Phát huy dân chủ vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển

08:03, 14/03/2017

Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa (XHCN) mà Đảng và Nhà nước ta đang xây dựng là nền dân chủ khác hẳn về bản chất và đối lập về nguyên tắc với dân chủ tư sản; nó chỉ rõ bản chất tốt đẹp, tính ưu việt của chế độ, đồng thời khẳng định tầm quan trọng của dân chủ XHCN với tư cách vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước.

Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa (XHCN) mà Đảng và Nhà nước ta đang xây dựng là nền dân chủ khác hẳn về bản chất và đối lập về nguyên tắc với dân chủ tư sản; nó chỉ rõ bản chất tốt đẹp, tính ưu việt của chế độ, đồng thời khẳng định tầm quan trọng của dân chủ XHCN với tư cách vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước.
 
Điều đó không chỉ được khẳng định trong các văn kiện của Đảng, được thể chế hóa bằng pháp luật, được pháp luật bảo đảm, mà còn được thể hiện sinh động trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH xác định: “Dân chủ XHCN là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước. Xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ XHCN, bảo đảm dân chủ được thực hiện trong thực tế cuộc sống ở mỗi cấp, trên tất cả các lĩnh vực. Dân chủ gắn liền với kỷ luật, kỷ cương và phải được thể chế hóa bằng pháp luật, được pháp luật bảo đảm”.
 
Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam do nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”. / “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân;”. / “Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình”.
 
Thực hiện Cương lĩnh và những điều quy định trong Hiến pháp, phát huy những thành quả đã đạt được trong lĩnh vực mở rộng dân chủ, những năm qua, Đảng, Nhà nước một mặt hoàn thiện những chính sách đã có, mặt khác tiếp tục đề ra nhiều chủ trương, chính sách mới nhằm phát huy hơn nữa quyền làm chủ, bảo đảm lợi ích của nhân dân; đề cao và cụ thể hóa vai trò giám sát của nhân dân trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội... Các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đã tăng cường tiếp xúc, đối thoại với nhân dân, ban hành cơ chế tiếp dân và nhiều nơi việc tiếp dân đã đi vào nền nếp để kịp thời giải quyết những đơn từ khiếu nại, tố cáo của nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân...
 
Bên cạnh những thành tựu đạt được, vấn đề phát huy dân chủ trên thực tế vẫn còn những hạn chế, khuyết điểm đáng quan tâm như: Nền dân chủ XHCN và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc chưa được phát huy đầy đủ; quyền làm chủ của nhân dân ở một số nơi, trên một số lĩnh vực còn bị vi phạm; có tình trạng lợi dụng dân chủ gây chia rẽ làm nội bộ mất đoàn kết, gây rối, ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội, an ninh quốc gia; tình trạng tách rời, thậm chí đối lập giữa dân chủ và kỷ cương pháp luật trong xây dựng và thực hiện dân chủ còn tồn tại ở nhiều nơi; có lúc, có nơi việc thực hiện dân chủ còn bị hạn chế hoặc mang tính hình thức… 
 
Từ thực tế và yêu cầu phát huy dân chủ XHCN, Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định những vấn đề về bản chất, phương hướng, nhiệm vụ, yêu cầu, nguyên tắc, biện pháp để phát huy dân chủ XHCN trong tình hình mới. Trong đó, phương hướng chỉ rõ: “Mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phải xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, được nhân dân tham gia ý kiến. Dân chủ phải được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Bảo đảm để nhân dân tham gia ở tất cả các khâu của quá trình đưa ra những quyết định liên quan đến lợi ích, cuộc sống của nhân dân (...). Tập trung xây dựng những văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền làm chủ của nhân dân”.
 
Đặc biệt trong phương hướng có bổ sung: “Dân chủ phải được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội”; “Tập trung xây dựng những văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền làm chủ của nhân dân”; nội dung “giám sát” trong phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát”.
 
Để phát huy dân chủ XHCN, đảm bảo thực hiện quyền làm chủ của nhân dân theo tinh thần Đại hội XII một cách đầy đủ, cần chú ý một số vấn đề có tính cốt lõi, đó là:
 
(1) Dân chủ chỉ thực sự có được khi quyền làm chủ của nhân dân được phát huy đầy đủ và mạnh mẽ trong thực tế, tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân; hình thức dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện phải được thể chế hóa, nâng cao chất lượng để phát huy hiệu quả; thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở và Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; thể chế hóa và thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”… Đây là vấn đề mấu chốt trong thực hành dân chủ XHCN.
 
(2) Phải bảo đảm phát huy dân chủ trong Đảng là hạt nhân để phát huy dân chủ trong xã hội là giải pháp đúng đắn, khoa học. Bởi, Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền, có thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng mới tạo điều kiện để mở rộng và phát huy tốt hơn dân chủ trong xã hội; từ đó, việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân được thực thi tốt hơn, nhiều hành vi vi phạm pháp luật được ngăn chặn và xử lý nghiêm minh.       
       
(3) Mở rộng, phát huy dân chủ phải đi liền với tăng cường pháp chế; đề cao trách nhiệm công dân, giữ vững kỷ luật, kỷ cương và đề cao đạo đức xã hội. Phê phán những biểu hiện dân chủ cực đoan, dân chủ hình thức. Xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng dân chủ làm mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và những hành vi vi phạm quyền dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân. Có như thế mới tránh được tình trạng hỗn loạn, vô tổ chức, kỷ luật, vô chính phủ. 
 
(4) Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân cần nâng cao vai trò chủ động, sáng tạo trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy quyền làm chủ để thực hiện tốt Quy chế giám sát và phản biện xã hội; vận động và tổ chức cho nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.
 
(5) Thực hiện đầy đủ dân chủ XHCN sẽ góp phần đấu tranh bác bỏ luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch về: “Việt Nam vi phạm dân chủ”, “mất dân chủ”, những quan điểm đòi “đa nguyên chính trị”, “đa đảng đối lập”…, mà thực chất là đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ XHCN ở nước ta… Đây là nhân tố có ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình chính trị của đất nước, đảm bảo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển; là vấn đề cực kỳ nhạy cảm mà các thế lực thường xuyên lợi dụng để chống phá cách mạng Việt Nam.  
 
Nền dân chủ XHCN chỉ xuất hiện khi giai cấp công nhân và nhân dân lao động, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, giành được chính quyền và ngày càng phát huy trong quá trình xây dựng xã hội mới. Phát huy tốt dân chủ XHCN sẽ khơi dậy được sức mạnh tiềm tàng và vô tận trong dân, trở thành động lực quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. 
 
LINH NHÂN