Kiên quyết, kiên trì, quyết liệt phòng, chống tham nhũng, lãng phí

08:01, 19/01/2017

Sau 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử; tuy nhiên, cũng còn không ít hạn chế, yếu kém cần phải tập trung giải quyết, khắc phục để phát triển nhanh và bền vững. 

Sau 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử; tuy nhiên, cũng còn không ít hạn chế, yếu kém cần phải tập trung giải quyết, khắc phục để phát triển nhanh và bền vững. Đặc biệt, tham nhũng, lãng phí vẫn diễn ra nghiêm trọng và tính chất phức tạp, gây hậu quả xấu về nhiều mặt, làm giảm sút lòng tin của nhân dân; là một trong những nguy cơ lớn đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta. Nhận thức rõ thực trạng quốc nạn này, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị và thành lập Ban chỉ đạo đấu tranh phòng, chống tham nhũng. 
 
Trong cuốn “Đường kách mệnh” (1927), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận ra và đặt vấn đề phòng, chống tham nhũng. Chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu là mối quan tâm lớn, thường xuyên của Người. Lời cảnh báo và nỗi trăn trở của Bác về nạn tư lợi, tham ô, lãng phí đã và đang là nỗi nhức nhối của toàn Đảng và nhân dân ta; mà từ Đại hội VII, Đảng đã coi là một trong bốn nguy cơ lớn, nếu không ngăn chặn và khắc phục được sẽ đe dọa đến vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn tại của chế độ ta. 
 
Xác định sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước là nhân tố quyết định thành công của công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; nên trong quá trình lãnh đạo cách mạng, nhất là trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết lãnh đạo công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
 
Nghị quyết số 14-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 15/5/1996 nêu rõ: Đấu tranh chống tham nhũng là một bộ phận cấu thành quan trọng trong toàn bộ sự nghiệp đấu tranh cách mạng của Đảng và nhân dân ta hiện nay…
 
Đại hội X xác định, phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng Đảng, là nhiệm vụ trực tiếp, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội và cần thành lập các ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng ở Trung ương và địa phương đủ mạnh, có thực quyền, hoạt động có hiệu quả.
 
Hội nghị Trung ương 3 khóa X ban hành Nghị quyết chuyên đề về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí đã xác định rõ mục tiêu là: ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí; tạo bước chuyển biến rõ rệt để giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội; củng cố lòng tin của nhân dân; xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh; đội ngũ cán bộ, công chức kỷ cương, liêm chính. 
 
Hội nghị Trung ương 4 khóa XI nhấn mạnh: Sớm tổng kết toàn diện công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm; bổ sung, sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng. Kiện toàn và tăng cường trách nhiệm, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan phòng, chống tham nhũng. Xét xử nghiêm những vụ án tham nhũng, trước hết là những vụ nghiêm trọng, phức tạp, được nhân dân quan tâm. 
 
Đại hội XII của Đảng đề cập vấn đề đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí cả trong phần xây dựng Nhà nước và xây dựng Đảng, nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Trong đó nêu rõ: Đấu tranh phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, đồng thời là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, lâu dài. Các cấp ủy Đảng, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và toàn hệ thống chính trị phải kiên quyết phòng, chống tham nhũng, lãng phí; xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi tham nhũng, lãng phí và bao che, dung túng, tiếp tay cho các hành vi tham nhũng, lãng phí, can thiệp, ngăn cản việc chống tham nhũng, lãng phí. 
 
Cụ thể hóa quan điểm, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước đã ban hành hệ thống pháp luật làm cơ sở pháp lý trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Ở Trung ương, thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị, do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban. Ở địa phương, tỉnh ủy, thành ủy trực tiếp lãnh đạo công tác phòng, chống tham nhũng và có trách nhiệm phối hợp với Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng khi có vụ việc tham nhũng nghiêm trọng xảy ra ở địa phương. 
 
Để tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, ngày 26/12/2016, Bộ Chính trị (khóa XII) đã ban hành Kết luận “Về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”. Kết luận của Bộ Chính trị đã xác định mục tiêu là “Kiên quyết khắc phục những hạn chế, yếu kém, tạo chuyển biến rõ nét trong 5 năm tới, ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí” và đề ra quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, thể hiện quyết tâm chính trị rất cao, rất quyết liệt của Đảng, Nhà nước ta.
 
Thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị, thời gian tới các cấp ủy Đảng, chính quyền và người đứng đầu cần phải quán triệt sâu sắc và coi công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí là một nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; phải kiên quyết, kiên trì và quyết liệt phòng chống tham nhũng, lãng phí. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tạo dư luận xã hội lên án, cô lập, tẩy trừ những hành vi quan liêu, tham nhũng, lãng phí, từng bước xây dựng văn hóa phi tham nhũng trong xã hội. Xây dựng thể chế, pháp luật răn đe, trừng trị để không thể tham nhũng, không dám tham nhũng, không muốn tham nhũng. Huy động cả hệ thống trị, các cơ quan truyền thông tham gia vào công tác này; phát huy vai trò của nhân dân trong việc giám sát, tố giác tham nhũng, lãng phí; biểu dương, khen thưởng thích đáng, kịp thời những người tố giác, phát hiện tiêu cực, tham nhũng; đồng thời xử lý nghiêm minh những kẻ tham nhũng, lãng phí. Tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tập trung vào các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí…
 
Những nhiệm vụ, giải pháp phòng chống tham nhũng, lãng phí là rất quan trọng, nhưng điều quan trọng hơn cả là ý thức gương mẫu, tinh thần tự giác, lương tâm của mỗi người, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt, những người giữ trọng trách ở các cấp, các ngành, địa phương đơn vị… Có như thế phòng, chống tham nhũng, lãng phí mới thành công.
 
KHÁNH LINH