Bàn đến phong cách Hồ Chí Minh là đề cập đến những đặc trưng giá trị mang đậm dấu ấn Hồ Chí Minh, gắn liền với tư tưởng, đạo đức của Người; thể hiện một nhân cách lớn, siêu việt, trí tuệ lỗi lạc, đạo đức trong sáng nhân văn..
Bàn đến phong cách Hồ Chí Minh là đề cập đến những đặc trưng giá trị mang đậm dấu ấn Hồ Chí Minh, gắn liền với tư tưởng, đạo đức của Người; thể hiện một nhân cách lớn, siêu việt, trí tuệ lỗi lạc, đạo đức trong sáng nhân văn. Đó là phong cách của một vĩ nhân, một chiến sĩ cộng sản lỗi lạc, một nhà văn hóa lớn. Trong đó, phong cách tư duy Hồ Chí Minh là sự kết tinh từ tinh hoa văn hóa dân tộc và nhân loại, là tài sản tinh thần quý báu của nhân dân ta, giá trị hợp thành nền văn hóa Việt Nam. Phong cách tư duy Hồ Chí Minh là biểu hiện đặc sắc của sự độc lập, tự chủ, sáng tạo. Hiện nay, những người làm báo Việt Nam đang thực hiện 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp, thiết nghĩ việc học và làm theo phong cách tư duy nói trên của Người là điều vô cùng có ý nghĩa.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: Độc lập, tự chủ có nghĩa không bị lệ thuộc, phụ thuộc vào một luồng ý kiến nào, không bắt chước, “theo đuôi” ai, kể cả “theo đuôi quần chúng”. Trên hành trình bôn ba tìm đường cứu nước, Người tiếp nhận điều bản chất nhất, mục tiêu cuối cùng của lý luận Mác - Lênin là đấu tranh giải phóng con người, là chủ nghĩa nhân đạo mác xít. Hồ Chí Minh cho rằng: “Hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin là phải sống với nhau có tình có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin được”. Không chỉ độc đáo với phong cách tư duy độc lập, tự chủ mà Hồ Chí Minh còn nổi bật bởi phong cách tư duy sáng tạo. Sự sáng tạo ở Người là sự “vượt gộp”, tức là gộp tất cả những gì là tốt đẹp, tinh túy đã có để vượt lên phía trước, nhằm phục vụ cho sự nghiệp cách mạng. Hồ Chí Minh không ngừng làm giàu trí tuệ của mình bằng vốn văn hóa - tư tưởng của nhân loại. Người đã tìm hiểu, tiếp thu những yếu tố dân chủ, tiến bộ, nhân văn của các học thuyết khác. V.I. Lênin nói: “Chỉ có những người cách mạng chân chính mới thu hái được những điều hiểu biết quý báu của các đời trước để lại”.
Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, có Điều 3 là điều bất cứ người làm báo nào cũng phải tuân thủ. Đó là: “Hành nghề trung thực, khách quan, công tâm, không vụ lợi; Bảo vệ công lý và lẽ phải. Không làm sai lệch, xuyên tạc, che giấu sự thật,..”. Thực tế chứng minh, báo chí là tấm gương phản ánh sự thật, nhà báo là người đứng ở trung tâm sự kiện, phản ánh sự việc vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì lợi ích nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: “Đối với những người viết báo chúng ta, cây bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng để động viên quần chúng đoàn kết đấu tranh, chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới, vì độc lập, tiến bộ xã hội và hòa bình thế giới”. Nhà báo phải nhất quán xác định mục đích: “Viết cho ai?: Viết cho đại đa số Công - Nông - Binh; Viết để làm gì?: Để giáo dục, giải thích, cổ động, phê bình, để phục vụ quần chúng; Viết cái gì?: Trong vấn đề nội dung cũng phải có lập trường vững vàng ta, bạn, thù mới đúng. Người làm báo phải dùng cây bút, trang giấy làm vũ khí sắc bén chiến đấu cho mục đích vẻ vang, chứ không phải để “Lưu danh thiên cổ”. Bác đòi hỏi nhà báo “viết phải thiết thực”, “nói có sách, mách có chứng”, “từ là nói cái việc ấy ở đâu, thế nào, ngày nào, nó sinh ra thế nào, phát triển thế nào? Kết quả thế nào”; “Không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói, chớ viết khi không có gì cần nói, không có gì cần viết, chớ nói, chớ viết càn”. Khi phản ánh sự thật vốn đan xen giữa cái tốt và cái xấu, nhà báo không chỉ một chiều khen cái tích cực mà cần dũng cảm phê phán, đấu tranh với cái tiêu cực. Theo Bác: Phê bình thì phải phê bình một cách thật thà, chân thành, đúng đắn chứ không phải để địch lợi dụng để nó phản tuyên truyền. Đây chính là điều phụ thuộc vào bản lĩnh, sự nhạy cảm chính trị của người cầm bút để không làm tổn hại đến lợi ích của nhân dân, của đất nước.
Để có phong cách tư duy độc lập và tự chủ, nhà báo phải là người “vừa hồng, vừa chuyên” - Người có tài mà không có đức là người vô dụng, người có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng không thành. Do vậy, nhà báo phải không ngừng nâng cao trình độ lý luận chính trị, trình độ nghề nghiệp, vốn sống và văn hóa, nhạy bén với thời cuộc. Không chỉ lưu ý về nội dung phản ánh phải trung thực, khách quan, không bị áp đặt và phải thể hiện “dấu ấn” cá nhân, Hồ Chí Minh còn kịch liệt phê phán, chống thói ba hoa. Người chỉ ra 8 biểu hiện của nó là: Dài dòng, rỗng tuếch; Có thói cầu kì; Khô khan lúng túng; Báo cáo lông bông; Lụp chụp, cẩu thả; Bệnh theo sáo cũ; Nói không ai hiểu; Bệnh hay nói chữ… Từ những yêu cầu trên cho thấy nghề nghiệp yêu cầu tư duy sáng tạo rất cao ở các nhà báo trong hoàn cảnh thâm nhập thực tế, phát hiện, tìm hiểu, lý giải vấn đề mà còn khắt khe đối với hình thức thể hiện tác phẩm.
Học tập và làm theo phong cách tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo của Hồ Chí Minh giúp từng cơ quan báo chí, từng nhà báo khẳng định bản lĩnh trong thời bùng nổ thông tin, hội nhập quốc tế!
LAN HỒ