Bước vào thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2016, trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước, cùng với những điều kiện về thời tiết không thuận lợi trong năm nhưng với quyết tâm phấn đấu hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ của năm đầu tiên trong kế hoạch 5 năm 2016 - 2020...
Bước vào thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2016, trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước, cùng với những điều kiện về thời tiết không thuận lợi trong năm nhưng với quyết tâm phấn đấu hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ của năm đầu tiên trong kế hoạch 5 năm 2016 - 2020; tỉnh Lâm Ðồng đã bám sát chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương; thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy tập trung huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị cùng với sự cố gắng, nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, khắc phục khó khăn để tổ chức sản xuất, kinh doanh nên kinh tế - xã hội năm 2016 được giữ vững ổn định và có bước phát triển tích cực, an sinh xã hội được bảo đảm; phát triển toàn diện văn hóa, y tế, giáo dục, thể thao; giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; quốc phòng được củng cố và tăng cường; quan hệ đối ngoại được đẩy mạnh.
|
Chủ tịch UBND tỉnh thăm bà con bị ảnh hưởng do lũ ở Di Linh. Ảnh: Bùi Trưởng |
Bức tranh kinh tế - xã hội nhiều khởi sắc
Kinh tế tiếp tục phát triển và đạt mức tăng trưởng 7,93% (KH 8 - 9%). Phần lớn các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt kế hoạch và tăng so với cùng kỳ: GRDP bình quân đầu người đạt 50 triệu đồng (tăng 9,9% so cùng kỳ); tổng mức đầu tư toàn xã hội 23.000 tỷ đồng (tăng 8,5% so cùng kỳ); thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 7.234 tỷ đồng (đạt 106% kế hoạch). Kết quả trên một số lĩnh vực chủ yếu:
- Lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân, tuy chịu nhiều ảnh hưởng do hạn hán, thiên tai, dịch bệnh nhưng đã đạt được nhiều kết quả tích cực; tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng bình quân 5,2%/năm; giá trị sản phẩm thu hoạch trên một đơn vị diện tích đến năm 2016 đạt 150 triệu đồng/ha. Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tiếp tục có bước phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Hiện nay, Lâm Đồng là tỉnh dẫn đầu cả nước về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với diện tích 49.089 ha, tăng 6.005 ha so với năm 2015, chiếm gần 16,4% tổng diện tích đất canh tác; tập trung chủ yếu ở diện tích rau, hoa công nghệ cao 18.220 ha, tăng 5.565 ha so với năm 2015; Chương trình tái canh, cải tạo cà phê đạt và vượt kế hoạch đề ra.
- Phong trào xây dựng nông thôn mới tiếp tục được đông đảo các tầng lớp nhân dân đồng thuận, tích cực hưởng ứng; đến cuối năm 2016, tỉnh Lâm Đồng đã có 58/117 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 49,6% tổng số xã và tăng 3 xã so với kế hoạch năm 2016.
- Công tác quản lý và bảo vệ rừng tiếp tục được chú trọng. Số vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng giảm so với cùng kỳ năm 2015 (giảm 20,2%); độ che phủ của rừng đạt khoảng 53,5%, tăng 0,4% so với năm 2015. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác giao khoán quản lý, bảo vệ rừng và chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng theo Nghị định số 99 của Chính phủ và thực hiện nghiêm chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên của Thủ tướng Chính phủ.
- Hoạt động thương mại, dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch tiếp tục duy trì và phát triển. Trong năm 2016, khách du lịch đến Lâm Đồng ước đạt 5,4 triệu lượt khách, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2015, đạt 100% kế hoạch năm. Tổng doanh thu từ khách du lịch ước đạt 7.380 tỷ đồng. Hoạt động của các doanh nghiệp có nhiều khởi sắc, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng cả số lượng và vốn đăng ký. Trong năm 2016, tỉnh Lâm Đồng có hơn 900 doanh nghiệp được thành lập mới với tổng số vốn đăng ký khoảng 7.000 tỷ đồng, tăng 17% về số doanh nghiệp và tăng 85% về vốn đăng ký so với cùng kỳ.
- Lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục phát triển và đạt những kết quả khá toàn diện. Công tác an sinh xã hội được đảm bảo. Đến cuối năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo (theo tiêu chí nghèo đa chiều) còn 5,17%, giảm 1,5% so với đầu năm; trong đó, hộ nghèo đồng bào DTTS còn 16,1%, giảm 3% so với đầu năm.
- Công tác xây dựng chính quyền, cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính tiếp tục được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện và đạt được nhiều kết quả tích cực, chỉ số CCHC năm 2015 được cải thiện đáng kể, tăng 4 bậc so cùng kỳ, xếp thứ 26/63 tỉnh, thành phố.
Những hạn chế cần sớm khắc phục
Trong năm 2017, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Lâm Đồng đều cao hơn năm 2016. Đơn cử: Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn khoảng 5.797 tỷ đồng, tăng 10% so ước thực hiện năm 2016, trong đó thuế phí 3.810 tỷ đồng, tăng 12% so với ước thực hiện năm 2016. Khách du lịch đến khoảng 5,85 triệu lượt khách tăng 8,3%, trong đó qua đăng ký lưu trú đạt 3,9 triệu khách, tăng 8,3% so với ước thực hiện năm 2016. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,0 - 1,5%; tỷ lệ hộ nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số giảm 2,5 - 3,0% (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020). Về xây dựng nông thôn mới có thêm ít nhất 12 xã đạt 19/19 tiêu chí (luỹ kế đến cuối năm 2017, toàn tỉnh có 70 xã NTM). |
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, tình hình phát triển KT-XH của tỉnh năm 2016 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục, đó là:
- Tăng trưởng kinh tế mặc dù có sự tăng trưởng khá so với bình quân chung của cả nước nhưng chưa đạt kế hoạch đề ra (KH 8-9%). Giá trị sản xuất khu vực nông nghiệp và công nghiệp - xây dựng tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương.
- Tổng thu ngân sách nhà nước tuy vượt dự toán nhưng thu về thuế, phí chưa đạt kế hoạch gây khó khăn cho công tác điều hành chi.
- Hạ tầng giao thông tuy đã được quan tâm đầu tư nâng cấp nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu; tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, tiến độ thực hiện một số chương trình, đề án, dự án lớn, trọng điểm còn chậm; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, công tác thu hút đầu tư nhất là đầu tư nước ngoài còn gặp nhiều khó khăn.
- Tình hình kinh doanh hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn còn xảy ra; trong đó có một số mặt hàng vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng gây bức xúc trong dư luận xã hội.
- Công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính của một số cơ quan, đơn vị chưa đáp ứng yêu cầu của người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong giải quyết công việc còn chưa chặt chẽ, kịp thời và hiệu quả chưa cao.
- Trật tự an toàn xã hội còn tiềm ẩn một số yếu tố phức tạp; nhất là tội phạm về trật tự xã hội, tội phạm môi trường, tội phạm về ma túy. Đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.
|
Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra công tác phòng chống cháy rừng tại Lạc Dương. Ảnh: Minh Đạo |
Ðể tạo xung lực trong phát triển kinh tế
Nhằm tạo xung lực mới cho phát triển KT-XH nhanh và bền vững, trong năm 2017, các cấp, các ngành và các địa phương trong tỉnh cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Ngay từ đầu năm, các cấp, các ngành, các địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể để tổ chức thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2017; tập trung chỉ đạo quyết liệt, phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 và giai đoạn 2016-2020.
2. Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, bảo đảm phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Tiếp tục tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công. Thực hiện có hiệu quả kế hoạch đầu tư công trung hạn 2017-2020 và tập trung ưu tiên các nguồn lực để triển khai thực hiện 4 chương trình trọng tâm, 12 công trình trọng điểm của tỉnh và các công trình trọng điểm của các huyện, thành phố theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ đã đề ra, đặc biệt là việc phối hợp huy động các nguồn lực sớm khởi công đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương Đà Lạt.
3. Tập trung tái cơ cấu nông nghiệp gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển nông nghiệp theo hướng tiếp cận đa ngành và cải thiện môi trường đầu tư trong nông nghiệp, trong đó tập trung xúc tiến thu hút nhà đầu tư chiến lược vào Khu Công nghiệp - Nông nghiệp Tân Phú; Trung tâm giao dịch hoa. Hoàn thành việc xây dựng thương hiệu nông sản Đà Lạt - Lâm Đồng để quảng bá, tiêu thụ và xuất khẩu trong nước và các nước trên thế giới. Tiếp tục đẩy mạnh Chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững. Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Chú trọng phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp nhất là công nghiệp chế biến nông, lâm sản mà tỉnh có lợi thế cạnh tranh; Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch mới và cải thiện môi trường kinh doanh du lịch, tăng cường hoạt động xúc tiến mở các đường bay quốc tế đến Đà Lạt để thu hút khách du lịch đến với Lâm Đồng - Đà Lạt, đề xuất Bộ Giao thông vận tải để sân bay Liên Khương sớm được công nhận là Sân bay quốc tế. Chuẩn bị chu đáo các điều kiện để tổ chức thành công Festival Hoa Đà Lạt vào cuối năm 2017.
4. Tập trung chỉ đạo công tác thu và chống thất thu ngân sách nhà nước ngay từ tháng đầu, quý đầu của năm, nhất là đối với các địa phương, các lĩnh vực có số thu lớn. Tiếp tục tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tiến hành xã hội hóa dịch vụ công, cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công lập có đủ điều kiện. Đẩy mạnh chương trình khởi nghiệp nhất là khởi nghiệp trong lĩnh vực chế biến nông sản, sản xuất nông nghiệp. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thực hiện có hiệu quả các chính sách ưu đãi, nhất là về thuế, tín dụng, đất đai,.. để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp. Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
5. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận gắn với thực hiện có hiệu quả cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Lạt đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tập trung thực hiện quy hoạch vùng tỉnh Lâm Đồng theo nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tiếp tục tăng cường công tác quản lý quy hoạch và trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn. Hoàn thiện đề án và triển khai xây dựng Đà Lạt hướng đến thành phố thông minh.
6. Phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội; thực hiện tốt các chính sách về an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và nâng cao đời sống nhân dân. Thực hiện đồng bộ các giải pháp để giải quyết việc làm, giảm nghèo nhanh bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu đến cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 1-1,5%.
7. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương nâng cao trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ. Triển khai và tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng. Đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp. Giữ vững ổn định chính trị, tăng cường củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
8. Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, phát động phong trào thi đua sâu rộng trong toàn thể các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân tạo không khí thi đua sôi nổi thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 và nhiệm kỳ 2016-2020 đã đề ra.
ÐOÀN VĂN VIỆT - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh,
Trưởng đoàn ÐBQH khóa XIV đơn vị tỉnh Lâm Ðồng