Góp ý Dự án Luật Trợ giúp pháp lý

04:04, 17/04/2017

Sáng ngày 17/4, Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri nhằm góp ý cho Dự án Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi). Đồng chí Nguyễn Tạo - Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH khóa XIV đơn vị tỉnh Lâm Đồng chủ trì hội nghị với sự tham dự của lãnh đạo Sở Tư pháp và các sở, ban, ngành liên quan.

Sáng ngày 17/4, Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri nhằm góp ý cho Dự án Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi). Đồng chí Nguyễn Tạo - Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH khóa XIV đơn vị tỉnh Lâm Đồng chủ trì hội nghị với sự tham dự của lãnh đạo Sở Tư pháp và các sở, ban, ngành liên quan.
 
Tại hội nghị, các đại biểu tán thành sự cần thiết ban hành Luật Trợ giúp pháp lý sửa đổi đợt này, cũng như các mục tiêu và quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật, nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong hoạt động trợ giúp pháp lý. 
 
Dự thảo Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) gồm 8 chương 50 điều, quy định về người được trợ giúp pháp lý, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý, hoạt động trợ giúp pháp lý, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong hoạt động trợ giúp pháp lý.
 
Tại buổi tiếp xúc, các cử tri đã đóng góp nhiều ý kiến khác như: Tại Điều 7 quy định về người được trợ giúp pháp lý là người nhiễm chất độc hóa học thì phải quy định rõ ràng là nhiễm chất độc hóa học gì, mức độ, nguyên nhân của sự phơi nhiễm. Tại Điều 33 phải quy định rõ ràng quyền và nghĩa vụ của Trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý khi tham gia tố tụng vì thực tế có nhiều vụ án rất phức tạp. Tại Điều 43 quy định về trách nhiệm của các cơ quan có liên quan cần bổ sung thêm Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Trong thời điểm hiện nay chưa nên xã hội hóa hoạt động trợ giúp pháp lý vì có nhiều đối tượng sẽ lợi dụng vấn đề này nhằm mục đích không rõ ràng…
 
Đặc biệt, góp ý cho Điều 12, có cử tri cho rằng, Dự thảo Luật Trợ giúp pháp lý quy định chi nhánh của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước (TTTGPLNN) được thành lập tại các huyện ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, giao thông không thuận tiện đến TTTGPLNN, chưa có tổ chức hành nghề luật sư hoặc trung tâm tư vấn pháp luật tham gia trợ giúp pháp lý, nên trên thực tế việc thành lập chi nhánh tại các nơi như luật đã quy định cần phải xem xét lại. Đơn cử, tại Lâm Đồng hiện có hai chi nhánh của TTTGPLNN ở huyện Di Linh và TP Bảo Lộc, còn các huyện khác do điều kiện về kinh tế, giao thông khó khăn hơn nhiều nên việc thành lập chi nhánh là một điều hết sức khó khăn. 
 
ĐỨC TÚ