 2016 là: 97.961,190 ha; hiện đang giao khoán cho 2.982 hộ dân và 13 đơn vị tập thể bằng nguồn vốn dịch vụ môi trường rừng. Trên địa bàn huyện, hầu hết các hộ nghèo tại các xã đều được các đơn vị chủ rừng ký hợp đồng nhận khoán. Già K’Rế - người đã có nhiều năm nhận khoán nói: Công tác giao khoán QLBVR đã giúp cho người dân có một nguồn thu nhập ổn định, cải thiện cuộc sống, góp phần xóa đói, giảm nghèo tại địa phương; từ đó, góp phần làm giảm áp lực vào rừng; đồng thời nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ rừng của bà con.
Ðộ che phủ rừng toàn huyện đạt trên 85%
Để có được kết quả này, trong quá trình triển khai Nghị quyết các tổ chức đảng chính quyền địa phương cũng như các đơn vị liên quan đã tích cực, chủ động trong mọi tình huống.
Theo ghi nhận từ UBND huyện Lạc Dương, ngay từ đầu mùa khô 2015 - 2016, công tác QLBVR nói chung và công tác phòng cháy, chữa cháy rừng nói riêng luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể đặc biệt quan tâm, với phương châm phòng là chính, cứu chữa khẩn trương, nhanh chóng và kịp thời. Vì vậy, công tác tuyên truyền, vận động là nhiệm vụ hàng đầu trong hoạt động QLBVR và PCCCR. Trong 3 tháng cao điểm mùa khô 2015 - 2016, công tác tuần tra, kiểm tra rừng trong các tháng cao điểm mùa khô đã được thực hiện có hiệu quả, các điểm cháy rừng được phát hiện và ngăn chặn kịp thời, không để xảy ra các vụ cháy rừng gây thiệt hại tài nguyên rừng. Đến nay, trên địa bàn huyện Lạc Dương đã có 24/33 thôn, tổ dân phố xây dựng và triển khai thực hiện Quy ước bảo vệ rừng.
Với vai trò là nòng cốt trong việc BVR và tham mưu chính quyền địa phương thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng tại cơ sở, kiểm lâm địa bàn thường xuyên bám dân, bám rừng, phối hợp với các đoàn thể và chính quyền tổ chức tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức để nâng cao ý thức chấp hành các quy định bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, thực hiện cam kết bảo vệ rừng. Phối hợp với đơn vị chủ rừng, lực lượng nhận khoán tuần tra, kiểm tra rừng để ngăn chặn, phát hiện và xử lý kịp thời hành vi phá rừng, khai thác, lấn chiếm đất lâm nghiệp… Trong năm 2016, số vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện Lạc Dương giảm 34 vụ so với cùng kỳ năm 2015.
NGỌC NGÀ