Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu và bản lĩnh cầm quyền của Đảng là kết quả được tạo ra từ xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức, lối sống. Nghĩa là xây dựng Đảng về văn hóa, làm hình thành và phát triển văn hóa Đảng. Đây chính là thước đo trình độ trưởng thành của Đảng cầm quyền.
Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu và bản lĩnh cầm quyền của Đảng là kết quả được tạo ra từ xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức, lối sống. Nghĩa là xây dựng Đảng về văn hóa, làm hình thành và phát triển văn hóa Đảng. Đây chính là thước đo trình độ trưởng thành của Đảng cầm quyền. Xây dựng và thực hành văn hóa Đảng luôn là vấn đề cấp thiết nhằm làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và của nhân dân đối với Đảng.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, khái niệm văn hóa có nội hàm phong phú và ngoại diên rất rộng, vì vậy có nhiều định nghĩa khác nhau về văn hóa. Trong tư tưởng Người, khái niệm văn hóa được hiểu theo cả ba nghĩa rộng, hẹp và rất hẹp. Theo nghĩa rộng, văn hóa là toàn bộ những giá trị vật chất và tinh thần do loài người sáng tạo ra với những phương thức sử dụng chúng, nhằm đáp ứng lẽ sinh tồn, đồng thời đó cũng là mục đích của cuộc sống loài người. Theo nghĩa hẹp, Người viết: “Trong công cuộc kiến thiết nước nhà, có bốn vấn đề cần lưu ý đến, cũng phải coi là quan trọng ngang nhau: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa. Nhưng văn hóa là một kiến trúc thượng tầng”. Theo nghĩa rất hẹp, văn hóa đơn giản là trình độ học vấn của con người, thể hiện ở việc Bác yêu cầu mọi người phải đi học “văn hóa”, xóa mù chữ. Với ý nghĩa quan trọng như vậy nên Hồ Chí Minh rất chú trọng xây dựng văn hóa trong Đảng. Theo Người, thực hành đạo đức cách mạng là thực hành văn hóa. Đạo đức là cốt lõi của văn hóa, bởi đức là gốc.
Trong xã hội tồn tại các giai cấp, đương nhiên, văn hóa có tính giai cấp. Đảng chính trị cầm quyền và văn hóa của đảng cầm quyền cũng tất yếu mang tính giai cấp, biểu hiện trực tiếp ở ý thức hệ, ở tư tưởng chính trị. Theo đó, văn hóa Đảng của Đảng Cộng sản Việt Nam mang bản chất giai cấp công nhân, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng của Đảng.
Bàn về văn hóa Đảng là đề cập tới văn hóa của Đảng Cộng sản Việt Nam với tư cách một đảng cầm quyền đang đảm nhận trọng trách lịch sử lãnh đạo dân tộc Việt Nam thực hiện lý tưởng, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Xây dựng, thực hành văn hóa Đảng hiện nay, cần đặc biệt chú trọng giáo dục trong Đảng và trong xã hội về lý tưởng và mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế trong sáng, niềm tự hào về dân tộc và truyền thống dân tộc, bản sắc văn hóa dân tộc, tâm hồn dân tộc Việt Nam. Thực hành văn hóa Đảng là thực hành đạo đức cách mạng, lời nói đi đôi với việc làm, rèn luyện đạo đức, nhân cách, lối sống, đức khiêm tốn, trung thực, dũng khí tự phê bình và phê bình với động cơ trong sáng, vì nhân dân, vì Đảng chứ không vì mình. Đó là chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, vụ lợi, vị kỷ. Biết hy sinh, đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, trước hết. Cái gì có lợi cho nhân dân thì phải kiên quyết làm cho bằng được. Cái gì có hại đến nhân dân phải kiên quyết tránh cho bằng được.
Xuất phát từ những quan điểm trên, Báo cáo chính trị tại Đại hội lần thứ XII của Đảng đã nhấn mạnh: “Coi trọng xây dựng văn hóa trong các tổ chức đảng, cơ quan nhà nước, trong hệ thống chính trị mà nội dung quan trọng là tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo trong hệ thống tổ chức của Đảng; đổi mới phương pháp, phong cách, lề lối làm việc của các cơ quan lãnh đạo của Đảng từ Trung ương tới cơ sở, xây dựng phong cách làm việc khoa học, tập thể, dân chủ, gần dân, trọng dân, vì dân, bám sát thực tiễn, nói đi đôi với làm”. Làm tốt yêu cầu này sẽ là thiết thực thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; nâng cao vị thế của Đảng ngang tầm nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới của đất nước.
LAN HỒ