(LĐ online) - Ngày 10/5, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tổ chức hội thảo: "Phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển; phân định xã, huyện, tỉnh là miền núi, vùng cao - Kết quả đạt được và những vấn đề đặt ra" với sự tham dự chủ trì của ông Hà Ngọc Chiến - UVTW Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, đại diện Lãnh đạo các bộ, ngành trung ương...
(LĐ online) - Ngày 10/5, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tổ chức hội thảo: “Phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển; phân định xã, huyện, tỉnh là miền núi, vùng cao - Kết quả đạt được và những vấn đề đặt ra” với sự tham dự chủ trì của ông Hà Ngọc Chiến - UVTW Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, đại diện Lãnh đạo các bộ, ngành trung ương; các đại biểu Quốc hội là thành viên Hội đồng Dân tộc; đại diện Lãnh đạo các địa phương đã đến dự. Về phía tỉnh Lâm Đồng có ông Đoàn Văn Việt - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng; ông Nguyễn Tạo - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH...
|
Toàn cảnh hội thảo |
Tại hội thảo, Thường trực Hội đồng dân tộc của Quốc hội nêu rõ: Vùng DTTS và miền núi chiếm 3/4 diện tích tự nhiên của cả nước bao gồm trên 22.000 thôn, bản, phum, sóc và hơn 5.000 xã, phường, thị trấn, với dân số khoảng 25 triệu người, trong đó đồng bào các DTTS có trên 13 triệu người. Vùng DTTS , miền núi là vùng có nhiều tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch; là địa bàn có ý nghĩa quan trọng về kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng và môi trường sinh thái.
Tuy nhiên, hiện nay, việc thực hiện phân định vùng DTTS và miền núi theo trình độ phát triển; phân định xã, huyện, tỉnh là miền núi, vùng cao thời gian qua đã đạt được một số kết quả quan trọng, song cũng đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế như: Việc phân định xã, huyện, tỉnh là miền núi, vùng cao được triển khai thực hiện 24 năm qua, nhưng chưa được tổng kết, đánh giá về tính phù hợp và những nội dung, tiêu chí cần bổ sung, sửa đổi. Số lượng xã khu vực III, thôn, bản đặc biệt khó khăn, là các đơn vị thuộc diện đầu tư của Chương trình 135 không giảm mà ngày càng tăng lên. Hầu như ở địa phương nào cũng có tâm lý không muốn thoát khỏi diện đầu tư của chương trình 135 để được Nhà nước đầu tư, ngân sách Trung ương hỗ trợ. Cùng là xã khu vực III nhưng mức độ khó khăn khác nhau, rõ nhất là giữa khu vực miền núi phía Bắc với các khu vực khác. Xây dựng các định mức đầu tư, phân bổ ngân sách, áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư phát triển kinh tế - xã hội chưa phù hợp với địa bàn vùng DTTS và miền núi. Việc thiếu thống nhất trong cách tiếp cận xây dựng chính sách, trong chỉ đạo, thực hiện phân định, đánh giá mức độ thuận lợi, khó khăn của đơn vị hành chính cấp xã, dẫn đến các kết quả phân định khác nhau, dẫn đến tình trạng không phối hợp xây dựng chung bộ tiêu chí để đánh giá mức độ thuận lợi, khó khăn; không thể sử dụng chung kết quả phân định cấp xã để thống nhất đề xuất các cơ chế, chính sách…thực tế tình trạng này đã tạo ra chồng chéo, khó thực hiện, gây thất thoát ngân sách, thắc mắc giữa các đối tượng, địa bàn trong vùng.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà quản lý cùng tập trung trao đổi thảo luận, phân tích nhằm làm sâu sắc thêm những đánh giá, nhận định đầy đủ, khách quan, khoa học về chủ trương, kết quả thực hiện việc phân định vùng DTTS và miền núi theo trình độ phát triển và phân định xã, huyện, tỉnh là miền núi, vùng cao trong giai đoạn qua. Làm rõ sự cần thiết của việc phân định; mức độ phù hợp của các tiêu chí phân định vùng DTTS miền núi theo trình độ phát triển và phân định xã, huyện, tỉnh là miền núi, vùng cao; đánh giá tác động, hiệu quả công tác quản lý nhà nước; việc hoạch định chính sách, xây dựng cơ chế đầu tư phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng DTTS và miền núi và các khu vực. Đa số ý kiến kiến nghị, đề xuất Quốc hội tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt hơn nữa khoản 5, điều 70, Hiến pháp 2013 về phát triển toàn diện kinh tế, xã hội vùng DTTS ; quan tâm bố trí đủ nguồn lực, nhất là vùng đặc biệt khó khăn; tăng cường giám sát thực hiện các chính sách đảm báo đúng đối tượng, đúng nội dung đầu tư. Đề nghị Chính phủ sớm sửa đổi Quyết định số 40 năm 2015 về ban hành nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020; giảm các chính sách hỗ trợ cho không, bãi bỏ danh mục xã, huyện, tỉnh miền núi, vùng cao do không còn phù hợp….Còn đại diện UBND tỉnh Đắc Lắk kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm có quyết định phân định khu vực theo trình độ phát triển và các xã đặc biệt khó khăn theo chương trình 135; đề nghị tăng định mức vốn đầu tư các chương trình, dự án đã được phê duyệt; tránh đầu tư dàn trải, giao địa phương chủ động đầu tư tập trung cuốn chiếu để vốn đầu tư phát huy hiệu quả; đề nghị Chính phủ có chính sách đầu tư cho những địa phương có người di cư đến để đảm bảo cuộc sống cơ bản nhất cho người dân…
Nguyệt Thu