Năm 2016 là một năm hoạt động hết sức sôi động và hiệu quả của các cấp hội trực thuộc Hội Nhà báo Việt Nam. Nhiều sự kiện lớn được dư luận xã hội, giới báo chí đánh giá cao như: Hội báo toàn quốc 2016, triển khai Luật Báo chí 2016 và ban hành 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, một số hoạt động đối ngoại của Hội Nhà báo trên cương vị Chủ tịch Liên đoàn các nhà báo ASEAN…
Năm 2016 là một năm hoạt động hết sức sôi động và hiệu quả của các cấp hội trực thuộc Hội Nhà báo Việt Nam. Nhiều sự kiện lớn được dư luận xã hội, giới báo chí đánh giá cao như: Hội báo toàn quốc 2016, triển khai Luật Báo chí 2016 và ban hành 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, một số hoạt động đối ngoại của Hội Nhà báo trên cương vị Chủ tịch Liên đoàn các nhà báo ASEAN…
|
Các tập thể, cá nhân được khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua của Hội Nhà báo Việt Nam năm 2016. Ảnh: N.Thu |
Trong lĩnh vực giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp thì Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam đã chỉ đạo các cấp hội triển khai thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng. Trong đó, tập trung thực hiện tốt theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 BCHTW Đảng khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong nội bộ; thực hiện tốt Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện tốt Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam. Đồng thời, Ban hành Chương trình hành động của Hội Nhà báo Việt Nam với 9 nội dung trọng tâm về ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa”.
Để tăng tính hiệu quả, hiệu lực thực hiện 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu đã ký quyết định thành lập Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam cấp Trung ương gồm 23 thành viên và sắp tới các tỉnh, thành sẽ tiến hành thành lập theo chỉ đạo của Hội nhằm ngăn chặn kịp thời và xử lý vi phạm đạo đức báo chí.
Tại Hội nghị Tổng kết hoạt động Hội toàn quốc vừa qua tại thành phố Đà Lạt, ông Phan Hữu Minh - Trưởng Ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng: Thực tế hoạt động của xã hội thì ngành nghề nào cũng cần có đạo đức để chế tài và nhắc nhở hoạt động của các thành viên. Nhưng với nghề báo, chính do sự lan tỏa, tầm ảnh hưởng mà đạo đức trở nên quan trọng. Hơn nữa, báo chí là chữ nghĩa, là tư duy, là hành xử ở thái độ của người viết cho nên luật không thể quy định chi tiết, nhưng đạo đức thì bản thân mỗi con người đều có tòa án lương tâm của chính mình.
Nữ nhà báo Nguyễn Thị Thục Hạnh - Tổng Biên tập Báo Phụ nữ Việt Nam cho rằng: Quản trị bằng niềm tin và tăng cường kiểm tra chéo trong giám sát sẽ là giải pháp để ngăn chặn kịp thời những biểu hiện sai trái của người làm báo. Một thực tế chúng ta phải thừa nhận, đó là sự sụt giảm nghiêm trọng kinh tế báo chí đã ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của đội ngũ làm báo. Kéo theo đó là nhiều hiện tượng tiêu cực, một bộ phận phóng viên và người làm báo tha hóa về phẩm chất, xuất hiện ngày càng nhiều vụ việc lạm dụng nghề nghiệp để trục lợi, làm khó doanh nghiệp, làm khó nhân dân.
Nhà báo Thục Hạnh cho biết cụ thể: Ở Báo Phụ nữ Việt Nam, việc tăng cường công tác thông tin và kiểm tra chéo giữa thành viên các đoàn thể, giữa Báo với hệ thống Hội cơ sở (khi phóng viên đi tác nghiệp) ở cơ quan chúng tôi áp dụng rất hiệu quả. Trước những hiện tượng tiêu cực trong làng báo, Ban Biên tập Báo Phụ nữ Việt Nam đã đồng hành cùng các đoàn thể trong cơ quan có những động thái tích cực nhằm củng cố niềm tin trong cán bộ, phóng viên, nhân viên. Chính vì thế, ở Báo Phụ nữ Việt Nam, mỗi đảng viên, hội viên, thành viên Ban Chấp hành, Ban Thư ký, các đoàn thể đều là hạt nhân đoàn kết, cầu nối thông tin đến Ban Biên tập và Chi bộ. Do vậy, gần như mọi thông tin biến đổi theo cả 2 chiều hướng tích cực và tiêu cực, Ban Biên tập đều nắm bắt và có hướng xử lý kịp thời, không để lửa bùng rồi mới dập.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc công tác Hội năm 2016, nhà báo Thuận Hữu - UVTW Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân dân nhấn mạnh: Để tiếp tục nâng cao vị trí, vai trò, chất lượng, hiệu quả hoạt động các cấp Hội nhà báo trong giai đoạn mới, hơn lúc nào hết mỗi cán bộ, hội viên, mỗi nhà báo cần phải thể hiện rõ bản lĩnh chính trị, tính chuyên nghiệp và phẩm chất đạo đức của người làm báo. Ngay sau hội nghị này, từng cơ quan báo chí, từng tổ chức Hội trên cơ sở chức năng nhiệm vụ, tôn chỉ mục đích của mình cần tiếp tục bổ sung, xây dựng và thực hiện nội quy, quy chế, quy ước riêng nhằm cụ thể hóa việc thực hiện 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp. Các cấp Hội cần động viên những người làm báo làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016 - 2020) theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, sớm đưa 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam vào thực tiễn hoạt động báo chí.
NGUYỆT THU