Cán bộ là "gốc" để đổi mới, phát triển kinh tế

08:05, 04/05/2017

Thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TW, Hội nghị BCHTW Đảng (khóa XII) về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành Chương trình hành động số 36-CTr/TU, ngày 19/4/2017 nhằm thực hiện Nghị quyết. 

Thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TW, Hội nghị BCHTW Đảng (khóa XII) về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành Chương trình hành động số 36-CTr/TU, ngày 19/4/2017 nhằm thực hiện Nghị quyết. 
 
Trong những năm qua, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và đạt những kết quả tích cực. Tuy nhiên, kinh tế của Lâm Đồng phát triển chưa bền vững, chất lượng tăng trưởng, hiệu quả, sức cạnh tranh chưa cao; phát triển kinh tế hợp tác và mở rộng hình thức liên kết trong sản xuất nông nghiệp còn chậm. Việc khai thác, sử dụng tài nguyên chưa hợp lý, ô nhiễm môi trường chưa được khắc phục, biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét. Tiềm năng, lợi thế về du lịch, dịch vụ chưa được khai thác, phát huy hiệu quả. Khả năng hội nhập, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp vẫn thấp. Công nghiệp phát triển chậm; đầu tư kết cấu hạ tầng gặp nhiều khó khăn và thiếu đồng bộ. Tổ chức, thực hiện các chương trình, dự án đầu tư chậm, chưa quyết liệt và thiếu sự chủ động, sáng tạo, phối hợp triển khai giữa các cấp, ngành. Chênh lệch khoảng cách phát triển giữa một số vùng, địa bàn còn lớn; đời sống một bộ phận nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn… 
 
Nhằm khắc phục những mặt hạn chế và đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TW, một trong những quan điểm, định hướng đổi mới quan trọng được Tỉnh ủy xác định: Đổi mới mô hình tăng trưởng để nâng cao chất lượng tăng trưởng, tăng năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế nhằm thực hiện thành công đề án tái cơ cấu kinh tế, phát triển nhanh và bền vững toàn diện về cả kinh tế - xã hội và môi trường. Bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh, tiến bộ, công bằng xã hội, giữ gìn môi trường sinh thái. Trong 7 nội dung, nhiệm vụ giải pháp chủ yếu đề ra có nội dung liên quan trực tiếp tới bộ máy - con người. Đó là đổi mới phương thức, nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước. 
 
Theo đó, các cấp và các ngành cần tiếp tục củng cố, kiện toàn cơ cấu tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chuyên môn phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, phục vụ ngày càng tốt hơn yêu cầu của người dân và doanh nghiệp. Đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý hành chính, phát triển dịch vụ công trực tuyến; bảo đảm hiệu quả, kịp thời, công khai, minh bạch trong thực thi công vụ, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công. Tăng cường công tác đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất đạo đức, năng lực công tác, tinh thần trách nhiệm và tính chuyên nghiệp cao; xây dựng bộ máy chính quyền tinh gọn, liêm chính, hiệu lực, hiệu quả. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương của các cơ quan nhà nước và người đứng đầu; thực hiện tốt công tác dân vận chính quyền. Một việc làm cấp bách nữa đang được người dân và dư luận xã hội quan tâm, đồng tình là phải thực hiện nghiêm túc tinh giản biên chế gắn với sắp xếp lại tổ chức bộ máy; đổi mới mạnh mẽ quy trình, phương thức tuyển dụng, sử dụng, trả lương, đánh giá, đề bạt cán bộ. Thực hiện bổ nhiệm, đề bạt cán bộ chặt chẽ, theo đúng quy trình, điều kiện, tiêu chuẩn, phẩm chất chính trị, đạo đức và dựa trên thành tích, kết quả công việc. Đặc biệt, cần tăng cường trách nhiệm giải trình của người đứng đầu đối với cán bộ, công chức thuộc quyền và kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao của đơn vị. 
 
Trong mối quan hệ mật thiết, tác động qua lại cho thấy khi có bộ máy quản lý nhà nước tốt thì phải có cán bộ vừa hồng vừa chuyên. Công tác cán bộ luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng và đặt lên vị trí hàng đầu trong xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước. Trong tác phẩm nổi tiếng “Sửa đổi lối làm việc”, Người chỉ rõ: “Cán bộ là gốc của mọi công việc”. Theo tư tưởng của Bác, công tác cán bộ là công việc gốc của Đảng, phải biết cách lựa chọn, sử dụng và không ngừng bồi dưỡng cán bộ để cái vốn quý đó ngày càng to lớn lên theo yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng. Để đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế, Tỉnh ủy đề ra việc đổi mới phương thức, nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước thì đây chính là giải quyết cái “gốc” của vấn đề hướng tới. 
 
LAN HỒ