Những người hiến kế

08:05, 24/05/2017

25.167 bài dự thi "Tìm hiểu Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X" là chừng ấy người tham gia "hiến kế". Mỗi ý kiến có tính khả thi khác nhau song đều thể hiện ý thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân. Đó cũng là tình cảm, tâm huyết của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong việc chung tay thực hiện thắng lợi nghị quyết của Đảng.

25.167 bài dự thi “Tìm hiểu Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X” là chừng ấy người tham gia “hiến kế”. Mỗi ý kiến có tính khả thi khác nhau song đều thể hiện ý thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân. Đó cũng là tình cảm, tâm huyết của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong việc chung tay thực hiện thắng lợi nghị quyết của Đảng.
 
“Trải lòng”
 
Chị Trần Thị Hồng
Chị Trần Thị Hồng
Được biết đến như người “thường xuyên” giành giải ở các cuộc thi, chị Trần Thị Hồng (SN 1964) - Phó Phòng Thanh tra bảo vệ và Pháp chế, Công ty Điện lực Lâm Đồng đã từng đoạt giải trong cuộc thi tìm hiểu về Bình đẳng giới, tìm hiểu Hiến pháp... Đặc biệt, trong cuộc thi Tìm hiểu Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X chị đã xuất sắc giành giải nhất. 
 
Bài dự thi viết tay dày 110 trang như chứa đựng hết tâm huyết của chị. Tất bật với công việc của Phó Phòng Thanh tra bảo vệ và Pháp chế, những bận rộn trăm bề của người phụ nữ trong gia đình, tranh thủ những lúc rảnh rỗi chị đọc và nghiên cứu nghị quyết và các tài liệu liên quan. Sau đó, chị bắt tay vào viết. “Ngày đi làm, tối về khoảng 7h30 mình bắt đầu viết. Nhờ nghiên cứu kỹ tài liệu nên mình vỡ vạc ra nhiều điều, càng hiểu thêm tinh thần của các nghị quyết nên mình viết say sưa đến khi tay mỏi rã rời thì đồng hồ cũng đã chỉ gần 12h khuya”, chị Hồng cười kể lại.
 
Ban giám khảo cuộc thi vẫn nhắc nhiều tới bài thi của chị Hồng ở phần hiến kế. Bởi ở đó chất chứa đầy nỗi niềm của một người con sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Nam Tây Nguyên này. Với hơn 30 trang cho phần hiến kế, chị mong muốn “đóng góp chút ý kiến nhỏ bé của mình để chung sức xây dựng quê hương”. 
 
Là một đảng viên đã có 14 năm đứng trong hàng ngũ của Đảng, mở đầu phần hiến kế chị viết: “Trước hết cần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của đảng bộ; giữ vững nguyên tắc của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình…”. Từng lĩnh vực được đề cập đi liền với đề xuất giải pháp cụ thể. Nếu như lĩnh vực du lịch là thu hút các nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, khuyến khích đầu tư các dự án du lịch lớn, phát triển du lịch gắn liền với bảo vệ môi trường, chú trọng khai thác các giá trị văn hóa trong phát triển du lịch bền vững…; thì với nông nghiệp cần đẩy mạnh liên kết giữa hộ sản xuất với doanh nghiệp, hình thành các trung tâm bảo quản nông sản sau thu hoạch, mở rộng thị trường tiêu thụ nhờ tận dụng cơ hội từ hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương, chương trình hợp tác trung hạn Việt Nam - Nhật Bản...
 
Tại lễ trao giải cuộc thi, trò chuyện với chị Hồng, bà Hồ Thu Nguyệt - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng, thành viên ban giám khảo, đã không giấu nổi cảm xúc rằng: “Khi vào chấm chung khảo, đọc đến bài của chị Hồng đã rất xúc động bởi nét chữ đẹp được trình bày cẩn thận và hơn hết là bởi những tình cảm chân thành chị đặt trong phần hiến kế”.
 
Với chị Hồng, hiến kế hay nói đúng hơn là bày tỏ những suy nghĩ, trăn trở chất chứa từ bao lâu nay. Những điều đó khó mà nói hết trong những lần tiếp xúc cử tri hay họp tổ dân phố. Bởi vậy, thi tìm hiểu nghị quyết lần này như cơ hội cho chị “trải lòng” để đóng góp xây dựng quê hương ngày càng thêm đẹp giàu.
 
Hiến kế gắn với nhiệm vụ chuyên môn
 
Chị Bùi Trần Thảo Ly
Chị Bùi Trần Thảo Ly
Còn với cô gái trẻ Bùi Trần Thảo Ly (SN 1985) - Phó trưởng Ban Tuyên giáo, Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng, người giành được giải nhì cuộc thi thì “Tìm hiểu Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X không hẳn là cuộc thi mà đó còn là cách mà mình đọc, học và tìm hiểu sâu hơn để có thể tuyên truyền cặn kẽ cho hội viên”.
 
Suốt 5 tháng ròng rã, những bạn đồng nghiệp ở Hội Nông dân tỉnh vẫn thấy Thảo Ly cắm cúi với chồng tài liệu. Sau khi đọc và nghiên cứu kỹ cô đã viết tay toàn bộ bài thi dày 150 trang. Theo như Thảo Ly “Viết tay là cách mình đọc và suy nghĩ lại một lần nữa. Bài viết sẽ sâu sắc hơn và quan trọng là mình “nhập tâm” hơn tinh thần của nghị quyết”. 
 
Cũng như những người khác, Thảo Ly đặt hết tâm huyết của mình ở phần hiến kế. Thảo Ly chọn cách tập trung vào việc lồng ghép với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Thảo Ly chú trọng đề cập tới việc nâng cao hiệu quả tuyên truyền cho hội viên Hội Nông dân. Trước đây, công tác tuyên truyền của Hội còn thực hiện chung chung dưới hình thức văn bản, không nắm bắt được hết tình hình triển khai ở cơ sở. Bởi vậy cần tăng cường công tác tuyên truyền miệng. Đối với những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn trong tiếp cận thông tin, cán bộ hội phải tới tận nơi làm công tác tuyên truyền cho bà con theo đúng tinh thần của Bác: Gần dân, sát dân, tuyên truyền không mang tính lý thuyết, giảng giải. “Đó cũng là cách mình thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị và học Bác từ những điều gần gũi nhất”, Thảo Ly nói.
 
Những hiến kế của Thảo Ly hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu quả tuyên truyền của cán bộ hội của 12 huyện, thành với 145 cơ sở hội cho hơn 152 ngàn hội viên. “Với một địa phương phát triển mạnh về nông nghiệp, lực lượng nông dân chiếm đông đảo như Lâm Đồng thì việc thực hiện tốt công tác tuyên truyền sẽ góp phần đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nói chung và hoạt động Hội nói riêng đi sâu vào cuộc sống của bà con”, Thảo Ly khẳng định.
 
Đề cập về vấn đề này, đồng chí Trần Văn Hiệp - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho biết: “Những giải pháp, hiến kế sáng tạo, phù hợp được thể hiện trong các bài dự thi sẽ được Ban tổ chức cuộc thi tổng hợp để tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ X nghiên cứu, bổ sung vào chương trình, kế hoạch công tác, góp phần đưa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X đi vào cuộc sống một cách hiệu quả nhất.
 
NGỌC NGÀ