Đồng chí Lê Duẩn với cách mạng miền Nam

08:04, 07/04/2017

Gần 60 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Lê Duẩn đã có nhiều công lao, cống hiến to lớn cho Đảng và nhân dân ta trên tất cả các lĩnh vực; đặc biệt là những đóng góp to lớn của đồng chí trong lãnh đạo, chỉ đạo chiến tranh cách mạng miền Nam và cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. 

Gần 60 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Lê Duẩn đã có nhiều công lao, cống hiến to lớn cho Đảng và nhân dân ta trên tất cả các lĩnh vực; đặc biệt là những đóng góp to lớn của đồng chí trong lãnh đạo, chỉ đạo chiến tranh cách mạng miền Nam và cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. 
 
Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, với dự báo thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Thắng lợi ở Điện Biên Phủ mới chỉ là thắng lợi bước đầu, nhân dân ta còn phải chuẩn bị đánh với tên đế quốc lớn hơn Pháp, đó là đế quốc Mỹ. Thấu hiểu tư tưởng của Bác, đồng thời với sự nhạy cảm chính trị, tầm nhìn xa trông rộng và tấm lòng yêu thương, gắn bó với đồng bào Nam Bộ, đồng chí Lê Duẩn đã chủ động đề nghị với Bác Hồ, với Trung ương Đảng được ở lại miền Nam, để cùng chung lưng, đấu cật với nhân dân Nam Bộ trong cuộc chiến đấu dẫu biết rằng sẽ vô cùng gian lao, quyết liệt và lâu dài. Do đó, từ năm 1954 đến năm 1957, đồng chí Lê Duẩn đã thay mặt Trung ương Đảng trực tiếp lãnh đạo cách mạng miền Nam. Từ thực tế cuộc đấu tranh của nhân dân Nam Bộ, là người chịu trách nhiệm chủ yếu trước Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương (BCHTW) về phong trào cách mạng miền Nam, năm 1956, đồng chí Lê Duẩn đã dự thảo “Đề cương cách mạng miền Nam”. 
 
Bản “Đề cương cách mạng miền Nam” gồm 5 phần: Ba nhiệm vụ chính của cả nước hiện nay; Mục đích, nhiệm vụ và đối tượng của cách mạng miền Nam; Yêu cầu và khẩu hiệu của cuộc đấu tranh cách mạng ở miền Nam; Hình thức đấu tranh và khả năng phát triển của phong trào cách mạng miền Nam; Bài học lịch sử và những nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam. Đề cương Cách mạng miền Nam là một văn kiện quan trọng có ý nghĩa thiết thực về thực tiễn đối với cách mạng miền Nam và có giá trị lý luận về cách mạng giải phóng dân tộc của Đảng ta; không chỉ trở thành cơ sở cho Nghị quyết 15 (khóa II) của BCHTW, mà còn cho việc hoạch định đường lối cách mạng của Đảng được thông qua tại Đại hội Đảng lần thứ III (1960).
 
Trong bối cảnh cực kỳ khó khăn của cách mạng miền Nam những năm 1954 đến năm 1957, bản Đề cương Cách mạng miền Nam có giá trị đột phá, khai thông bế tắc, tạo niềm tin cách mạng, làm dấy lên phong trào Đồng khởi mạnh mẽ ở miền Nam những năm 1959 - 1960. Đề cương Cách mạng miền Nam còn góp phần tích cực chuẩn bị về chính trị, tư tưởng, tổ chức và hướng dẫn cán bộ, nhân dân tìm ra phương thức đấu tranh chống lại kẻ thù tàn bạo; trong đó tinh thần xuyên suốt là kết hợp nhuần nhuyễn giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, phối hợp chặt chẽ giữa ba vùng chiến lược rừng núi, đồng bằng với đô thị, phát huy sức mạnh của cả dân tộc kết hợp hậu phương lớn gắn với tiền tuyến lớn, ra sức xây dựng hậu phương tại chỗ. Đó là những nhân tố quan trọng hàng đầu để dân tộc ta giành thắng lợi vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.  
 
Giữa năm 1957, đồng chí Lê Duẩn được BCHTW Đảng điều động ra miền Bắc, chủ trì công việc của Ban Bí thư và là Phó ban chuẩn bị Báo cáo chính trị Đại hội lần thứ III của Đảng. Tại Đại hội III (1960), đồng chí được bầu làm Bí thư thứ nhất BCHTW. Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, đồng chí Lê Duẩn đã kế tục sự nghiệp của Người, trở thành người lãnh đạo cao nhất của Đảng ta. Trong thời gian đó, cùng với tập thể Bộ Chính trị, đồng chí Lê Duẩn đã góp phần to lớn vào việc phát triển, cụ thể hóa và hoàn chỉnh dần đường lối cách mạng Việt Nam nói chung và đường lối cách mạng miền Nam nói riêng. 
 
Đặc biệt, trong suốt quá trình diễn biến của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngoài việc chỉ đạo trong Bộ Chính trị, đồng chí còn gửi rất nhiều thư, điện cho Trung ương Cục; cho lãnh đạo các mặt trận từ chiến trường Bình - Trị - Thiên đến Trung Trung Bộ, cực nam Trung Bộ và chiến trường Nam Bộ để góp ý chỉ đạo phong trào cách mạng miền Nam. Toàn bộ những bức thư, điện gửi cho các đồng chí ở miền Nam được tập hợp trong tác phẩm “Thư vào Nam”. 
 
Thư vào Nam là sự chỉ đạo sáng suốt, kịp thời của Bộ Chính trị, BCHTW Đảng mà trực tiếp là đồng chí Lê Duẩn đối với các chiến trường miền Nam; là sự phân tích, đánh giá thế trận giữa ta và địch để đề ra đường lối chiến lược và sách lược phù hợp nhất cho cách mạng miền Nam. Thư vào Nam là sự phân tích khách quan và khoa học trên tinh thần cách mạng tiến công, so sánh tình hình tương quan lực lượng giữa ta và địch trong toàn bộ cuộc chiến tranh cũng như trong từng thời kỳ, thời gian và trên mỗi chiến trường cụ thể. Trên cơ sở đó, đồng chí Lê Duẩn đã đề ra những chủ trương, nhiệm vụ, phương pháp cách mạng đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với tình hình cụ thể trên các mặt đấu tranh nhằm đánh bại địch từng bước, phát triển lực lượng của ta, tạo nên những bước ngoặt làm chuyển biến cục diện chiến trường; rồi nắm chắc thời cơ, đánh đòn quyết định, giành thắng lợi trọn vẹn. Thư vào Nam là một tập sử liệu quý báu, không chỉ góp phần tổng kết kinh nghiệm cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc; mà còn giúp người đọc một phương pháp tư duy khoa học, xem xét đúng đắn và giải quyết sáng tạo những vấn đề thực tiễn trong sự nghiệp cách mạng hiện nay. 
 
Đọc Thư vào Nam cho thấy, mặc dù ở Thủ đô Hà Nội, nhưng đồng chí Lê Duẩn vẫn luôn luôn theo sát từng bước đi, dù rất nhỏ về tình hình cách mạng miền Nam. Đồng chí đã rất “biện chứng khoa học, rất cách mạng” trong đánh giá tương quan lực lượng giữa địch và ta, biết đánh giá các sự kiện, rút ra từng kết luận cần thiết, thấy trước được xu thế phát triển của tình hình; từ đó có được sự chỉ đạo táo bạo, sáng tạo nhưng đúng đắn để thúc đẩy cách mạng phát triển theo đường hướng mà ta mong muốn.
 
Điểm lại những chặng đường cách mạng đầy cam go, thử thách quyết liệt trong những bước tiến triển của cách mạng miền Nam, chúng ta càng thấy sự nhận định, đánh giá, vạch ra hướng phát triển cách mạng miền Nam của đồng chí Lê Duẩn là hoàn toàn đúng đắn và vô cùng sáng tạo. Là người chịu trách nhiệm lãnh đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, đồng chí Lê Duẩn không những là một kiến trúc sư chiến lược, một nhà tổ chức tài năng, góp phần to lớn vào việc lãnh đạo xây dựng miền Bắc quá độ lên CNXH, đánh bại các cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ, làm tròn nhiệm vụ hậu phương lớn của miền Nam; mà còn là người chỉ đạo tổ chức cuộc chiến đấu của quân và dân miền Nam, đánh bại các chiến lược chiến tranh của địch, từng bước bẻ gãy ý chí xâm lược của chúng.
 
Ôn lại chặng đường 21 năm đối đầu với các thế lực đầu sọ, tên sen đầm quốc tế là đế quốc Mỹ, chúng ta càng cảm phục sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn kính mến là người học trò xuất sắc. Những cống hiến của đồng chí Lê Duẩn trong lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng và chiến tranh cách mạng miền Nam đã thể hiện cao độ tư tưởng dám đánh và quyết thắng đế quốc Mỹ xâm lược; thể hiện ý chí kiên cường, bất khuất của dân tộc ta trong sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân.
 
LINH NHÂN