Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển dược liệu

11:04, 12/04/2017

(LĐ online) - Sáng nay, 12/4, tại đầu cầu Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển dược liệu Việt Nam...

* Tạo nên những sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao từ dược liệu
 
(LĐ online) - Sáng nay, 12/4, tại đầu cầu Lào Cai, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển dược liệu Việt Nam. Tại đầu cầu UBND tỉnh Lâm Đồng, các đồng chí Trần Đức Quận - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh; Đoàn Văn Việt - Chủ tịch UBND tỉnh; Phan Văn Đa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành, Ban chỉ đạo 389 của tỉnh (chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả) tham dự hội nghị.
 
Lãnh đạo tỉnh chủ trì Hội nghị tại đầu cầu Lâm Đồng về Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển dược liệu Việt Nam
Lãnh đạo tỉnh chủ trì Hội nghị tại đầu cầu Lâm Đồng về Hội nghị trực tuyến toàn quốc
về phát triển dược liệu Việt Nam
 
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: “Tiềm năng dược liệu Việt Nam to lớn, vì vậy, tại hội nghị này, các bộ cần đề xuất chính sách, nhất là các cơ chế, giải pháp để thu hút đầu tư để khuyến khích người dân, doanh nghiệp nuôi trồng dược liệu đảm bảo chất lượng hiệu quả tốt nhất. Quy hoạch sản xuất loại gì, ở đâu, đầu tư trọng tâm trọng điểm ở vùng nào cây dược liệu. Chúng ta coi dược liệu loại sản phẩm quốc gia, hoặc lựa chọn cây dược liệu là sản phẩm quốc gia để có những chính sách cơ chế ưu đãi phát triển. Có thể coi nông nghiệp công nghệ cao trong đó có cây dược liệu để có những chính sách áp dụng công nghệ cao, đi liền với đó phải có tiêu chí để phát triển các loại hình doanh nghiệp, các dự án dược liệu. Hội nghị tập trung về các giải pháp phát triển cụ thể về dược liệu để Chính phủ có chủ trương, biện pháp chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt hơn để phát triển dược liệu Việt Nam. Mới đây, Chính phủ đã ban hành về quy hoạch YHCT với phát triển bền vững, khuyến khích phát triển mạnh mẽ, giám sát chất lượng, bảo vệ sản phẩm quốc gia về dược liệu, chúng ta nên tính như này chứ không chúng ta mất đi một nguồn cây quý”.
 
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế báo cáo thực trạng công tác dược liệu, Việt Nam là quốc gia có tiềm năng to lớn về dược liệu trong khu vực Đông Nam Á cũng như toàn thế giới. Thống kê Viện Dược liệu, đến nay đã ghi nhận được 5.100 loài thực vật và nấm, trong đó có khoảng 70 loài có tiềm năng khai thác với tổng trữ lượng 18.000 tấn/năm, nhiều loại dược liệu quý hiếm như: Sâm Ngọc Linh, Ba Kích… Sưu tầm được gần 1.300 bài thuốc dân gian trong cả nước, nhằm hỗ trợ cho việc nghiên cứu phát triển sản phẩm phục vụ công tác phòng chữa bệnh cho nhân dân.
 
Nhu cầu sử dụng dược liệu trong nước khoảng 60.000 - 80.000 tấn/năm, trong đó phần lớn sử dụng cho sản xuất thuốc đông dược, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm… Cả nước có 226 cơ sở sản xuất thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, trong đó 131 cơ sở sản xuất quy mô công nghiệp sử dụng trên 300 loại dược liệu khác nhau; 1440 cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng với nhu cầu sử dụng dược liệu 20.000 tấn/năm, trong khi đó hầu hết 80% là nhập khẩu dược liệu. Hệ thống khám chữa bệnh YHCT phát triển từ các tuyến trung ương đến địa phương với khối lượng dược liệu sản xuất 5.000 tấn đem lại giá trị cao, đã xuất khẩu và nhiều nước đặt vấn đề với Bộ Y tế nhập khẩu dược liệu Việt Nam.
 
Giá trị kinh tế đem lại từ nuôi trồng dược liệu cao hơn hẳn các loại cây trồng khác, cao 5 -10 lần so với trồng lúa, ví dụ: trồng Đương quy thu nhập 90 -100 triệu đồng/ha/năm; Atisô thu nhập ít nhất 100 triệu đồng/ha/năm, trong khi cây lúa chỉ 20 - 40 triệu đồng/ha. Cả nước hiện có hơn 500 loài cây thuốc được trồng ở quy mô khác nhau, trong đó có 50 loại đặc trưng đem lại giá trị kinh tế cao như: Quế (diện tích trên 50 ngàn ha, tổng sản lượng ước tính 5 tấn/năm); Hồi (10.000 tấn/năm); Hòe đạt sản lượng 6.000 tấn/năm… Bộ Y tế đã triển khai dự án bảo tồn gen cây thuốc, trong đó thu thập trên 600 thực vật quý, trong đó có Sâm Ngọc Linh, Thông Đỏ… Ban hành 20 quy trình trồng cây thuốc cấp cơ sở, xuất bản 2 cuốn sách hướng dẫn kỹ thuật trồng cây thuốc, nhiều đề tài nghiên cứu về dược liệu… 
 
Khó khăn nghịch lý tiềm năng dược liệu phong phú nhưng chưa khai thác hết tiềm năng thế mạnh, dược liệu nhập khẩu chiếm cao, trong sản xuất thực phẩm chức năng có nhập khẩu 90% nguyên liệu nhập khẩu. Số lượng cây dược liệu có khả năng khai thác tự nhiên còn rất ít, trên cả nước chỉ còn 226 loài có giá trị khai thác tự nhiên và nhiều loại cây dược liệu quý đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt. Ứng dụng kỹ thuật cao trong nuôi trồng dược liệu còn yếu, đặc biệt khâu giống.
 
Bộ Y tế đề xuất tiếp tục chương trình Người Việt ưu tiên dùng thuốc Việt; tạo cơ chế chính sách để đầu tư nhân giống, bảo tồn giống dược liệu; đổi mới quy trình sản xuất dược liệu đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Tăng thu nhập từ dược liệu từ hình thành các vùng chuyên canh, trồng dược liệu gắn du lịch sinh thái, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nuôi trồng dược liệu theo chuỗi giá trị.
 
AN NHIÊN