Cách đây 71 năm, ngày 6 tháng 1 năm 1946, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên đã diễn ra hoàn toàn thắng lợi trong cả nước với những nguyên tắc dân chủ, tiến bộ nhất, đó là phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Thắng lợi đó là một mốc son đánh dấu bước phát triển nhảy vọt đầu tiên về thể chế dân chủ của nước Việt Nam.
Cách đây 71 năm, ngày 6 tháng 1 năm 1946, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên đã diễn ra hoàn toàn thắng lợi trong cả nước với những nguyên tắc dân chủ, tiến bộ nhất, đó là phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Thắng lợi đó là một mốc son đánh dấu bước phát triển nhảy vọt đầu tiên về thể chế dân chủ của nước Việt Nam.
Trong suốt hơn 70 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội Việt Nam không ngừng đổi mới và phát triển, phù hợp với ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Năm 2016 là năm diễn ra nhiều sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, sau thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, ngày 22 tháng 5 năm 2016, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã diễn ra thành công tốt đẹp. Hơn 67 triệu cử tri cả nước đã đi bầu cử, lựa chọn, bầu được 494 đại biểu Quốc hội.
Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV chỉ mới trải qua hai kỳ họp, nhưng đã tiếp tục phát huy không khí dân chủ, đổi mới trong hoạt động của Quốc hội theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng đã nêu, đó là “Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Quốc hội thực hiện tốt chức năng lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao, nhất là đối với việc quản lý, sử dụng các nguồn lực của đất nước”.
Theo quy định của Hiến pháp năm 2013, tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV, cử tri và nhân dân cả nước đã chứng kiến việc tuyên thệ nhậm chức của Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; công tác xây dựng pháp luật, chất vấn và trả lời chất vấn tiếp tục được Quốc hội thực hiện có nhiều điểm mới, phát huy mạnh mẽ trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội và các cơ quan chịu sự giám sát của Quốc hội…
Trên cơ sở đó, trong thời gian tới, hoạt động của Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội sẽ tiếp tục có những đổi mới, tập trung vào những nội dung trọng tâm sau:
Thứ nhất, tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật, tăng tính khả thi của các chính sách pháp luật, đáp ứng yêu cầu của cuộc sống, bảo đảm tốt hơn tính dân chủ, pháp chế, công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật, các quy phạm pháp luật có thể thực hiện ngay không cần chờ văn bản hướng dẫn để luật nhanh chóng đi vào thực tiễn cuộc sống. Thực hiện cơ chế bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bãi bỏ, đình chỉ thi hành các văn bản quy phạm pháp luật trái với quy định của Hiến pháp, luật, pháp lệnh. Cải tiến hình thức lấy ý kiến đối với các dự án luật để bảo đảm tính thực chất, phản ánh đúng các mối quan tâm của người dân đối với các chính sách được thể hiện trong các quyết định của Quốc hội.
Thứ hai, nâng cao hiệu lực của hoạt động giám sát, trong đó xác định rõ phạm vi và nội dung của giám sát tối cao phù hợp với điều kiện của Quốc hội nước ta. Hoạt động giám sát có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các vấn đề quan trọng, bức xúc được cử tri quan tâm, mang hơi thở của thực tiễn đời sống xã hội. Thực hiện tốt hơn nhiệm vụ quyết định và giám sát các vấn đề quan trọng của đất nước, nhất là các công trình trọng điểm của quốc gia, việc phân bổ và thực hiện ngân sách; giám sát hoạt động của các cơ quan tư pháp, công tác phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí; tiếp tục phát huy dân chủ, tính công khai, đối thoại trong thảo luận, hoạt động chất vấn tại diễn đàn Quốc hội. Qua giám sát, chấn chỉnh kịp thời các sai sót, khuyết điểm trong quá trình thực hiện, góp phần thúc đẩy thực hiện tốt chính sách, pháp luật và các nhiệm vụ kinh tế - xã hội.
Thứ ba, tiếp tục đổi mới hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội, bảo đảm phát huy dân chủ, tranh luận, chất vấn sâu về một vấn đề, chỉ rõ nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu và tìm ra giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
Thứ tư, tăng cường mối quan hệ giữa đại biểu Quốc hội với cử tri thông qua việc đổi mới cơ chế tiếp xúc cử tri nhất là với các cử tri đã trực tiếp bầu ra đại biểu Quốc hội. Tăng cường sự giám sát của người dân đối với hoạt động của đại biểu Quốc hội, trong đó có việc ban hành quy trình, thủ tục để các cử tri có thể thực hiện quyền bãi nhiệm các đại biểu Quốc hội khi các đại biểu đó không còn nhận được sự tín nhiệm của nhân dân.
Thứ năm, tăng cường các điều kiện bảo đảm cho hoạt động của các đại biểu Quốc hội; tăng cường việc bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng hoạt động cho đại biểu Quốc hội, nhất là các kỹ năng giám sát, chất vấn, kỹ năng khai thác, sử dụng và phân tích thông tin...
Chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội phụ thuộc rất lớn vào chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cơ quan thuộc Quốc hội và cá nhân từng đại biểu Quốc hội. Vì vậy, trong hoạt động của mình, Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Lâm Đồng, sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động, tập trung vào những công việc sau:
Nâng cao năng lực hoạt động của các đại biểu Quốc hội trong các mặt hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.
Đẩy mạnh hoạt động giám sát tại địa phương, tham gia các Đoàn giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội; tổ chức hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng trên cơ sở những vấn đề thực tiễn của địa phương.
Bên cạnh đó, chú trọng đổi mới hoạt động tiếp xúc cử tri. Ngoài các cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau các kỳ họp Quốc hội, tăng cường tổ chức các cuộc tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, theo vùng, theo nhóm cử tri hoặc theo vấn đề mà dư luận xã hội, cử tri quan tâm.
Tiếp tục phát huy vai trò của từng đại biểu Quốc hội trong việc tham giá thảo luận, chất vấn, giám sát tại kỳ họp Quốc hội, vai trò của đại biểu Quốc hội chuyên trách, các đại biểu Quốc hội không chuyên trách phải dành thời gian cho hoạt động Quốc hội bằng hoặc nhiều hơn theo quy định của pháp luật.
Tổ chức tốt hoạt động của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội trong công tác tham mưu, phục vụ các hoạt động của Đoàn, của đại biểu Quốc hội. Phát huy vai trò của các thành viên của Tổ tư vấn pháp luật và chính sách của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng trong việc tham vấn chính sách và góp ý, phản biện các dự án luật, các vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm.
NGUYỄN TẠO
(Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng)