Tổng Bí thư Trường Chinh nhà lãnh đạo đổi mới

02:02, 08/02/2017

(LĐ online) - Cố Tổng Bí thư Trường Chinh - Nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà chiến lược tài ba của cách mạng Việt Nam và là nhà văn hóa, một trí thức lớn của dân tộc.

(LĐ online) - Cố Tổng Bí thư Trường Chinh - Nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà chiến lược tài ba của cách mạng Việt Nam và là nhà văn hóa, một trí thức lớn của dân tộc. Trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Trường Chinh là người khởi xướng và có những cống hiến xuất sắc trong việc xác định đường lối đổi mới được Đại hội lần thứ VI của Đảng thông qua (1986).
 
Đồng chí Trường Chinh tên thật là Đặng Xuân Khu, sinh ngày 09/02/1907 tại làng Hành Thiện, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định (nay thuộc xã Xuân Hồng, huyện Xuân Thủy, tỉnh Nam Định). Ông vừa là nhà cách mạng vừa là nhà thơ (bút danh Sóng Hồng). Đồng chí Trường Chinh là Tổng Bí thư của Đảng ở hai thời điểm đặc biệt của cách mạng Việt Nam; đó là vào đầu những năm 40 của thế kỷ XX, giai đoạn chuẩn bị Tổng khởi nghĩa giành lại độc lập dân tộc và vào tháng 7-1986 khi Tổng Bí thư Lê Duẩn qua đời, là thời điểm nền kinh tế đất nước đã đứng bên vực thẳm, lúng túng chưa tìm được hướng ra, ngay trước Đại hội VI - đại hội đổi mới đất nước. Ông là một nhà lãnh đạo rất coi trọng lý luận và hết sức nguyên tắc nhưng lại được coi là "Tổng Bí thư của đổi mới". Vì vậy, khi nói đến sự nghiệp Đổi mới của Việt Nam, chúng ta không thể không nhớ tới vị "Kiến trúc sư trưởng" - cố Tổng Bí thư Trường Chinh.
 
“Đổi mới là bức thiết”
 
Câu chuyện đổi mới được bắt đầu từ sự kiện mùa hè năm 1983, các đồng chí Trường Chinh, Chủ tịch HĐNN; đồng chí Phạm Văn Đồng, Chủ tịch HĐBT và đồng chí Võ Chí Công, Thường trực Ban Bí thư vào Đà Lạt. Nhân cơ hội này, đồng chí Nguyễn Văn Linh, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh đã xin ý kiến ba đồng chí, dành mỗi ngày 1 giờ đồng hồ để gặp gỡ, nghe các anh ở cơ sở báo cáo những việc đã làm trong thời gian qua và được các đồng chí ấy đồng ý. Trước khi lên Đà Lạt, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã nói với các thành viên được Thành ủy lựa chọn rằng: "Hiện nay có các đồng chí trong Bộ Chính trị đang ở Đà Lạt. Thành phố chúng ta đã đăng ký xin được báo cáo về những việc đã làm của chúng ta trong thời gian qua, cũng như những khó khăn tồn tại để Bộ Chính trị có thêm cơ sở thực tế mà đề ra đường lối chính sách mới. Thường vụ Thành ủy và tôi cử các đồng chí là những người trực tiếp lãnh đạo cơ sở lên Đà Lạt báo cáo. Sứ mệnh của các đồng chí rất nặng nề"... Chính những buổi tiếp xúc với các đồng chí Trường Chinh, đồng chí Phạm Văn Đồng, đồng chí Võ Chí Công tại Đà Lạt, đồng chí Nguyễn Văn Linh và các đồng chí của mình đã báo cáo tất cả tâm tư, những vấn đề mà mình đang nung nấu…
 
Từ thực tế tình hình đất nước sau đợt điều chỉnh nâng giá hàng loạt các mặt hàng mà không điều chỉnh tiền lương một cách tương ứng (năm 1981), dẫn đến lạm phát trầm trọng, ảnh hưởng đến các mặt kinh tế - xã hội. Cùng với những vấn đề được đồng chí Nguyễn Văn Linh và các đồng chí ở thành phố Hồ Chí Minh báo cáo, đồng chí Trường Chinh đã quả quyết: “... Không thể duy trì cách nghĩ, cách làm cũ, cũng như những chính sách và cơ chế quản lý như trước” và “Đổi mới là đòi hỏi bức thiết của đất nước và của thời đại”. 
 
Theo đồng chí Phan Diễn, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, “Hội nghị Đà Lạt có tác động rất lớn vào tư duy của ông Trường Chinh. Ông nhận thấy vấn đề không chỉ là một vài cách thức quản lý kém hiệu quả, mà đã đến lúc phải xem lại cả hệ thống quan điểm về quản lý kinh tế. Về Hà Nội, ông lập tức mời nhiều nhà khoa học đến để nghe suy nghĩ về phương hướng đổi mới”. 
 
Với nhận thức Lý luận mà không gắn với thực tiễn là lý luận suông, thực tiễn mà không có lý luận là thực tiễn mù quáng, cuối tháng 11/1982, đồng chí Trường Chinh quyết định cần làm gấp hai việc: Một là, tập hợp nhóm nghiên cứu gồm những người có tư duy đổi mới để nghiên cứu một số vấn đề lý luận và thực tiễn của nước ta, làm căn cứ cho việc xác định con đường và bước đi sắp tới. Hai là, triển khai những chuyến đi thực tế ở các địa phương, tìm ra cái hay, cái mới, những bài học thành công và thất bại của cơ sở để làm căn cứ đổi mới cách nghĩ, cách làm trong xây dựng và phát triển đất nước. 
 
Đối với đồng chí Trường Chinh, quá trình thâm nhập thực tế tìm hiểu cuộc sống, tìm hiểu nhân tố mới là vấn đề quan trọng. Từ năm 1983 đến năm 1985, đồng chí đã có nhiều chuyến đi khảo sát, thực tế gần 20 tỉnh, thành phố từ miền Nam, miền Trung và miền Bắc. Với tác phong sâu sát, cầu thị, tôn trọng thực tiễn, ông đã thực sự làm một cuộc cách mạng từ trong tư duy của chính mình. Những chuyến đi thực tế của đồng chí Trường Chinh là quá trình thâm nhập thực tiễn, là căn cứ thực tế sinh động có sức thuyết phục, rút ra những bài học kinh nghiệm để hình thành trong tư duy về từng bước xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp để chuyển sang mô hình mới, cơ chế mới; từ đó đúc kết thành quan điểm, tư tưởng đổi mới. Sau những chuyến thăm và làm việc tại các tỉnh, thành phố, đồng chí đã có những đề xuất và chỉ đạo giải quyết kịp thời một số vấn đề bức thiết trước mắt; đồng thời nung nấu để đi đến những quyết sách đổi mới táo bạo. Đây chính là yếu tố “Lý luận kết hợp với thực tiễn” được đồng chí đúc rút trong các bài phát biểu của tại Hội nghị Trung ương năm 1984, 1985. Đặc biệt tại Hội nghị Trung ương 6 (khóa V) ngày 6/7/1984, đồng chí Trường Chinh nhấn mạnh đến thái độ dứt khoát: Trong khi chúng ta còn đang do dự, chưa quyết tâm giải quyết vấn đề tiền lương thì các ngành, các địa phương và cơ sở không chờ quyết định của Trung ương, từ lâu đã “tự động xé rào” để lo cho đời sống công nhân viên chức… Tiếp theo là Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa V), đồng chí Trường Chinh đã thể hiện thái độ dứt khoát: “Chúng ta phải triệt để xóa bỏ tập trung quan liêu, bao cấp, chuyển sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa. Song về sách lược, trong mỗi bước đi cần có tính toán, cân nhắc thận trọng” (Trường Chinh: Tuyển tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t. 3, tr. 921).
 
Những quan điểm đổi mới của đồng chí Trường Chinh trình bày tại các hội nghị Trung ương đã chỉ rõ chế độ bao cấp trong những năm qua làm cho bức tranh kinh tế trở nên giả tạo, đồng thời đưa ra cách nhìn mới về hàng loạt vấn đề về thái độ với thị trường và giá thị trường; cách giải quyết vấn đề tiền lương; đánh giá hiện tượng "xé rào" ở cơ sở; xóa bỏ tập trung quan liêu, bao cấp, chuyển sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa... Những nội dung đổi mới trong các bài phát biểu của đồng chí Trường Chinh được cán bộ, đảng viên và đông đảo các tầng lớp nhân dân đồng tình, ủng hộ; bởi nó đã phản ánh được những tâm tư, nguyện vọng, những trăn trở, suy tư của cán bộ, đảng viên, của quần chúng nhân dân trong bao lâu nay không nói ra được. 
 
Tháng 7-1986, Hội nghị đặc biệt BCH Trung ương (khóa V) đã bầu đồng chí Trường Chinh làm Tổng Bí thư thay đồng chí Lê Duẩn vừa mới qua đời. Với trách nhiệm cao trước Đảng, trước dân, đồng chí Trường Chinh cùng với Bộ Chính trị tìm hiểu và nghiên cứu hoạch định đường lối đổi mới, nêu ra những kết luận sâu sắc về “Đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế” đưa đất nước vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội, tạo ra bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Trong bài phát biểu tại Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội (tháng 10-1986), đồng chí đã khẳng định: “Thế giới ngày nay đang nhanh chóng đổi mới: Chủ nghĩa xã hội phải phấn đấu để chứng minh tính ưu việt của mình về mọi mặt so với chủ nghĩa tư bản trên thực tế. Đối với cộng đồng các nước xã hội chủ nghĩa, đổi mới là con đường vươn lên đáp ứng đòi hỏi của thời đại, đáp ứng những nhu cầu chính đáng và ngày càng cao của nhân dân. Đối với nước ta, đổi mới cũng là yêu cầu bức thiết, là vấn đề có tầm quan trọng sống còn. Yêu cầu đó vừa là đòi hỏi bên trong của nước ta, vừa phù hợp với xu thế đổi mới của thời đại”.

Một quyết định đầy bản lĩnh 
 
Trong thời điểm đầu những năm 80, đất nước đang đứng trước hoàn cảnh hết sức ngặt nghèo, lâm vào khủng hoảng kinh tế - xã hội nặng nề; nền kinh tế vận hành thiếu năng động, kém hiệu quả, đứng bên vực thẳm, lúng túng chưa tìm được hướng ra. Nhiều nhu cầu thiết yếu của cuộc sống người dân không được đáp ứng; lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng bị giảm sút; biết bao vấn đề gay gắt khiến không ít cán bộ, đảng viên băn khoăn, lo lắng… 
 
Trước tình hình đó, đồng chí đã trăn trở suy nghĩ tìm cách đưa đất nước thoát khỏi tình thế khó khăn và tìm ra cái mới đúng đắn để thay thế cái cũ trên cơ sở lý luận, thực tiễn, phải dựa vào sự sáng tạo của nhân dân và nhất là phải thuận lòng dân. Sớm nhận rõ được xu thế của thời đại, thực trạng của đất nước, yêu cầu và nguyện vọng bức thiết của nhân dân, đồng chí Trường Chinh đã có những cống hiến rất quan trọng vào việc đề ra chủ trương đổi mới của Đảng ta. Câu nói nổi tiếng của đồng chí: “Đổi mới là yêu cầu bức thiết, là vấn đề có tầm quan trọng sống còn” sẽ còn vang mãi trong tâm trí cán bộ, đảng viên và nhân dân.
 
Một quyết định đầy bản lĩnh và chưa từng có của đồng chí Trường Chinh ở thời điểm lúc bấy giờ là tổ chức viết lại toàn bộ Báo cáo chính trị ngay sát ngày đại hội với quan điểm quyết tâm đưa đất nước phát triển theo đường lối đổi mới; bởi khi xem xét bản dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội VI, đồng chí nhận thấy chưa thể hiện và nắm bắt được nội dung các quan điểm đổi mới, nhất là đổi mới tư duy kinh tế... Quyết định táo bạo và đúng đắn này đã mở ra một bước ngoặt trong tiến trình phát triển của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Chính tình hình kinh tế - xã hội nguy cấp lúc ấy đặt ra cho Tổng Bí thư Trường Chinh và Bộ Chính trị trách nhiệm phải gấp rút sửa chữa, bổ sung, nâng cao và hoàn chỉnh dự thảo báo cáo chính trị để trình Đại hội VI diễn ra vào cuối năm 1986.
 
Một nhóm mới viết lại dự thảo báo cáo chính trị gồm 10 người được hình thành, dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Trường Chinh. Theo nhiều nhân chứng, suốt trong hai tháng, nhiều thành viên của tổ biên tập không được về nhà để tập trung biên soạn dự thảo văn kiện. Dự thảo báo cáo chính trị đã được sửa chữa, bổ sung rất nhiều lần và mỗi lần đều trình lên Tổng Bí thư xem xét cẩn thận. 
 
Trong quá trình chỉ đạo chuẩn bị các văn kiện Đại hội lần thứ VI của Đảng, đồng chí Trường Chinh nhấn mạnh: “Cần thấy rõ tính chất phức tạp, khó khăn của quá trình đổi mới. Đây là cuộc đấu tranh giữa cái mới và cái cũ, cái tiến bộ và cái lạc hậu. Cái khó nhất là ở chỗ: Đây là cuộc đấu tranh trong nội bộ Đảng và cơ quan nhà nước, đấu tranh giữa những người đồng chí, đấu tranh với chính bản thân mình”.
 
Có thể nói, Báo cáo chính trị và Nghị quyết của Đại hội VI là đỉnh cao của thái độ thực sự cầu thị, dám nhìn thẳng vào sự thật và nói rõ sự thật, dũng cảm phê bình và tự phê bình một cách nghiêm túc của Đảng ta, mà đồng chí Trường Chinh là người đứng đầu; từ đó giải phóng được sức mạnh của dân tộc, sự thông minh, sáng tạo của các tầng lớp nhân dân, của cán bộ, đảng viên, góp phần đưa sự nghiệp đổi mới đi đến thành công. 
 
Tháng 12-1986, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đã chính thức khởi xướng đường lối đổi mới đất nước; mở ra thời kỳ đổi mới sâu sắc, toàn diện trên đất nước ta và được bổ sung, phát triển không ngừng trong các Đại hội tiếp theo. Thành tựu của 30 năm đổi mới đã khẳng định tính đúng đắn của đường lối đổi mới toàn diện do Đại hội VI đề ra, mà đồng chí Trường Chinh là người chủ xướng.
 
Thực tế cho thấy, quá trình hình thành tư duy đổi mới của đồng chí Trường Chinh không phải là tự nhiên có được, mà là một quá trình được chuẩn bị bằng lý luận, phương pháp luận; là quá trình thâm nhập, nghiên cứu thực tiễn, rút ra bài học kinh nghiệm; từ đó đúc kết thành quan điểm, tư duy đổi mới. Ông đã vượt lên những trở ngại của lối tư duy xơ cứng, cũ kỹ; dũng cảm đấu tranh với những quan điểm bảo thủ, giáo điều, với cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp để cùng với Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng hình thành tư duy đổi mới và xác lập đường lối đổi mới toàn diện tại Đại hội lần thứ VI của Đảng. 
 
Quan điểm đổi mới đất nước của Đại hội VI
 
Báo cáo chính trị tại Đại hội lần thứ VI của Đảng do đồng chí Trường Chinh trình bày đã khẳng định: Đối với nước ta, đổi mới là yêu cầu bức thiết, là vấn đề có tầm quan trọng sống còn. Những khẩu hiệu và phương hướng nêu trong báo cáo trình Đại hội như: “lấy dân làm gốc”, “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, “luôn luôn xuất phát từ thực tế, tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan”… đã để lại những dấu ấn cực kỳ sâu sắc, là tư tưởng chỉ đạo hành động trong suốt quá trình đổi mới đất nước.
 
Đại hội VI đã đưa ra quan điểm mới về cải tạo xã hội chủ nghĩa dựa trên 3 nguyên tắc: (1) Nhất thiết phải theo quy luật về sự phù hợp giữa quan hệ sản xuất với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất để xác định bước đi và hình thức thích hợp. (2) Phải xuất phát từ thực tế của nước ta và là sự vận dụng quan điểm của Lênin coi nền kinh tế có cơ cấu nhiều thành phần là một đặc trưng của thời kỳ quá độ. (3) Trong công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa phải xây dựng quan hệ sản xuất mới trên cả 3 mặt xây dựng chế độ công hữu về tư liệu sản xuất, chế độ quản lý và chế độ phân phối xã hội chủ nghĩa.
 
Trên cơ sở phân tích, đánh giá tình hình đất nước, tự phê bình về những sai lầm khuyết điểm, đổi mới tư lý luận trải qua nhiều tìm tòi, khảo nghiệm từ thực tiễn, Đại hội đề ra đường lối đổi mới, với những nội dung cơ bản là: 
 
Trước hết là đổi mới cơ cấu kinh tế (cơ cấu công – nông nghiệp; cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp; ngành công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp; công nghiệp nặng và kết cấu hạ tầng; cơ cấu kinh tế huyện). 
 
Thứ hai, thực hiện ba chương trình kinh tế bao gồm chương trình lương thực, thực phẩm; chương trình hàng tiêu dùng; chương trình hàng xuất khẩu. 
 
Thứ ba, xây dựng và củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, sử dụng và cải tạo đúng đắn các thành phần kinh tế. 
 
Một trong ba bài học vô giá được đồng chí Trường-Chinh rút ra và nhấn mạnh trước thềm Đổi mới là “Sức mạnh của một nước, của cách mạng chính là ở nhân dân”; đó chính là tư tưởng “Lấy dân làm gốc”. Vì vậy, Đại hội VI đã xác định: Xây dựng và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động vừa là mục tiêu, vừa là động lực của cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Cơ chế Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý đã là “cơ chế chung trong quản lý toàn bộ xã hội”. Phương thức vận động quần chúng phải được đổi mới theo khẩu hiệu: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Đó là nền nếp hàng ngày của xã hội mới, thể hiện chế độ nhân dân lao động tự quản lý nhà nước của mình.
 
Theo cố Đại tướng Mai Chí Thọ: Trong bối cảnh tình hình của đội ngũ lãnh đạo Đảng ta lúc đó, thật khó có ai thích hợp hơn đồng chí Trường Chinh để có thể xây dựng được bản dự thảo Báo cáo chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI có sức thuyết phục cao đến như thế. 
 
Trong những tháng năm đầu của sự nghiệp đổi mới, những chuyến thăm địa phương của đồng chí Trường Chinh đã giúp cho cán bộ và nhân dân các địa phương hiểu rõ và tin tưởng sâu sắc hơn vào đường lối đổi mới của Đảng, kiên quyết tháo gỡ khó khăn đưa Nghị quyết Đại hội VI đi vào cuộc sống. Các chuyến đi này đã để lại ấn tượng và cảm tình sâu sắc trong cán bộ và nhân dân các địa phương.

Lâm Đồng với sự nghiệp đổi mới
 
Tháng 7/1983, khi biết một số đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước trong đó có đồng chí Trường Chinh vào nghỉ ở Đà Lạt, Bí thư Thành uỷ TP HCM Nguyễn Văn Linh đã sắp xếp cho một số giám đốc các xí nghiệp năng động, sản xuất kinh doanh hiệu quả trực tiếp báo cáo với lãnh đạo Trung ương về tình hình sản xuất, kinh doanh và đề đạt nguyện vọng của cơ sở.  Đồng chí Nguyễn Văn Linh sau đó mời ba đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước thăm cơ sở chế biến tơ tằm và xí nghiệp chè của TP HCM đặt tại Bảo Lộc (Lâm Đồng). "Sự kiện Đà Lạt" đã diễn ra trong thời gian vừa đúng một tuần lễ (từ 12 đến 19/7/1983). Thông qua các hoạt tại Đà Lạt, đồng chí Trường Chinh đã thu thập nhiều thông tin quý báu phục vụ cho quyết tâm đổi mới đất nước mà bản thân đồng chí đã nung nấu lâu nay. Vì vậy, tỉnh Lâm đồng có thể tự hào là một trong những địa phương đầu tiên có đóng góp cho đường lối đổi mới của Đảng.
 
Cũng trong khoảng thời gian này, tháng 8-1983, đồng chí Trường Chinh đã đến thăm vùng kinh tế mới Hà Nội ở tỉnh Lâm Đồng, phát biểu với nhân dân và lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đồng chí nói: "phương hướng cơ bản phát triển kinh tế ở đây là phấn đấu xây dựng thành một vùng kinh tế mới có cơ cấu nông, lâm, công nghiệp kết hợp, phát huy các thế mạnh về phát triển cây công nghiệp và chăn nuôi đàn gia súc lớn. Về hình thức tổ chức kinh tế, thì kết hợp tổ chức kinh tế quốc doanh với kinh tế tập thể và kinh tế phụ gia đình. Ba hình thức kinh tế đó đều phải đặt trong quỹ đạo kinh tế xã hội chủ nghĩa và nằm trong cơ cấu kinh tế thống nhất của vùng". Đồng chí chỉ rõ: "Phải biết vận dụng phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, Trung ương và địa phương cùng làm; phải đẩy mạnh ba cuộc cách mạng: cách mạng về quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học-kỹ thuật, cách mạng tư tưởng và văn hóa, làm cho vùng kinh tế mới Hà Nội thật sự là tấm gương tất, có sức cổ vũ mạnh đối với các vùng kinh tế khác trong cả nước". Đồng chí nhắc nhở: "đồng bào đi trước giúp đồng bào đi sau, gia đình làm ăn khá giả giúp gia đình có khó khăn. Phải tăng cường công tác an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội" (Nguồn: Báo Nhân dân, ngày 13-8-1983, tr.4).
 
Để xứng đáng là một trong những địa phương khởi nguồn của sự nghiệp đổi mới, 30 năm qua, tỉnh Lâm Đồng đã nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức của một tỉnh miền núi chậm phát triển, tìm tòi sáng tạo trong đổi mới để giành được những thành tựu rất đáng tự hào. Qua gần 30 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, tỉnh Lâm Đồng đã phát huy được năng lực sản xuất của các thành phần kinh tế; tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn ở mức cao, quy mô, chất lượng được nâng lên; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch; hình thành được các vùng chuyên canh cây công nghiệp dài ngày, rau, hoa, gắn với các cơ sở công nghiệp chế biến; chú trọng phát triển các khu công nghiệp, các trung tâm du lịch - dịch vụ, đưa du lịch thành nền kinh tế động lực của tỉnh; đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng trọng tâm là giao thông, thủy lợi, trường học, bệnh viện, trạm y tế... Các đô thị được đầu tư chỉnh trang, nâng cấp ngày càng khang trang, sạch đẹp; phong trào xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, đời sống nhân dân không ngừng được nâng lên, kể cả vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng chiến khu xưa. Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị được coi trọng và đạt nhiều kết quả quan trọng. Bộ máy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở không ngừng được củng cố, tăng cường; năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý điều hành được nâng lên. Khối đại đoàn kết dân tộc không ngừng được củng cố, tăng cường; dân chủ xã hội, quyền làm chủ của nhân dân được phát huy; niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự nghiệp đổi mới và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội được giữ vững. Lâm Đồng đã vượt qua ngưỡng một tỉnh nghèo, chậm phát triển và đang hướng tới xây dựng thành một tỉnh phát triển của cả nước.
 
Tiếp tục phát huy những thành tựu đạt được qua 30 năm đổi mới, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X đã xác định phương hướng, mục tiêu tổng quát 5 năm tới là: Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; xây dựng bộ máy chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh; tăng cường đoàn kết, mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy sức mạnh của toàn dân, bảo đảm sự đồng thuận xã hội; huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển; duy trì tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý; phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội; giữ vững quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội; tiếp tục phát triển nhanh và bền vững. Trong đó, đã xác định 4 chương trình trọng tâm và 12 dự án, công trình trọng điểm nhằm tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Phấn đấu xây dựng tỉnh Lâm Đồng ngày càng giàu mạnh, như những điều đồng chí Trường Chinh đã căn dặn cách đây 34 năm khi đến thăm vùng kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng.
 
Nhân dân cả nước nói chung, nhân dân các dân tộc tỉnh Lâm Đồng nói riêng mãi trân trọng, ghi ơn những cống hiến to lớn của Tổng Bí thư Trường Chinh cho sự nghiệp của Đảng, của dân tộc và những bài học quý báu đồng chí để lại cho chúng ta vẫn còn nguyên giá trị, đặc biệt là vào thời điểm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta ta đang nỗ lực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII sau chặng đường 30 năm thực hiện đường lối đổi mới mà Đại hội VI của Đảng đã đề ra. 
 
Dù tuổi cao sức yếu nhưng đồng chí Trường Chinh không một ngày ngừng nghỉ, vẫn quan tâm, dồn hết tâm trí cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và cuộc sống của nhân dân. Ngày 30/9/1988, Cố vấn Trường Chinh làm việc đến 11 giờ. Đó cũng là buổi làm việc cuối cùng của đồng chí cho Đảng và dân tộc, rồi đột ngột đi vào cõi vĩnh hằng, để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. 
 
Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí Trường Chinh là người học trò suất sắc người đồng chí mẫu mực của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo tài ba của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Đồng chí đã nêu tấm gương trong sáng, mẫu mực về mọi phương diện, được nhân dân tin yêu, đùm bọc, kính trọng. Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Trường Chinh, trong khuôn khổ bài viết này không thể đề cập toàn bộ sự nghiệp và những đóng góp to lớn của đồng chí cho Đảng và đất nước, mà chỉ đề cập đến một số khía cạnh của công cuộc đổi mới, mà Tổng Bí thư Trường Chinh là “kiến trúc sư trưởng”, người nắm giữ “chìa khoá đổi mới”; nhằm ôn lại, tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những công lao to lớn của đồng chí với cách mạng Việt Nam. 
 
VĂN NHÂN