Nâng cao hiệu quả hoạt động của chi bộ thôn vùng có đạo

05:03, 21/03/2017

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, nâng cao chất lượng đời sống người dân… là những nội dung quan trọng được đề cập trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Bình Thạnh, huyện Đức Trọng lần thứ IV, nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, nâng cao chất lượng đời sống người dân… là những nội dung quan trọng được đề cập trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Bình Thạnh, huyện Đức Trọng lần thứ IV, nhiệm kỳ 2015 - 2020. Để từng bước thực hiện thắng lợi những mục tiêu trên, Đảng ủy xã Bình Thạnh đã dựa vào đặc thù của từng thôn để có sự định hướng phù hợp cho hoạt động của các chi bộ nông thôn. 
 
Con đường nông thôn mới ở thôn Thanh Bình 2. Ảnh: H.My
Con đường nông thôn mới ở thôn Thanh Bình 2. Ảnh: H.My
Đồng chí Nguyễn Văn Doanh - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Bình Thạnh cho biết: Đảng ủy xã Bình Thạnh hiện có 8 chi bộ, trong đó có 4 chi bộ nông thôn với 90% dân số là bà con có đạo. Xã Bình Thạnh được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới (NTM) từ cuối năm 2014. Tuy vậy, có nhiều tiêu chí đã đạt song vẫn còn phải tiếp tục nỗ lực để duy trì bền vững và phát triển. Trước thực trạng đó, thời gian qua, Đảng ủy đã chỉ đạo các chi bộ nông thôn tiếp tục chỉ đạo ban công tác mặt trận, các đoàn thể thôn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tập trung giữ vững và nâng cao chất lượng đối với các tiêu chí NTM. 
 
Cụ thể, tại thôn thuần nông Thanh Bình 2, khu vực trung tâm của xã trong quá trình xây dựng NTM ở thời điểm đầu năm 2016, tiêu chí về hệ thống đường giao thông còn rất “khiêm tốn”. Thế nhưng, dưới sự định hướng, chỉ đạo kịp thời của Đảng ủy xã, trong Nghị quyết hoạt động năm 2016, Chi bộ thôn Thanh Bình 2 đã đưa nội dung nâng cấp hệ thống đường giao thông nông thôn và xem đó là một trong những nhiệm vụ cần chú trọng thực hiện tốt. 
 
Ông Bùi Đức Đảm - Bí thư Chi bộ thôn Thanh Bình 2 cho biết: Trong quá trình triển khai thực hiện nghị quyết, chi bộ cùng với các đoàn thể trong thôn đã tích cực làm tốt công tác vận động để bà con thực sự hiểu việc xây dựng đường giao thông nông thôn theo phương châm “Nhà nước hỗ trợ, nhân dân đóng góp”. Những thông tin liên quan đến việc triển khai làm đường đều được thông tin tới bà con qua các buổi họp dân. Chính người dân bầu ra ban thu tiền và ban giám sát khi thực hiện việc xây dựng các con đường. Với quyết tâm xây dựng đường giao thông mà không nợ tiền Nhà nước, Chi bộ thôn Thanh Bình 2 chọn cách thu đủ số tiền rồi mới bắt tay khởi công. Sau công tác tuyên truyền, Chi bộ và các đoàn thể thôn đã tranh thủ sự ủng hộ của các trùm giáo khu họ đạo trong việc vận động người dân quyên góp tiền của, công sức cũng như giám sát việc thi công các con đường trong thôn. 
 
Năm 2016, Thanh Bình 2 đã xây dựng con đường dài hơn 1,6 km với kinh phí trên 1,9 tỷ đồng. Trong đó, nhân dân đóng góp hơn 1 tỷ đồng. Và, cũng dựa vào sức dân, thôn Thanh Bình 2 đã tu sửa thêm một vài đường nông thôn và đường nội đồng khác với kinh phí hàng trăm triệu đồng. 
 
“Trung bình mỗi hộ dân ở Thanh Bình 2 đã đóng góp 20 triệu đồng để làm đường giao thông. Tiêu biểu có gia đình bà Vũ Thị Biên (80 tuổi) đã đóng góp 46 triệu đồng. Đây là mức đóng góp xây dựng đường giao thông nông thôn cao nhất ở thôn Thanh Bình 2. Đến nay, Thanh Bình 2 đã hoàn tất tiêu chí giao thông và “không nợ nhà nước một đồng nào”, Bí thư chi bộ thôn khẳng định.
 
Còn tại thôn Kim Phát, với đặc thù sản xuất lúa một vụ và cà phê hiệu quả thấp, Đảng ủy xã đã định hướng cho thôn này tập trung vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Và, thực hiện nghị quyết của Đảng ủy xã, Chi bộ thôn Kim Phát đã chủ động lãnh đạo, chỉ đạo và vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi lúa một vụ sang trồng rau, hoa theo mô hình nhà lưới, nhà kính có giá trị kinh tế; tái canh, ghép thay thế cây cà phê năng suất thấp… Chi bộ thôn Kim Phát đưa nội dung này trở thành một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất cần chú trọng thực hiện. 
 
Theo ông Ngô Quang Sinh - Bí thư Chi bộ thôn Kim Phát: Chi bộ cùng với Ban nhân dân thôn đã tiến hành công tác tuyên truyền, vận động để tạo tâm lý sẵn sàng, tiếp đó tạo điều kiện để người dân tiếp cận với các lớp học chuyển giao khoa học kỹ thuật. Và chính cán bộ, đảng viên là những người đi đầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong thôn. Khi đoàn thể chuyển động, cán bộ, đảng viên từ suy nghĩ đến hành động đều vì việc chung, thì bà con cũng rất ủng hộ. Minh chứng là năm 2016, Kim Phát đã chuyển đổi được 17 ha/42 ha trồng lúa sang các loại rau thương phẩm. Điển hình như hộ anh Nguyễn Thành Chung chuyển đổi từ 2,4 ha lúa với thu nhập 30 triệu đồng/năm sang trồng ớt sừng cho thu nhập gần 80 triệu đồng/năm. Hộ anh Vũ Văn Thành mạnh dạn đầu tư 0,4 ha ớt ngọt nhà lưới với hệ thống tưới phun tự động cho thu nhập gần 600 triệu đồng/năm… Ngoài ra, có gần 200 ha cà phê được tái canh, ghép giống mới năng suất đạt từ 4 tấn/ha. Thu nhập bình quân năm 2016 của người dân thôn Kim Phát đạt 52 triệu đồng/người/năm.
 
Cùng với cách làm này Chi bộ thôn Thanh Bình 1 được định hướng tập trung phát triển kinh tế trang trại và Chi bộ thôn Thanh Bình 3 chú trọng tập trung phát triển cây dâu tằm… đã mang lại những chuyển biến tích cực trong hoạt động sản xuất kinh tế của bà con địa phương.
 
Với việc chỉ đạo thực hiện có trọng tâm và mang lại hiệu quả rõ rệt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại các thôn không những từng bước góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã mà điều quan trọng là tạo hứng khởi và khí thế chung sức xây dựng NTM trong mỗi người dân cũng như thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và xây dựng hệ thống chính trị của địa phương thuận lợi hơn - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Bình Thạnh khẳng định.
 
HOÀNG MY