Học tập và làm theo phong cách báo chí Hồ Chí Minh

08:06, 21/06/2017

Phong cách báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được ghi đậm dấu ấn trong nền báo chí cách mạng Việt Nam; trở thành biểu tượng sáng ngời về tính trung thực, khách quan, tính chiến đấu, cách thể hiện ngắn gọn, súc tích và mang đầy tính nhân văn cao cả; mãi mãi là tấm gương sáng ngời để những người làm báo học tập và noi theo.

Phong cách báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được ghi đậm dấu ấn trong nền báo chí cách mạng Việt Nam; trở thành biểu tượng sáng ngời về tính trung thực, khách quan, tính chiến đấu, cách thể hiện ngắn gọn, súc tích và mang đầy tính nhân văn cao cả; mãi mãi là tấm gương sáng ngời để những người làm báo học tập và noi theo.
 
Phong cách báo chí Hồ Chí Minh thể hiện trên nhiều phương diện, nhưng biểu hiện tập trung nhất là tính trung thực và tính chiến đấu. Tính trung thực, khách quan là cái đức và cũng là cái gốc của người làm báo. Tính trung thực, khách quan trong phong cách làm báo Hồ Chí Minh được thể hiện ở nhiều khía cạnh, nhưng trước hết theo Bác “Không nên chỉ viết cái tốt mà giấu cái xấu. Nhưng phê bình phải đúng đắn. Nêu cái hay, cái tốt phải có chừng mực, chớ phóng đại (...). Bộ đội và nhân dân ta cũng có nhiều cái hay để nói lên, không cần phải bịa đặt ra”; “nói có sách, mách có chứng”, chỉ rõ “cái việc ấy ở đâu, thế nào, ngày nào, nó sinh ra thế nào, phát triển thế nào, kết quả thế nào”, v.v. Viết cái tốt, cái thành công để tiếp tục phát huy; viết cái xấu, cái thất bại để tìm biện pháp khắc phục. Từ nhận thức đó, nên dù ở thể loại nào, các bài viết của Bác cũng đều toát lên tính trung thực, khách quan, đúng bản chất sự việc, phân biệt rõ đúng sai, không “tô hồng”, “bôi đen”, phiến diện, một chiều. Đây chính là phẩm chất đạo đức cao đẹp của người làm báo chân chính. 
 
Tính chiến đấu - một trong những chức năng, thuộc tính quan trọng của báo chí cách mạng cũng được thể hiện rõ nét trong phong cách báo chí Hồ Chí Minh. Bởi vì, báo chí cách mạng là công cụ của Đảng, tiếng nói của nhân dân, phục tùng sự lãnh đạo của Đảng, phục vụ lợi ích của đất nước, của nhân dân; cho nên báo chí, mà trực tiếp là nhà báo phải có bản lĩnh chính trị, tinh thần chiến đấu cao, đấu tranh không khoan nhượng để bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ Đảng, bảo vệ nhân dân. Đặc biệt, trong  tình hình hiện nay, khi các thế lực thù địch đẩy mạnh âm mưu “Diễn biến hòa bình”, “Tự diễn biến”, “Tự chuyển hóa” hết sức thâm độc, nguy hiểm nhằm chống phá ta trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là về chính trị - tư tưởng; do đó lại càng đòi hỏi cao ở tính chiến đấu của nhà báo, tác phẩm báo chí. 
 
Phong cách báo chí Hồ Chí Minh còn được thể hiện rõ nét ở nghệ thuật làm báo cách mạng, ở cách viết báo đặc trưng, riêng có. Đó là viết đúng, viết hay, viết vì sự nghiệp cách mạng, vì Tổ quốc và nhân dân. Những bài Người viết luôn ngắn gọn, súc tích, cô đọng; văn phong giản dị, khoáng đạt, có sức thuyết phục cao đối với mọi đối tượng.
 
Học tập phong cách làm báo Hồ Chí Minh, thời gian qua, báo chí nước ta đã bảo đảm thông tin nhanh nhạy, chân thực, khách quan, phản ánh mọi mặt đời sống xã hội theo đúng định hướng và tôn chỉ, mục đích; đa số đã thể hiện lòng trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; coi trọng phát hiện, biểu dương những nhân tố mới, điển hình tiên tiến; tích cực đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái, những cái xấu, tiêu cực trong đời sống xã hội; có ý thức giữ gìn, phát huy bản sắc, truyền thống văn hóa dân tộc; nhiều nhà báo yêu nghề, sâu sát cơ sở, gắn bó với nhân dân, có những tác phẩm chất lượng cao… Báo chí đã góp phần tạo động lực mới cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế.
 
Tuy nhiên, việc quán triệt, học tập phong cách làm báo Hồ Chí Minh ở một số cơ quan báo chí, nhà báo chưa thực sự sâu sắc, hiệu quả; không ít cơ quan báo chí, nhà báo đã xa rời tôn chỉ, mục đích, xa rời thực tiễn; nội dung thông tin thiếu trung thực, chính xác, phản ánh một chiều; chưa coi trọng phát hiện, biểu dương nhân tố tích cực, điển hình tiên tiến; một số bài báo còn dài, tính mục đích, tính định hướng không rõ, thậm chí sa vào khuynh hướng “thương mại hóa”, chạy theo thị hiếu tầm thường; thông tin còn sơ hở, thiếu sót để kẻ thù lợi dụng, xuyên tạc chống phá Đảng và Nhà nước ta…
 
Để phát huy mặt tích cực, khắc phục hạn chế, khuyết điểm, nâng cao vai trò, vị thế của báo chí trong xã hội, thực sự là tiếng nói của Đảng, Nhà nước và là diễn đàn của nhân dân, các cơ quan báo chí và đội ngũ nhà báo cần thấm nhuần hơn nữa tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng; tự giác, tích cực học tập, trau dồi và rèn luyện theo phong cách làm báo Hồ Chí Minh.
 
Thứ nhất, cần học tập Bác ở tính trung thực, tôn trọng sự thật, khách quan; coi trọng phát hiện, biểu dương các nhân tố mới, điển hình tiên tiến; có thái độ đúng - sai rõ ràng, không tô hồng hoặc bôi đen cuộc sống; tuyệt đối không vì lợi ích kinh tế tầm thường mà làm sai lệch thông tin… Mọi thông tin báo chí đưa ra phải đúng bản chất sự thật khách quan, cung cấp cho công chúng hình ảnh chân thực về sự kiện và tình huống, thông qua đó hướng dẫn, định hướng dư luận; góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu văn hóa lành mạnh của nhân dân, bảo vệ và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc… 
 
Thứ hai, học tập ở Bác về đề cao tính chiến đấu, tính định hướng của tác phẩm báo chí. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, báo chí phải đóng vai trò quan trọng trong đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, quan điểm, đường lối của Đảng, làm cho hệ tư tưởng của Đảng, giai cấp công nhân, lý tưởng XHCN, giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, tinh hoa văn hóa thế giới chiếm vị trí chủ đạo trong đời sống tinh thần của xã hội. Đồng thời, dũng cảm đấu tranh không khoan nhượng trước mọi đối tượng, hiện tượng làm tổn hại đến lợi ích của quốc gia, dân tộc; ngăn chặn, đẩy lùi tệ tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực, tệ nạn xã hội; chống “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; phản bác có hiệu quả những thông tin, quan điểm sai trái, phản động, thù địch, bảo vệ vững chắc trận địa tư tưởng của Đảng.
 
Thứ ba, học tập ở Bác lối hành văn ngắn gọn, rõ ràng, cô đọng, súc tích, dễ hiểu, dễ nhớ và có sức thuyết phục cao. Điều này đòi hỏi mỗi nhà báo ngoài việc được đào tạo cơ bản, hệ thống, còn cần phải tích cực, tự giác học tập, rèn luyện một cách kiên trì, nhẫn nại, phải “lao tâm, khổ tứ”, thực sự yêu nghề, tận tâm với nghề.
 
Thứ tư, học tập phong cách làm báo của Bác đòi hỏi nhà báo phải thường xuyên rèn luyện, nâng cao bản lĩnh, đạo đức nghề nghiệp. Nhà báo phải tuân thủ nghiêm minh tôn chỉ, mục đích, xác định đúng đối đối tượng độc giả “viết cho ai xem, viết để làm gì”… từ đó lựa chọn nội dung, hình thức thể hiện, cách thức diễn đạt phù hợp, hấp dẫn. Hơn nữa, báo chí của ta là báo chí cách mạng, báo chí của Đảng, của nhân dân, cho nên báo chí không thể tách rời chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước, không xa rời quần chúng. 
 
Hồ Chí Minh là một nhà báo cách mạng vĩ đại, một nhân cách lớn và tấm gương sáng để chúng ta mãi mãi học tập, noi theo. Vì thế, giới báo chí học tập và làm theo Bác không gì thiết thực hơn là học và làm theo tư tưởng, phong cách làm báo của Người. Làm tốt điều đó không chỉ góp phần xây dựng đội ngũ nhà báo vững mạnh, đưa sự nghiệp báo chí nước nhà tiến bước cùng thời đại, mà còn thể hiện lòng tôn kính đối với Bác Hồ kính yêu. 
 
VĂN NHÂN