Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả

08:03, 13/03/2017

Thời gian qua, cấp ủy Đảng từ tỉnh đến cơ sở đã có nhiều nỗ lực nhằm từng bước đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, góp phần xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Thời gian qua, cấp ủy Đảng từ tỉnh đến cơ sở đã có nhiều nỗ lực nhằm từng bước đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, góp phần xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
 
Để thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Trung ương về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị của tỉnh, những năm qua, Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề, các chương trình hành động, đề án và văn bản chỉ đạo đối với những nội dung cụ thể, thiết thực. 
 
Toàn cảnh Hội nghị cán bộ chủ chốt. Ảnh: V.Báu
Toàn cảnh Hội nghị cán bộ chủ chốt. Ảnh: V.Báu
Từ đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng…
 
Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị” và 5 năm thực hiện Kết luận số 64-KL/TW “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở”, các cấp ủy đảng trong tỉnh đã đặc biệt quan tâm tới việc đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo đối với chính quyền, MTTQ và các đoàn thể; kịp thời bổ sung, hoàn thiện quy chế hoạt động, quy chế phối hợp; cụ thể hóa nghị quyết đại hội bằng chương trình công tác toàn khóa và từng năm để tổ chức thực hiện; đổi mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, cấp ủy, trong sinh hoạt lựa chọn những vấn đề bức xúc, nổi cộm để bàn bạc, chỉ đạo thực hiện…
 
Trong việc đổi mới phương thức lãnh đạo, đổi mới phong cách, lề lối làm việc của các cấp ủy đảng, BTV Tỉnh ủy, cấp ủy các cấp đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền học tập, quán triệt các chủ trương, nghị quyết của Đảng; đổi mới cách ra chỉ thị, nghị quyết, với nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, tập trung vào những vấn đề cấp bách, trọng yếu của địa phương, cơ quan, đơn vị để tổ chức thực hiện. Hiện nay, hầu hết việc học tập, quán triệt các chủ trương, nghị quyết của Đảng; các hội nghị sơ kết, tổng kết của tỉnh đã được tổ chức theo hình thức trực tuyến từ tỉnh đến cơ sở.
 
Tại hội nghị cán bộ chủ chốt do Tỉnh ủy tổ chức mới đây, đồng chí Trần Duy Hùng - Ủy viên BTV, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết, thời gian qua, BTV Tỉnh ủy và cấp ủy các cấp đã quan tâm nâng cao chất lượng hoạt động của TCCS đảng và đội ngũ đảng viên, phát triển đảng viên mới và đạt được nhiều kết quả tích cực.
 
Hàng năm, trong nghị quyết phát triển KT-XH, xây dựng hệ thống chính trị, nội dung về nâng cao chất lượng TCCS đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên luôn được chú trọng. Theo đó, từ năm 2007 đến 2016, toàn tỉnh kết nạp mới gần 17 ngàn đảng viên (tăng từ 24.679 lên 41.342 đảng viên), xóa 25 thôn, thổ dân phố không có đảng viên, hiện chỉ còn 6 thôn, tổ dân phố có chi bộ sinh hoạt ghép. 
 
Cùng đó, BTV Tỉnh ủy còn chỉ đạo đẩy mạnh việc thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 06, Chỉ thị 03, Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị gắn với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và XII; việc chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương trong Đảng được quan tâm chỉ đạo thực hiện nghiêm túc.
 
Việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp, BTV Tỉnh ủy xác định phải tập trung lãnh đạo công tác cán bộ và đổi mới hoạt động của HĐND, UBND các cấp theo hướng xây dựng nền hành chính trong sạch vững mạnh, quản lý thống nhất, thông suốt, tinh gọn, hiệu quả; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp, khắc phục tình trạng buông lỏng hoặc chồng chéo trong quản lý trên một số lĩnh vực. Theo đó, hoạt động của UBND các cấp có nhiều đổi mới, công tác điều hành hiệu lực, hiệu quả, quản lý trên các lĩnh vực được nâng lên, nhất là trên lĩnh vực phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Cụ thể, trong những năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh luôn ở mức cao: giai đoạn 2006-2010 đạt 14%; giai đoạn 2011-2015 đạt 14,1%.
 
Để đạt được kết quả đó, trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, các cấp ủy đảng từ tỉnh đến cơ sở đã chủ động lựa chọn những lĩnh vực là thế mạnh, có tính đột phá, như: phát triển sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; thực hiện Chương trình xây dựng Nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững, đẩy mạnh cải cách hành chính…; đồng thời, đề ra các giải pháp quyết liệt để tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc của nhân dân ngày tại cơ sở.
 
… Đến đổi mới xây dựng tổ chức bộ máy 
 
Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của việc xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, thời gian qua, BTV Tỉnh ủy luôn quan tâm lãnh đạo kiện toàn các tổ chức trong hệ thống chính trị, đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu quả và xác định đây là khâu quan trọng, xuyên suốt, quyết định chất lượng hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị. Trên cơ sở đó, Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị nghiên cứu thực hiện thí điểm hợp nhất một số cơ quan tương đồng về chức năng, nhiệm vụ; thực hiện chủ trương quản lý biên chế thống nhất về chức năng, nhiệm vụ, phương thức hoạt động của các tổ chức; thực hiện mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch HĐND các cấp; tổng kết mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã và tiến hành chỉ đạo nhân rộng ở những nơi có điều kiện.
 
Về sắp xếp bộ máy của các đơn vị sự nghiệp, tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện việc trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho đơn vị sự nghiệp công lập trong việc tổ chức sắp xếp lại bộ máy, sử dụng lao động và nguồn lực tài chính để thực hiện nhiệm vụ, phát huy khả năng của từng đơn vị, nhằm cung cấp dịch vụ chất lượng cao cho xã hội. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đã rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng thu gọn đầu mối, giảm bớt khâu trung gian và chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa các đơn vị, nên đã giảm được 22 đơn vị.
 
Thông tin từ ngành chức năng cung cấp, tính đến ngày 1/3/2017, tổng số biên chế công chức các cơ quan khối Đảng, đoàn thể toàn tỉnh là 1.409 biên chế. Thời gian qua, BTV Tỉnh ủy đã chỉ đạo thực hiện việc tinh giản biên chế theo Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị định 132/2007/NĐ-CP và Nghị định 108/2014-NĐ/CP của Chính phủ. Đến nay toàn tỉnh đã giải quyết 428 trường hợp, trong đó có 351 trường hợp nghỉ theo Nghị định 132/2007/NĐ-CP và 77 trường hợp nghỉ theo Nghị định 108/2014-NĐ/CP.
 
Bên cạnh đó, Tỉnh ủy cũng đã chỉ đạo xây dựng Đề án tinh giản biên chế các khối Đảng, MTTQ và các đoàn thể (đảm bảo lộ trình đến năm 2021 giảm ít nhất 10% trên tổng số biên chế được giao theo quy định) và Đề án vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức trong cơ quan Đảng. Các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh đã tiến hành xây dựng Đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức và đã được Bộ Nội vụ phê duyệt  317 vị trí việc làm; tiếp tục hoàn thiện khung năng lực và bản mô tả vị trí việc làm đã được Bộ Nội vụ phê duyệt để làm cơ sở đổi mới cơ chế quản lý công chức theo vị trí việc làm.
 
Ngoài ra, Tỉnh ủy và các cấp ủy trực thuộc đã quán triệt, cụ thể hóa các nguyên tắc, quy định, quy trình trong công tác cán bộ để triển khai thực hiện, tạo chuyển biến tích cực, khắc phục một bước tình trạng hẫng hụt, chắp vá trong công tác cán bộ. Thực hiện các khâu công tác cán bộ đảm bảo đúng quy trình, dân chủ, công khai, chặt chẽ, phát huy trí tuệ tập thể; từng bước hạn chế tình trạng tùy tiện, chủ quan trong công tác cán bộ…
 
Nhằm xây dựng hệ thống chính trị trong tỉnh ngày càng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, BTV Tỉnh ủy xác định: Cần tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị; đổi mới phong cách, lề lối, phương pháp làm việc, đề cao kỷ cương; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCS đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; phát huy vai trò của MTTQ và các đoàn thể trong tập hợp, vận động nhân dân. Đồng thời, chú trọng sắp xếp bộ máy đồng bộ, tinh gọn, ổn định, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ; xây dựng đội ngũ cán bộ công chức có số lượng và cơ cấu hợp lý, có phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ, năng lực tốt, góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở.
 
Đồng chí Nguyễn Xuân Tiến UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng
 
Trong thời gian tới, các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị cần tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; thực hiện nghiêm các nguyên tắc của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, đảm bảo các tổ chức cơ sở đảng là hạt nhân chính trị trong tất cả cơ quan, đơn vị; lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị. 
 
Đối với chính quyền các cấp, cần thực hiện sự lãnh đạo của Đảng thông qua các Nghị quyết, đồng thời phát huy sự chủ động sáng tạo hơn nữa; tăng cường trách nhiệm giám sát của HĐND các cấp; mạnh dạn sắp xếp lại tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị kể cả trong khối Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể. Đặc biệt, các cơ quan, đơn vị cần xác định vị trí việc làm hợp lý; tiếp tục xác định trọng tâm, trọng điểm để lãnh đạo, phát huy được tiềm năng thế mạnh của địa phương, đơn vị mình…...
 
Đồng chí Huỳnh Thị Thanh Xuân UVBTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Đà Lạt
 
Việc tập trung xây dựng, củng cố hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở đã góp phần quan trọng để thành phố Đà Lạt hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ của địa phương, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Nhờ chú trọng quan tâm tới công tác xây dựng chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội từ thành phố đến cơ sở vững mạnh, nên hoạt động hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và năng lực điều hành của chính quyền các cấp ngày càng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu đổi mới và phát triển trong tình hình mới, tạo được sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân. 
 
Đồng chí Tôn Thiện Đồng TUV, Bí thư Huyện ủy Đạ Tẻh
 
Thời gian qua, Huyện ủy Đạ Tẻh luôn quan tâm việc đổi mới công tác tổ chức, cán bộ, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Nhờ vậy, bước đầu đã tạo sự chuyển biến trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và tác động tích cực đến hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Trong việc bố trí cán bộ từ huyện đến cơ sở, huyện Đạ Tẻh đặc biệt chú trọng đến tiêu chuẩn, khắc phục triệt để tình trạng bố trí cán bộ cơ sở không đảm bảo trình độ học vấn, chuyên môn. Huyện ủy Đạ Tẻh cũng đã chỉ đạo thực hiện nghiêm Nghị quyết 39-NQ/TW về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách theo hướng tinh gọn, hiệu quả. 
 
D.DANH  - V.BÁU (lược ghi)

 

HỒNG HẢI