Tham nhũng là một trong những vấn đề bức xúc nhất của xã hội hiện nay, là một yếu tố tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định chính trị, xã hội, nhưng cũng cực kỳ khó khăn và phức tạp. Vì vậy, nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí vừa cấp bách vừa lâu dài đối với mọi cấp, mọi ngành và cần nêu cao tinh thần quyết liệt, bền bỉ, kiên trì không nóng vội.
Tham nhũng là một trong những vấn đề bức xúc nhất của xã hội hiện nay, là một yếu tố tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định chính trị, xã hội, nhưng cũng cực kỳ khó khăn và phức tạp. Vì vậy, nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí (PCTNLP) vừa cấp bách vừa lâu dài đối với mọi cấp, mọi ngành và cần nêu cao tinh thần quyết liệt, bền bỉ, kiên trì không nóng vội.
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) và Kết luận 21 Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI), công tác PCTNLP đã đạt được những kết quả nổi bật, đó là: Xây dựng và tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách về công tác tổ chức, cán bộ để PCTN; cải cách hành chính, đổi mới công nghệ quản lý và phương thức thanh toán, công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trên các lĩnh vực theo quy định của pháp luật; xây dựng, hoàn thiện thể chế; phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng, lãng phí và thu hồi tài sản tham nhũng… Cùng với đó là việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) về xây dựng Đảng, gắn với học tập và làm theo tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 03, Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị đã có tác dụng cảnh báo, răn đe, phòng ngừa; góp phần hiệu quả kiềm chế, ngăn chặn tình trạng TNLP. Những kết quả đó thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong công tác PCTNLP. Kết quả này cũng khẳng định những chủ trương, giải pháp được nêu trong Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X), Kết luận Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI) là cơ bản đúng đắn, phù hợp.
Tuy nhiên, theo đánh giá chung, công tác PCTNLP nói chung và việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X), Kết luận Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI) trong những năm qua vẫn chưa đạt yêu cầu, mục tiêu “ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí”. Tham nhũng, lãng phí vẫn còn diễn ra nghiêm trọng; tính chất ngày càng phức tạp, thủ đoạn tinh vi hơn; phạm vi, lĩnh vực tham nhũng ngày càng rộng; mức độ tham nhũng lớn, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành, làm thất thoát một lượng lớn tài sản của Nhà nước...
Theo tổng hợp chung 10 năm qua, cả nước đã có 918 người đứng đầu và cấp phó bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng; chuyển đổi vị trí công tác 310.694 lượt cán bộ, công chức, viên chức. Công tác thanh tra đã phát hiện 670 vụ với 1.815 đối tượng có hành vi, biểu hiện tham nhũng; chuyển cơ quan điều tra 274 vụ, 429 đối tượng có dấu hiệu tội phạm tham nhũng. Qua giải quyết 86.463 vụ việc tố cáo về tham nhũng đã chuyển cơ quan điều tra 653 vụ việc với 1.172 người có dấu hiệu tội phạm tham nhũng. Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện và kiến nghị chuyển cơ quan điều tra 73 vụ với 159 người có hành vi tham nhũng. Cơ quan điều tra đã khởi tố 3.337 vụ/7.789 bị can; Viện Kiểm sát nhân dân đã truy tố 2.770 vụ/6.480 bị can; Tòa án nhân dân đã xét xử 2.536 vụ án/5.749 bị cáo về các tội tham nhũng…
Trước tình hình đó, ngày 26/12/2016, Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành Kết luận số 10-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị, ngày 22/2/2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành Kế hoạch số 19-KH/TU thực hiện Kết luận số 10-KL/TW của Bộ Chính trị. Kế hoạch của Ban Thường vụ đã xác định rõ mục đích, yêu cầu và đề ra 5 nhiệm vụ, giải pháp thực hiện.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả thiết thực, qua đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác PCTNLP và thực hành tiết kiệm trong thời gian tới, bên cạnh việc thực hiện tốt hơn nữa các chủ trương, giải pháp và nhiệm vụ mà Nghị quyết Trung ương 3 và kế hoạch Tỉnh ủy đã đề ra, cần tập trung chỉ đạo và quyết liệt thực hiện một số vấn đề sau đây:
Thứ nhất, cần tiếp tục tổ chức học tập, quán triệt và tuyên truyền, giáo dục sâu rộng các Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và chủ trương, quy định của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về PCTNLP; trọng tâm là Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”; gần đây là Kết luận số 10-KL/TW ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X và các văn bản có liên quan khác. Qua đó, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp, ngành, trong mỗi đảng viên và nhân dân nhằm tạo sự thống nhất và quyết tâm cao trong hành động.
Thứ hai, đẩy mạnh rà soát, bổ sung, sửa đổi, xây dựng, ban hành các quy định của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về PCTNLP nhằm đảm bảo không thể tham nhũng, không dám tham nhũng và không cần tham nhũng. Đây là vấn đề có tính mấu chốt.
Thứ ba, đề cao trách nhiệm các cấp ủy đảng, sức chiến đấu, tính tiên phong gương mẫu của tổ chức Đảng và cán bộ đảng viên trong PCTN, nhất là người đứng đầu đơn vị. Các cấp ủy, người đứng đầu không chỉ dừng lại ở quyết tâm chính trị, những lời hô hào tuyên chiến với tham nhũng mà phải bằng những hành động cụ thể, thiết thực để nhân dân tin tưởng; phải “Cần xác định PCTN là công tác trọng tâm, là một trong những tiêu chí đánh giá cán bộ, đảng viên chuẩn bị nhân sự cho đại hội Đảng các cấp trong thời gian tới” (Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng).
Thứ tư, tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực để ngăn ngừa, đưa nội dung này vào chương trình công tác hằng năm; xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, lãng phí; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong công tác phòng, chống tham nhũng; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân các cấp trong công tác này; xử lý dứt điểm, nghiêm minh các vụ án tham nhũng đã phát hiện để có tác dụng răn đe, cảnh báo...
Thứ năm, tiếp tục kiện toàn, hoàn thiện tổ chức bộ máy và chức năng, nhiệm vụ các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng, đảm bảo trong sạch, có năng lực và bản lĩnh để tham mưu và triển khai thực hiện PCTNLP; tăng cường công tác phát hiện, điều tra và xử lý nghiêm, kịp thời các vụ tham nhũng, đặc biệt là các vụ án lớn theo nguyên tắc “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” và muốn chống tham nhũng có hiệu quả, thì trước hết phải chống tham nhũng chính ngay trong cơ quan chống tham nhũng, các cơ quan bảo vệ pháp luật...
Nhiệm vụ, giải pháp PCTNLP đã được Đảng, Nhà nước đưa ra khá mạnh mẽ, nhưng kết quả thực hiện lại phụ thuộc vào tính tự giác, tinh thần trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp; cùng với đó là việc kiểm soát chặt chẽ quyền lực, xử lý thật nghiêm minh những trường hợp vi phạm, người giữ chức vụ càng cao khi vi phạm xử lý càng nặng thì mới có tác dụng răn đe, bằng không chủ trương của Đảng, Nhà nước, chương trình, kế hoạch hành động của các cấp, các ngành không mang lại hiệu quả; niềm tin của nhân dân sẽ mất đi, sự tồn vong của Đảng và chế độ sẽ bị đe dọa nghiêm trọng.
KHÁNH LINH