Một năm nhìn lại việc thực hiện Chương trình 135

08:01, 23/01/2017

Chương trình 135 là một trong những chính sách quan trọng nhất trong hệ thống chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước nhằm phát triển kinh tế-xã hội tại các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản ĐBKK vùng dân tộc thiểu số và miền núi. 

Chương trình 135 là một trong những chính sách quan trọng nhất trong hệ thống chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước nhằm phát triển kinh tế-xã hội tại các xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK), xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản ĐBKK vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi. Từ đồng vốn của Chương trình 135, đã góp phần nâng cao đời sống người dân ở các địa phương đặc biệt khó khăn, vùng DTTS, tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt.
 
Năm 2016, Lâm Đồng có 32 xã và 66 thôn ĐBKK được thụ hưởng Chương trình 135 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 75 của Ủy ban Dân tộc. Theo thống kê, năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo (theo tiêu chí mới) của 32 xã ĐBKK là hơn 4 ngàn hộ (chiếm 11,75% dân số). Trong đó, hộ nghèo người DTTS hơn 3 ngàn hộ, chiếm hơn 77% tổng số hộ nghèo. Điều kiện kinh tế - xã hội tại các xã, thôn này còn nhiều khó khăn, khoảng cách thu nhập, đời sống vật chất tinh thần còn nhiều chênh lệch so với các địa phương khác. Một số xã, thôn cơ sở hạ tầng còn yếu kém. Trình độ sản xuất của người dân, nhất là bà con người DTTS còn nhiều hạn chế nhất định. 
 
Ông Bon Yo Soan - Phó Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Trên cơ sở nguồn vốn được phân bổ, hàng năm Ban Dân tộc đã phối hợp với Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Tài chính phân bổ kinh phí cho các huyện tổ chức triển khai thực hiện. Đồng thời, Ban Dân tộc cũng thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra giám sát các chương trình, dự án đầu tư, không để thất thoát nguồn vốn của Nhà nước, đảm bảo nguồn vốn đầu tư đúng địa bàn, đúng đối tượng thụ hưởng. 
 
Theo thông tin từ Ban Dân tộc tỉnh, năm 2016, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất với tổng vốn kế hoạch là 13,2 tỷ đồng. Vốn thực hiện là hơn 14,1 tỷ đồng, trong đó vốn dân đóng góp 997 triệu đồng. Các nội dung hỗ trợ trong dự án này gồm: phân bón, máy móc, nông cụ phục vụ sản xuất, giống vật nuôi và cây trồng, tập huấn khoa học kỹ thuật… Hiện các địa phương đã triển khai thực hiện dự án này. Từ đó, đã tạo được sự chuyển biến đáng kể trong nhận thức của người dân, nâng cao kỹ năng và xây dựng tập quán sản xuất mới. Đại đa số người dân đã biết cách sản xuất nông nghiệp theo hướng thâm canh hoặc bán thâm canh, sử dụng giống tốt, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chủ động phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
 
Ngoài ra, dự án hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng có tổng vốn kế hoạch trên 46 tỷ đồng với các hạng mục đầu tư gồm: đường giao thông nông thôn, nhà sinh hoạt cộng đồng, trạm y tế, sửa chữa các công trình… Đến nay, các địa phương đã cơ bản triển khai xong các hạng mục đầu tư. Các hạng mục được chọn đầu tư dựa trên chính quyết định của người dân nên họ đã tích cực góp công, góp đất để xây dựng, nâng cấp các tuyến đường giao thông trên địa bàn. Từ đó, tạo động lực góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
 
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, bên cạnh nguồn vốn từ Chương trình 135, trong năm 2016, Lâm Đồng còn thực hiện việc lồng ghép các nguồn vốn khác của Trung ương và địa phương. Một số địa phương đã thực hiện tốt việc lồng ghép Chương trình 135 với vốn thực hiện nông thôn mới để làm đường giao thông nông thôn đạt hiệu quả thiết thực. Nhìn chung việc lồng ghép này đã góp phần phát huy sức mạnh, nguồn lực tổng hợp cho các xã, thôn ĐBKK.
 
Việc thực hiện đầu tư theo chương trình này vào vùng đồng bào DTTS đã tạo sự khởi sắc toàn diện về các mặt kinh tế - xã hội cũng như an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội tại các xã thuộc diện 135. Từ đó, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo và có cuộc sống ổn định.
 
Tuy nhiên, do nguồn vốn được phân bổ chưa thể đáp ứng hết nhu cầu đầu tư rất lớn của bà con nên các địa phương vẫn còn bị động, lúng túng trong quyết định phê duyệt đầu tư. Nhiều hạng mục công trình xây dựng “đợi vốn” nên thi công kéo dài, ảnh hưởng đến chất lượng cũng như hiệu quả phục vụ của công trình.
 
Theo đánh giá từ Ban Dân tộc, hiện nay, trên địa bàn tỉnh, tiến độ triển khai Chương trình 135 còn chậm, nhất là hợp phần hỗ trợ phát triển sản xuất. Công tác lập kế hoạch thực hiện của một số địa phương chưa chặt chẽ, chưa có sự tham gia tích cực của người dân thụ hưởng chính sách. Công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát sau khi hỗ trợ của cấp xã, cấp huyện chưa được chú trọng. Hoạt động của Ban giám sát cộng đồng còn hạn chế, việc tổ chức thực hiện giám sát vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra.
 
 Các xã và các chủ dự án còn lúng túng, bị động trong quản lý điều hành dự án. Nhiều hạng mục công trình xây dựng cơ sở hạ tầng còn thi công kéo dài, ảnh hưởng đến chất lượng hiệu quả của công trình. Công tác quản lý, vận hành công trình sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng chưa tốt. Nhiều công trình xuống cấp chưa được sửa chữa kịp thời. Việc duy tu bảo dưỡng và huy động sự đóng góp của người dân còn hạn chế.
 
Cũng theo thông tin từ Ban Dân tộc, năm 2017, kế hoạch vốn thực hiện Chương trình 135 trên địa bàn tỉnh là hơn 62 tỷ đồng. Bằng việc thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ khác nhau, mục tiêu năm 2017, sẽ tạo chuyển biến nhanh về sản xuất, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất gắn với thị trường, cải thiện nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, giảm khoảng cách phát triển giữa các dân tộc và các thôn, xã trong tỉnh. Giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo tại các xã ĐBKK bình quân hàng năm từ 4 - 5%. Cơ sở hạ tầng như đường giao thông nông thôn, trạm y tế xã, các công trình thủy lợi, trường học… tiếp tục được kiên cố hóa và đảm bảo phục vụ nhu cầu đời sống của bà con cũng như đảm bảo sự phát triển chung của địa phương. 
 
NGỌC NGÀ