(LĐ online) - Chỉ thị, nghị quyết (sau đây gọi chung là nghị quyết) của Đảng thể hiện đường lối, chủ trương, mục tiêu, giải pháp để thực hiện sự lãnh đạo trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Vì vậy, việc học tập, quán triệt và tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng là khâu đầu tiên và rất quan trọng nhằm tạo ra sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân, là tiền đề vững chắc đảm bảo cho sự thành công trong tổ chức thực hiện.
(LĐ online) - Chỉ thị, nghị quyết (sau đây gọi chung là nghị quyết) của Đảng thể hiện đường lối, chủ trương, mục tiêu, giải pháp để thực hiện sự lãnh đạo trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Vì vậy, việc học tập, quán triệt và tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng là khâu đầu tiên và rất quan trọng nhằm tạo ra sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân, là tiền đề vững chắc đảm bảo cho sự thành công trong tổ chức thực hiện.
Trong bối cảnh tình hình đất nước, khu vực và trên thế giới diễn biến phức tạp, việc học tập, nghiên cứu, vận dụng nghị quyết của Đảng, lý luận chính trị và tư tưởng Hồ Chí Minh gặp không ít khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức thiếu đúng đắn về vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt này. Nhận thức sai lệch đó đã dẫn đến tình trạng ngại học tập lý luận chính trị nói chung, học tập nghị quyết của Đảng nói riêng; xa rời định hướng lý tưởng, thậm chí còn có quan điểm phản bác, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và nghị quyết của Đảng, để các thế lực xấu, thù địch lợi dụng chống phá. Vì thế, chúng ta không thể xem thường và phải khắc phục một cách kiên quyết, triệt để tình trạng nói trên.
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh rất đề cao việc học tập lý luận, chính trị, học tập chủ nghĩa Mác – Lê nin, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Người thường dẫn lời V.I.Lê-nin “Không có lý luận cách mạng thì không có phong trào cách mạng”, mà đối với Đảng Cộng sản Việt Nam “Lý luận của Chủ nghĩa Mác - Lê-nin là sự tổng kết kinh nghiệm của phong trào công nhân từ trước đến nay của tất cả các nước”. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhắc nhở: "Mọi công việc Đảng đều do đảng viên làm. Mọi nghị quyết đều do đảng viên chấp hành...”. Vì vậy, việc học tập lý luận chính trị, nghị quyết của Đảng là trách nhiệm và nghĩa vụ của cán bộ, đảng viên; là khâu đầu tiên và rất quan trọng nhằm tạo ra sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân, là tiền đề vững chắc đảm bảo cho sự thành công trong tổ chức thực hiện.
Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng, thời gian qua, tổ chức đảng các cấp trong tỉnh đã hết sức coi trọng và không ngừng cải tiến, đổi mới, từng bước nâng cao chất lượng học tập, quán triệt và tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng. Tuy nhiên, việc học tập, quán triệt vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập về cách thức, nội dung, phương pháp và tổ chức thực hiện. Nguyên nhân có nhiều, nhưng chủ yếu là do một số cấp ủy nhận thức chưa đúng đắn về tầm quan trọng và yêu cầu đổi mới việc học tập, quán triệt nghị quyết, cá biệt còn tình trạng ỷ lại cấp trên khi đổi mới hình thức trực tuyến; đặc biệt là ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng chưa cao…
Trước tình hình đó, ngày 28/4/2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành văn bản “Về việc nâng cao ý thức, trách nhiệm trong học tập, quán triệt chỉ thị, nghị quyết của Đảng”. Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu: Tăng cường vai trò của các cấp ủy trong việc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức học tập, nghiên cứu, quán triệt chỉ thị, nghị quyết của Đảng; Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong việc học tập, nghiên cứu, quán triệt chỉ thị, nghị quyết của Đảng; Đa dạng hóa các hình thức và tăng cường công tác quản lý việc học tập, nghiên cứu, quán triệt chỉ thị, nghị quyết; Tăng cường đôn đốc việc triển khai thực hiện, sơ kết, tổng kết chỉ thị, nghị quyết của Đảng.
Để tạo sự chuyển biến một cách rõ nét và đạt hiệu quả thiết thực các nội dung chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, thiết nghĩ cần chú trọng một số vấn đề sau đây:
Trước hết, phải thấm nhuần tư tưởng của Bác về học tập lý luận chính trị, chủ nghĩa Mác – Lê nin để vận dụng vào việc học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng. Theo đó, cần khắc phục ngay “Việc huấn luyện cán bộ còn hữu danh vô thực, làm chỉ cốt nhiều mà không thiết thực chu đáo”; yêu cầu nội dung học tập, quán triệt phải gắn với liên hệ thực tiễn, coi trọng việc xử lý tình huống đặt ra trong thực tế phù hợp với từng chức danh, vị trí việc làm của cán bộ, đảng viên…
Thứ hai, cán bộ, đảng viên nhất là là “cán bộ cốt cán” cần nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của nghị quyết của Đảng để có thái độ học tập, quán triệt nghiêm túc và phương pháp học tập sáng tạo, chủ động tìm tòi suy nghĩ; xác định rõ động cơ học tập chỉ thị, nghị quyết của Đảng là để vận dụng vào thực tế cuộc sống, vào công việc hàng ngày; tuyệt đối không chỉ nói nghị quyết suông, thuộc mấy câu chữ để “rồi lòe người ta”, như thế sẽ trở nên vô ích.
Thứ ba, đồng thời với việc học tập, quán triệt chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cán bộ, đảng viên còn phải học tập kinh nghiệm của nhân dân, phải tổng kết phong trào của quần chúng để phát triển thành lý luận và xây dựng nghị quyết của Đảng.
Thứ tư, theo quy định của Bộ Chính trị, các cấp ủy, tổ chức Đảng, trực tiếp là người đứng đầu, chịu trách nhiệm chỉ đạo, chủ trì việc tổ chức học tập, quán triệt, xây dựng chương trình hành động của cấp ủy, tổ chức Đảng; chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát và hằng năm đánh giá kết quả thực hiện của địa phương, cơ quan, đơn vị mình. Đồng thời, các lực lượng làm công tác tuyên giáo phải tham mưu để cấp ủy thường xuyên đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng học tập, quán triệt và tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng nói riêng và lý luận chính trị nói chung.
Trong tình hình hiện nay, việc tổ chức học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng được thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả thiết thực không chỉ góp phần củng cố lập trường, bản lĩnh chính trị, nâng cao nhận thức, năng lực tổ chức thực hiện của cán bộ, đảng viên; mà còn góp phần đấu tranh chống lại các âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch và kịp thời ngăn chặn, đấu tranh khắc phục những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.
NGUYỄN VĂN HƯƠNG