Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Hồ Chí Minh không chỉ là một vị lãnh tụ thiên tài, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới mà còn là một nhà báo vĩ đại, với phong cách mẫu mực, mãi mãi là tấm gương để những người làm báo học tập và noi theo.
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Hồ Chí Minh không chỉ là một vị lãnh tụ thiên tài, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới mà còn là một nhà báo vĩ đại, với phong cách mẫu mực, mãi mãi là tấm gương để những người làm báo học tập và noi theo.
Với 174 bút danh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết hàng ngàn bài báo (hơn 2.000 tác phẩm báo chí), cho nhiều tờ báo khác nhau ở trong nước và nước ngoài. Đó là kết quả của cả một quá trình kiên trì, bền bỉ học nghề, rèn nghề của Bác từ khi mới bước chân vào làng báo cho đến cuối đời. Tuy nhiên, khác với nhiều nhà báo chuyên nghiệp khác, sự nghiệp báo chí của Hồ Chí Minh gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng rất sôi động của Người. Do đó, Người không chỉ là một nhà báo vĩ đại của cách mạng Việt Nam, mà còn là một nhà báo quốc tế nổi tiếng, một nhà báo xuất sắc của phong trào cách mạng thế giới, phong trào giải phóng dân tộc trong thế kỷ XX.
Trên hành trình tìm đường cứu nước, khi hoạt động tại Pháp, Bác là người sáng lập Báo Người cùng khổ (Le Paria). Với vai trò vừa chủ nhiệm kiêm chủ bút, vừa là cây bút chính của tờ báo, Bác đã viết nhiều bài lên án chủ nghĩa thực dân, hô hào, hướng dẫn nhân dân các nước thuộc địa cùng nhau đoàn kết, đứng lên đấu tranh giải phóng dân tộc. Cũng khoảng thời gian đó, Người đã sáng lập Báo Thanh niên (21/6/1925) xuất bản tại Quảng Châu, Trung Quốc để đưa về nước, chính thức đặt nền móng cho báo chí cách mạng Việt Nam.
Trong cả cuộc đời của mình, bên cạnh sự nghiệp cách mạng vĩ đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn có một cuộc đời làm báo tròn 50 năm và để lại một di sản báo chí đồ sộ (sáng lập, chỉ đạo nhiều tờ báo, có thời kỳ là chủ bút kiêm chủ báo), viết hàng ngàn tác phẩm các thể loại, bằng nhiều thứ tiếng cho trên 50 tờ báo, tạp chí xuất bản ở nước ngoài và trong nước; đặc biệt, Người đã để lại một di sản tinh thần vô giá, đó là tư tưởng báo chí cách mạng Việt Nam.
Dưới sự lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện của Người, báo chí cách mạng Việt Nam thực sự là vũ khí sắc bén để lên án chủ nghĩa thực dân, đế quốc; truyền bá chủ nghĩa Mác-Lê-nin; cổ vũ, động viên toàn dân tham gia sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam…
Trong sự nghiệp báo chí, với tư cách vừa là người sáng lập, lãnh đạo, chỉ đạo báo chí, vừa là nhà báo cách mạng vĩ đại, nhưng Bác đã khiêm tốn chỉ nhận mình là nhà báo có kinh nghiệm, là người có duyên với báo chí mà thôi.
Hồ Chí Minh một nhà báo vĩ đại không chỉ được thể hiện ở những tác phẩm báo chí xuất sắc, mà còn ở tư tưởng về báo chí cách mạng, về phong cách và nghệ thuật làm báo của Người. Tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng được thể hiện đầy đủ, sâu sắc trên tất cả các mặt từ đạo đức nghề báo, nhà báo; sứ mệnh lịch sử cao cả của báo chí cách mạng; vai trò, trách nhiệm của nhà báo trước Đảng, trước nhân dân; cho đến những vấn đề liên quan đến phong cách, nghệ thuật, kỹ thuật viết báo…
Trước hết, Hồ Chí Minh đánh giá cao vai trò, vị thế của báo chí và đội ngũ những người làm báo. Người khẳng định, báo chí cách mạng là một mặt trận chiến đấu của cách mạng; vì vậy viết báo và làm báo là làm “công tác cách mạng” để “phụng sự Tổ quốc”, “phụng sự nhân dân”, “phụng sự giai cấp và nhân loại”, và cán bộ báo chí là chiến sĩ trên mặt trấn ấy, “bài báo là tờ hịch cách mạng”... Tại Đại hội lần thứ III của Hội Nhà báo Việt Nam (9/1962), Người tổng kết: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Hơn ai hết, nhà báo phải là người chí công vô tư, có hiểu biết rộng và nhất là có cái tâm trong sáng”.
Thứ hai, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần chia sẻ với các nhà báo về kinh nghiệm viết báo của mình. Người nói: “Muốn tiến bộ, muốn viết hay, thì phải cố gắng học hỏi, ra công rèn luyện. Kinh nghiệm của tôi thế này: Mỗi khi viết một bài báo, thì tự đặt câu hỏi: Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc...”. Bác thường căn dặn những người làm báo rằng, viết báo là để cho nhân dân đọc, trong đó công nông chiếm đa số, trình độ học vấn chưa cao, nên bài viết phải ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu; không nên viết theo lối “bác học”, sính dùng chữ nghĩa cầu kỳ, sáo rỗng, vay mượn, lạm dụng từ ngữ nước ngoài... Đồng thời, Bác cũng khuyên người làm báo: “Chớ viết khô khan quá, phải viết cho văn chương, vì ngày trước khác, bây giờ khác, sinh hoạt đã cao hơn, người ta thấy hay, thấy lạ, thấy văn chương thì mới đọc”.
Thứ ba, với niềm đam mê và nhiệt huyết cách mạng, Người đã dấn thân vào nghề báo với lý tưởng phụng sự cách mạng, phục vụ nhân dân. Vì vậy, mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn cách mạng, những bài viết của Người đều mang những sứ mệnh lịch sử khác nhau. Khi đất nước chưa giành được độc lập, những bài báo của Bác thực sự là vũ khí sắc bén lên án chủ nghĩa thực dân, đế quốc; truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin; tuyên truyền, giác ngộ, cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ thanh niên tham gia đấu tranh cách mạng; kêu gọi đoàn kết đứng lên cứu nước, cứu nhà, tự đem sức ta mà giải phóng cho ta. Thời gian làm Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước, Bác viết báo biểu dương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến, cổ vũ các tầng lớp nhân dân hăng hái thi đua kháng chiến, kiến quốc, xây dựng con người mới, bài trừ thói hư, tật xấu...
Thứ tư, nêu cao trách nhiệm xã hội của của báo chí, nên khi cầm bút Người rất cẩn trọng, đắn đo suy nghĩ từng nội dung, từng ý tứ, câu chữ với tâm niệm là viết sao để dân chúng hiểu và quan tâm đọc. Tuy nhiên, làm được điều đó ngoài năng khiếu bẩm sinh, Bác đã phải trải qua một quá trình khổ luyện từ những ngày đầu viết báo; để có một bài báo hay, Bác đã phải sửa đi, sửa lại nhiều lần, lúc đầu viết dài, sau ngắn dần, rút ngắn đến mức tối đa, thể hiện bằng văn phong ngắn gọn, trong sáng, dễ hiểu, dễ nhớ, nhưng vẫn bảo đảm đầy đủ những nội dung quan trọng, cần thiết. Có thể nói, văn phong ngắn gọn, trong sáng, dễ hiểu, dễ nhớ nhưng vẫn thể hiện đầy đủ, khúc chiết những nội dung cần truyền bá tới người đọc là đặc trưng phong cách báo chí Hồ Chí Minh.
Thứ năm, theo Bác, chủ thể sáng tạo tác phẩm báo chí là nhà báo, chất lượng bài báo phụ thuộc vào đạo đức, tài năng của nhà báo; do đó, Bác rất coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ báo chí, thường xuyên nhắc nhở các nhà báo muốn hoàn thành sứ mệnh vẻ vang phải học tập và rèn luyện suốt đời. Bác từng ân cần căn dặn: “Muốn viết báo thì cần: gần gũi quần chúng, ít nhất phải biết một thứ tiếng nước ngoài, luôn luôn gắng học tập, luôn luôn cầu tiến bộ...”. Mỗi khi có dịp Bác thường trực tiếp động viên, khen ngợi các nhà báo phát hiện và biểu dương trên báo những điển hình tiên tiến.
Hồ Chí Minh là một nhà báo cách mạng vĩ đại, những tác phẩm báo chí của Người dù ở thể loại nào, viết về vấn đề gì đều có một sắc thái rất riêng, hết sức độc đáo, sáng tạo. Các bài viết của Người bao giờ cũng có giá trị lý luận và thực tiễn cao; vừa nhuần nhụy, đậm đà tính dân tộc, vừa giàu tính hiện đại; vừa mang tính chiến đấu, vừa có sức cảm hóa, thuyết phục mạnh mẽ đối với người đọc… Đó là phong cách báo chí Hồ Chí Minh.
NGUYỄN VĂN HƯƠNG