Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại một di sản tinh thần vô giá, có ý nghĩa chỉ đạo lâu dài sự nghiệp cách mạng nước ta, trong đó có tư tưởng của Người về quốc phòng toàn dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại một di sản tinh thần vô giá, có ý nghĩa chỉ đạo lâu dài sự nghiệp cách mạng nước ta, trong đó có tư tưởng của Người về quốc phòng toàn dân.
Như chúng ta đã biết, sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh diễn ra trong một thời kỳ lịch sử mà cuộc đấu tranh giải phóng của dân tộc thuộc địa chống chủ nghĩa thực dân, đế quốc đang phát triển mạnh mẽ và rộng khắp. Chính bối cảnh lịch sử đó khiến Hồ Chí Minh dành nhiều thời gian, tâm lực nghiên cứu về quân sự. Người đã làm việc, suy nghĩ tìm kiếm không mệt mỏi để chuẩn bị về lý luận và tổ chức cho khởi nghĩa vũ trang và chiến tranh cách mạng. Người đã trực tiếp biên soạn nhiều tác phẩm quân sự có giá trị lý luận và thực tiễn, bồi dưỡng kiến thức quân sự cho cán bộ, đảng viên và nhân dân ta ngay trong buổi đầu cách mạng. Tư tưởng quốc phòng toàn dân của Hồ Chí Minh biểu hiện qua các nội dung chủ yếu sau:
Một là, phát động một cuộc chiến tranh nhân dân, dùng sức mạnh của toàn dân để đánh thắng kẻ thù.
Kế thừa truyền thống “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” của dân tộc, vận dụng quan điểm “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng” của chủ nghĩa Mác - Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: Dân là chủ, kháng chiến kiến quốc là sự nghiệp của dân; có dân là có tất cả; khởi nghĩa toàn dân để giành lại nền độc lập cho dân tộc, kháng chiến toàn dân để giữ vững nền độc lập ấy. Trong lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp, Hồ Chí Minh viết: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc”. Bước vào cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Người kêu gọi toàn dân với tinh thần: mỗi làng xóm là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ, quyết tâm “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”.
Bằng đường lối chính trị đúng đắn cùng với sự mềm dẻo, linh hoạt trong chỉ đạo, Hồ Chí Minh đã thực hiện thành công việc tập hợp toàn dân vào các hình thức mặt trận, phát huy đến cao độ khả năng của dân trong cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ để rồi bằng chính sức mạnh của mình giành thắng lợi.
Hai là, xây dựng lực lượng quân sự bao gồm ba thứ quân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích), kết hợp xây dựng lực lượng chính trị rộng khắp và chặt chẽ giữa đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị, sử dụng linh hoạt các phương pháp tiến công.
Ngay khi Đảng ra đời, Đảng ta đã chú ý xây dựng các hình thức mặt trận. Mặt trận chính trị là tổ chức tập hợp đông đảo, rộng rãi các tầng lớp nhân dân. Đây là cơ sở để xây dựng một đội quân chính trị rộng khắp.
Trong xây dựng lực lượng vũ trang, Hồ Chí Minh hết sức chú ý đến việc giáo dục chính trị tư tưởng và nhiệm vụ chính trị cho họ. Trong chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Chọn lọc trong hàng ngũ những du kích Cao - Bắc - Lạng số cán bộ và đội viên kiên quyết, hăng hái nhất và sẽ tập trung một phần lớn vũ khí để lập ra đội quân chủ lực…, trong khi tập trung lực lượng để lập một đội quân đầu tiên, cần phải duy trì lực lượng vũ trang các địa phương”. Hồ Chí Minh luôn coi trọng cả ba thứ quân.
Bộ đội chủ lực, theo Hồ Chí Minh là lực lượng quan trọng nhất của quân đội nhân dân, là lực lượng cơ động chiến lược trên địa bàn cả nước, hoặc trên từng chiến trường, là lực lượng chủ yếu để tiến hành tác chiến tập trung. Nó có nhiệm vụ tiêu diệt quân chủ lực của địch, làm chuyển biến cục diện chiến tranh. Vì vậy, phải đặc biệt quan tâm xây dựng bộ đội chủ lực.
Bộ đội địa phương là một bộ phận của quân đội nhân dân hoạt động tác chiến tại các địa phương. Đó là lực lượng vũ trang tập trung cơ động của địa phương, có nhiệm vụ cùng dân quân tự vệ bảo vệ địa phương và phối hợp với bộ đội chủ lực khi cần thiết.
Hồ Chí Minh đánh giá rất cao vai trò của dân quân du kích, Người coi là “lực lượng của toàn dân tộc, là một lực lượng vô địch, là một bức tường sắt của Tổ quốc”.
Ở Chủ tịch Hồ Chí Minh, giữa chính trị và quân sự có mối quan hệ mật thiết. Dùng chính trị để phục vụ cho quân sự, dùng quân sự để xây dựng chính trị và kết hợp chính trị với quân sự để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc bằng tinh thần và sức mạnh của toàn dân.
Ba là, kết hợp giữa kháng chiến và kiến quốc, giữa mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Tư tưởng này được thể hiện rõ trong hai cuộc kháng chiến. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Người chủ trương “Vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”, khẩn trương xây dựng chính quyền và Mặt trận Liên Việt, kêu gọi toàn dân thi đua ái quốc “chống giặc đói, chống giặc dốt, chống giặc ngoại xâm”, “hậu phương thi đua với tiền phương”, “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, thi đua thực hành cần, kiệm, liêm, chính, thực hiện các chính sách bồi dưỡng sức dân để kháng chiến.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Người chủ trương xây dựng miền Bắc làm hậu phương vững chắc cho tiền tuyến miền Nam và là cơ sở vững chắc cho công cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà. Người động viên quân và dân miền Bắc ra sức xây dựng chủ nghĩa xã hội, phát triển kinh tế, văn hóa, xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, đánh bại chiến tranh phá hoại của địch và chi viện cho miền Nam với tinh thần “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”.
Nhận thức sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về quốc phòng toàn dân, hiện nay, Đảng ta kế thừa và rất coi trọng việc giáo dục ý thức quốc phòng cho các tầng lớp nhân dân, kêu gọi nhân dân đề cao cảnh giác, chống các âm mưu và thủ đoạn của địch trong chiến lược “diễn biến hòa bình”. Cùng với chiến lược phát triển kinh tế, Đảng ta đề ra chiến lược về quốc phòng và an ninh quốc gia; kết hợp kinh tế với quốc phòng; kết hợp giữa xây dựng lực lượng vũ trang chính quy với các lực lượng tự vệ ở địa phương, tạo nên thế trận quốc phòng toàn dân nhằm xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
KHUẤT MINH PHƯƠNG