Tăng cường đấu tranh chống các quan điểm sai trái trên mạng xã hội

08:12, 27/12/2016

Theo số liệu về công nghệ thông tin - truyền thông, tính đến hết năm 2015, nước ta có gần 33 triệu người dùng Internet, chiếm hơn 30% tổng dân số. Ở Việt Nam, mạng xã hội được biết đến và sử dụng phổ biến nhất hiện nay là Facebook với khoảng trên 12 triệu người, cùng với nhiều trang mạng và diễn đàn xã hội khác.

Theo số liệu về công nghệ thông tin - truyền thông, tính đến hết năm 2015, nước ta có gần 33 triệu người dùng Internet, chiếm hơn 30% tổng dân số. Ở Việt Nam, mạng xã hội được biết đến và sử dụng phổ biến nhất hiện nay là Facebook với khoảng trên 12 triệu người, cùng với nhiều trang mạng và diễn đàn xã hội khác.
 
Cùng với những ưu điểm của mạng xã hội mang lại, thời gian gần đây, các thế lực thù địch triệt để lợi dụng mạng xã hội để đăng tải thông tin xuyên tạc, phủ nhận đường lối, quan điểm của Đảng; vu khống, bịa đặt, nói xấu, bôi nhọ lãnh đạo Đảng và Nhà nước... những thông tin trên đã gây ra sự hoài nghi, hoang mang trong các tầng lớp nhân dân, nhất là một bộ phận trí thức và thanh niên, học sinh, sinh viên, tạo sự bất ổn, dẫn đến “tự diễn biến” để thực hiện ý đồ chống phá.
 
Nội dung chống phá của các thế lực thù địch trên mạng xã hội trong thời gian qua tập trung vào một số vấn đề như: Tung ra những thông tin, quan điểm sai trái, thù địch nhằm phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, con đường đi lên CNXH của Việt Nam; xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; gây mâu thuẫn nội bộ, vu cáo, bịa đặt, bôi nhọ danh dự các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Kêu gọi thay đổi chế độ chính trị, đòi đa nguyên, đa đảng; kêu gọi biểu tình gây áp lực đối với Đảng, Nhà nước; âm mưu xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, phi chính trị hóa quân đội; phát tán những tin, bài, tài liệu có luận điệu sai trái, thổi bùng các vấn đề trong nước để xuyên tạc, bóp méo, lấy hiện tượng quy thành bản chất nhằm công kích sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. 
 
Bên cạnh đó, các thế lực thù địch còn lợi dụng chiêu bài “Dân chủ”, “Nhân quyền”, “Tôn giáo” để vu cáo, gây sự chú ý của dư luận trong nước và quốc tế, tạo áp lực với Đảng, Nhà nước ta. Nhào nặn, lan truyền những thông tin thất thiệt gây tâm lý bi quan, hoài nghi vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành, quản lý của Nhà nước trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, thúc đẩy quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta; làm xói mòn niềm tin của nhân dân với Đảng, gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ, thực hiện mưu đồ xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, từng bước lái Việt Nam theo chế độ đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập. 
 
Về thủ đoạn, các thế lực thù địch đã lập ra hàng trăm trang web với phần lớn máy chủ đặt ở nước ngoài, để thu thập, bịa đặt, phát tán những thông tin, hình ảnh xấu độc; tung ra các luận điệu vu cáo, bình luận thâm độc để kêu gọi, thu hút sự phụ họa, “theo đóm ăn tàn” của những phần tử bất mãn, cơ hội chính trị trong nước, nhằm bới móc, thổi phồng, bóp méo sự thật, phá hoại niềm tin của quần chúng nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta.
 
Trước tình hình trên, mỗi cán bộ, chiến sĩ, LLVT tỉnh tự trang bị kiến thức để “miễn dịch” trước các âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch trên không gian mạng. Trên cơ sở đó, Đảng ủy - Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh yêu cầu cấp ủy, chỉ huy các đơn vị cần thực hiện tốt một số nội dung sau:
 
Tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức về âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, làm cho mọi quân nhân nhận thức rõ không gian mạng và các sản phẩm của nó là do con người tạo ra, là thành tựu khoa học công nghệ. Mỗi quân nhân phải chủ động tiếp cận và khai thác có hiệu quả, làm cho không gian mạng không xa cách, đồng thời cũng không quá sa đà vào mạng. Tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, chiến sỹ có nhãn quan chính trị đúng đắn và trình độ lý luận sắc bén để nhận diện và đủ sức “phản biện” các thông tin xấu độc trên các trang mạng xã hội. Cần phải nhận thức rõ việc khai thác thông tin mạng là nhằm mục đích xây dựng tổ chức, xây dựng con người, góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao.
 
Quán triệt, thực hiện nghiêm Nghị định của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng Internet và thông tin trên mạng; Quy chế quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet trong Quân đội. Tập trung xây dựng lực lượng, phương tiện đủ mạnh để đấu tranh chống lại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trên không gian mạng. Trước hết, phải củng cố kiện toàn và phát huy vai trò của “lực lượng 47” trong đấu tranh với các thông tin xấu độc của các thế lực thù địch. Thực hiện tốt công tác quản lý mạng Internet, tăng cường quản lý báo chí, xuất bản, khai thác các ấn phẩm văn hóa, không để văn hóa phẩm xấu độc xâm nhập vào đơn vị.
 
Thường xuyên coi trọng xây dựng các tổ chức Đảng TSVM, đội ngũ quân nhân của đơn vị có kiến thức toàn diện, vững vàng về bản lĩnh chính trị, luôn luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu cao. Thực hiện nghiêm các quy định, chỉ thị về bảo mật thông tin, đặc biệt là về kỷ luật phát ngôn, nâng cao trình độ tin học và ngoại ngữ cho cán bộ, chiến sĩ để nắm bắt và làm chủ công nghệ thông tin, góp phần khai thác và làm chủ vũ khí trang bị kỹ thuật hiện đại.
 
Triệt để lợi dụng không gian mạng để chống phá cách mạng Việt Nam đang là xu thế chủ đạo được các thế lực thù địch ưu tiên, với mưu đồ: Đẩy nhanh quá trình hội nhập kinh tế của Việt Nam vào nền kinh tế thế giới, từng bước làm chệch hướng XHCN, phát triển kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa; hình thành “xã hội dân sự”, đẩy mạnh thực hiện “phi chính trị hóa” Quân đội. 
 
Việc chủ động nhận diện, đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, phản động và những thông tin xấu độc trên mạng xã hội là yêu cầu cần thiết, cấp bách và là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, chỉ huy và của mọi tổ chức, các nhân trong LLVT tỉnh hiện nay.
 
Ðại tá TRẦN CHIẾN