Tăng cường quán triệt Chỉ thị 30 quản lý, bảo vệ rừng trước và sau tết

08:12, 28/12/2016

Tại báo cáo mới đây của Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng do ông Võ Danh Tuyên - Chi cục phó ký, phần nhiệm vụ trọng tâm năm 2017, tôi rất đồng tình với câu đầu tiên: "Tổ chức thực hiện quyết liệt, có hiệu quả Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 26/3/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, quản lý lâm sản

Tại báo cáo mới đây của Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng do ông Võ Danh Tuyên - Chi cục phó ký, phần nhiệm vụ trọng tâm năm 2017, tôi rất đồng tình với câu đầu tiên: “Tổ chức thực hiện quyết liệt, có hiệu quả Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 26/3/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, quản lý lâm sản (QL, BV, PTR, QLLS)”. Những tháng cuối năm 2016, đầu năm 2017, ý thức - trách nhiệm này càng được nâng cao hơn bao giờ hết. 
 
Phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, sau nhiều năm, Tỉnh ủy Lâm Đồng mới ban hành một văn bản chỉ đạo đầy đủ và toàn diện về công tác QL, BV, PTR, QLLS như Chỉ thị số 30-CT/TU. Đây là văn bản thay thế Chỉ thị số 41-CT/TU ngày 30/9/2008. Nhiều cán bộ có trách nhiệm và liên quan cho rằng: Mọi cấp, mọi ngành, mọi địa phương, đơn vị, tổ chức và cá nhân nếu thực hiện tốt Chỉ thị số 30 này thì công tác QL, BV, PTR, QLLS trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng chắc chắn sẽ đạt hiệu quả rất cao. 
 
Chỉ thị số 30 là văn bản nhằm chấn chỉnh và lập lại trật tự kỷ cương bằng một nhiệm vụ chính trị tối quan trọng của một địa bàn có đặc điểm diện tích rừng rất lớn ở Tây Nguyên và có tác động rất chặt chẽ đến biến đổi khí hậu của toàn khu vực, từ Tây Nguyên đến Đông Nam Bộ và các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ. Vì vậy, Chỉ thị yêu cầu tất cả các Huyện ủy, Thành ủy; các đảng đoàn, Ban cán sự Đảng, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy; các sở, ban, ngành, các đơn vị liên quan trong tỉnh nhận thức và quán triệt sâu sắc nội dung chỉ đạo. 
 
Nhiệm vụ QLBV&PTR phải là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, vì vậy, mọi cấp ủy, chính quyền, mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp, từ tỉnh đến thôn, khu phố không chỉ nhận thức mà hành động thường xuyên và quyết liệt. 
 
Theo đó, nhiều công việc đồng thời và tích cực phải triển khai thực hiện, từ lãnh đạo, chỉ đạo đến khâu kiểm tra, giám sát. Và hành động toàn diện, liên tục trên mọi mặt hoạt động cụ thể là: tuyên truyền, giáo dục; quản lý, tuần tra, truy quét, điều tra, xử lý… Đó còn là, các hoạt động, các công tác: phòng cháy chữa cháy rừng, nghiệm thu khai thác, tận thu, tận dụng lâm sản; giao rừng, thuê rừng và đất lâm nghiệp; quản lý động vật hoang dã; giao khoán quản lý, bảo vệ rừng; trồng và chăm sóc rừng, trồng cây phân tán… Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải thực sự tự giác và có trách nhiệm cao đối với công tác QL, BV, PTR, QLLS; không chỉ cá nhân gương mẫu mà còn phải là những tuyên truyền viên tích cực, có hiệu quả. 
 
Quán triệt Chỉ thị số 30, công tác thi đua khen thưởng của cá nhân và của tập thể cuối năm cần được xem xét nghiêm túc trên cả tiêu chí hoàn thành nhiệm vụ như thế nào trong công tác QL, BV, PTR và QLLS. Đây cũng là tiêu chí để đánh giá về chất lượng tổ chức cơ sở đảng, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên… Với tinh thần này, người đứng đầu địa phương và đơn vị liên quan phải chịu trách nhiệm về tình trạng để mất rừng, để đất lâm nghiệp bị lấn chiếm và đương nhiên phải chịu hình thức kỷ luật cụ thể trước tổ chức, đoàn thể. 
 
Chỉ thị số 30 càng được quán triệt và triển khai thực hiện rốt ráo hơn trong những ngày cuối năm 2016 và đầu năm 2017 với những lý do đòi hỏi từ thực tiễn. Thứ nhất, theo chỉ đạo từ Chỉ thị, định kỳ 6 tháng và hằng năm, các cấp ủy Đảng và đơn vị cần tổ chức sơ kết, đánh giá tình hình công tác QLBV & PTR tại địa bàn, địa phương. Đây sẽ là dịp để nhìn nhận, đánh giá nghiêm túc nhằm đúc rút bài học kinh nghiệm, đề ra giải pháp, nhiệm vụ mới, đánh giá thi đua, khen thưởng và kỷ luật. 
 
Mặt khác, về khách quan, thời điểm trước và sau dịp Tết Nguyên đán, tình hình vi phạm Luật BV&PTR thường diễn ra nhiều hơn, phức tạp hơn. Các đối tượng lợi dụng sự bận rộn từ công việc của các cơ quan, đơn vị; sự lơ là của công tác quản lý, bảo vệ rừng ở các đơn vị chủ rừng và địa phương. Trước tết là dịp các đối tượng vi phạm tranh thủ tích lũy tiền để sử dụng dịp tết nên sẽ gia tăng xâm nhập vào rừng nhằm khai thác gỗ và lâm sản trái pháp luật. 
 
Một lý do khách quan khác, vào tháng cuối năm và đầu năm cũng là thời điểm bắt đầu ngưỡng của mùa hanh khô, tình hình rừng rất dễ bị cháy, vì vậy, công tác phòng chống cháy rừng càng cần phải siết chặt hơn bao giờ hết. Cần nhắc lại mùa khô 2015-2016 toàn tỉnh đã để xảy ra 34 vụ cháy rừng với 118,16 ha rừng; trong đó, đáng tiếc là cháy rừng tự nhiên tăng đến 16 vụ, tăng gần 30 ha và rừng trồng cũng tăng diện tích bị cháy gần 44 ha. 
 
Hy vọng vào dịp trước và sau Tết Nguyên đán năm 2017 này, khi Chỉ thị số 30 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy ngày càng thấm nhuần vào cuộc sống, công tác QLBV và PTR trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng sẽ là những thông tin vui hơn bao giờ hết.
 
MINH ÐẠO