Khát vọng tìm đường cứu nước của Bác Hồ

08:06, 01/06/2017

(LĐ online) - Ngày 5/6/1911, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước. Đây là sự kiện lịch sử có ý nghĩa quan trọng đối với cuộc đời và sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của Người; là mốc son đánh dấu một thời kỳ mới trong tiến trình đấu tranh giải phóng dân tộc và phát triển đất nước ta. 

(LĐ online) - Ngày 5/6/1911, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước. Đây là sự kiện lịch sử có ý nghĩa quan trọng đối với cuộc đời và sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của Người; là mốc son đánh dấu một thời kỳ mới trong tiến trình đấu tranh giải phóng dân tộc và phát triển đất nước ta. 
 
Hoàn cảnh lịch sử đã ảnh hưởng đến quá trình tìm đường cứu nước của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc
 
Trên thế giới, chủ nghĩa tư bản đã chuyển sang chủ nghĩa đế quốc, trở thành kẻ thù chung của nhân dân thế giới. Cách mạng tháng Mười Nga thắng lợi, trở thành tấm gương cho các dân tộc bị áp bức đang đấu tranh giành độc lập tự do; phong trào cách mạng thế giới phát triển ngày càng mạnh mẽ, học thuyết Mác - lênin đã được phổ biến rộng ở nhiều nước và có ảnh hưởng lớn đến phong trào cách mạng thế giới. 
 
Trong nước, Nguyễn Tất Thành sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nho giàu lòng yêu nước, thương dân sâu sắc; trên quê hương có truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường, bất khuất. Từ nhỏ, Người đã đau xót chứng kiến cuộc sống nghèo khổ, bị đàn áp, bóc lột cùng cực của đồng bào mình; những tội ác dã man của thực dân Pháp và thái độ ươn hèn, bạc nhược của triều đình nhà Nguyễn; nỗi nhục của người dân mất nước; trong khi đó, các phong trào yêu nước chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX đều bị thất bại… Đất nước lâm vào tình trạng khủng hoảng về đường lối và giai cấp lãnh đạo cách mạng, cả dân tộc chìm đắm trong đêm dài nô lệ, tưởng chừng như không có đường ra. Chính từ hoàn cảnh quê hương, đất nước cộng với tư chất thông minh, tinh thần ham học hỏi, khả năng tư duy độc lập và sự nhạy bén với cái mới, lại được tiếp cận với những tư tưởng tiến bộ… đã thôi thúc Nguyễn Ái Quốc ra đi tìm con đường cứu nước. 
 
Nhân tố thúc đẩy khát vọng tìm đường cứu nước
 
Trong bối cảnh các phong trào yêu nước do các bậc cách mạng tiền bối khởi xướng nổ ra khắp nơi như phong trào Đông Du của Phan Bội Châu, phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục do Lương Văn Can, Nguyễn Quyền lãnh đạo, phong trào Duy Tân của Phan Châu Trinh, cuộc khởi nghĩa Yên Thế của Hoàng Hoa Thám...nhưng đều thất bại. Nguyễn Tất Thành rất kính trọng và khâm phục các sĩ phu yêu nước nhưng đã sớm nhận ra những hạn chế của các phong trào đó và không tán thành cách làm của họ. Vì vậy, Người luôn trăn trở, chọn hướng đi mới là sang phương Tây để tìm con đường cứu nước mới. 
 
Hơn nữa, bằng sự nhạy cảm chính trị đặc biệt, với hai bàn tay trắng và một nghị lực phi thường, Người xuống tàu Pháp sang “mẫu quốc” để tìm hiểu sự thật về sự “khai hóa văn minh” ở Việt Nam của người Pháp; tìm hiểu những bí mật đằng sau những từ tự do, bình đẳng, bác ái ở các nước phương Tây nơi có khoa học, kĩ thuật và nền văn minh phát triển. Đi vòng quanh thế giới, Người thấy cảnh nô lệ, bần hàn và tủi nhục ở khắp nơi. Đến Hoa Kỳ, quê hương của bản “Tuyên ngôn độc lập” nổi tiếng, Người đã chứng kiến một sự thật phũ phàng tại ngay đất nước được mệnh danh là số một của “Tự do”; đó là: Ánh sáng trên đầu Thần (Thần Tự Do) tỏa rộng khắp trời xanh, còn dưới chân tượng thần, người da đen đang bị nô lệ, các dân tộc bị áp bức đang bị nô lệ, người phụ nữ đang bị nô lệ…Nhưng cũng chính trên con đường bôn ba khắp năm châu, bốn biển, Người đã bắt gặp chủ nghĩa Mác - Lê nin và tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc Việt Nam đó là con đường cách mạng vô sản -con đường giải phóng chân chính cho dân tộc, con đường định hướng cho nhân loại tiến bộ. Sau này, khi trả lời nhà văn Mỹ Anna Luyxtơrông về ý định xuất dương, Bác Hồ nói rõ: “Nhân dân Việt Nam trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi lúc này thường tự hỏi nhau ai sẽ là người giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này nghĩ là Nhật, người khác nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ. Tôi thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi”… Đó thực sự là một trong những động lực lớn thôi thúc mạnh mẽ Nguyễn Tất Thành đi theo một con đường cứu nước mới.
 
Một nhân tố rất quan trọng tác động đến nhận thức tư tưởng và quyết định ra đi tìm nước cứu nước của Nguyễn Tất Thành là sự xuất hiện của một lực lượng mới trong xã hội Việt Nam. Đó là giai cấp công nhân Việt Nam được hình thành và trở thành một lực lượng đấu tranh mới. Tuy phong trào công nhân lúc đó đang ở trình độ tự phát nhưng đã là tiền đề cho sự phát triển phù hợp với xu thế tiến bộ của xã hội. Người đã sớm nhận ra điều đó và tự nguyện đứng vào hàng ngũ của giai cấp này để dấn thân vào con đường “vô sản hoá”.
 
Sau gần 30 năm ra đi tìm đường cứu nước, vượt qua biết bao chông gai, thử thách, tù đầy, Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy con đường cứu nước mới – con đường Độc lập dân tộc gắn liền với CNXH cùng những yếu tố cơ bản để thực hiện thành công con đường đó như: Xác lập, tăng cường vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trên nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam của chủ nghĩa Mác – Lênin; xây dựng, củng cố vững chắc khối liên minh công – nông – trí làm nền tảng đại đoàn kết toàn dân; thực hiện mở rộng đoàn kết quốc tế; phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; không ngừng củng cố và hoàn thiện Nhà nước dân chủ kiểu mới – Nhà nước của dân, do dân và vì dân… Đó là những quy luật đảm bảo sự thắng lợi của cách mạng nước ta. 
 
Tiếp tục kế thừa và phát huy con đường Bác Hồ đã lực chọn 
 
Thực tế cách mạng Việt Nam gần một thế kỷ vận động theo con đường mà Bác Hồ kính yêu, Đảng Cộng sản Việt Nam và nhân dân ta lựa chọn đã chứng minh sự sáng suốt, đúng đắn của tư tưởng Hồ Chí Minh. Để tiếp tục con đường Bác đã vạch ra, đòi hỏi chúng ta cần phải: 
 
(1) Tiếp tục kế thừa và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh, tiếp nối con đường về độc lập dân tộc gắn với CNXH và con đường đi lên CNXH ở nước ta, như các văn kiện đại hội của Đảng, nhất là Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) đã khẳng định. 
 
(2) Cần nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm và nỗ lực đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân; bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; thực hiện đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế; chăm lo bồi dưỡng thế hệ trẻ sống có lý tưởng, có hoài bão, có phẩm chất đạo đức trong sáng, có lòng yêu nước nồng nàn để tiếp tục sự nghiệp cách mạng của ông cha; tiếp tục đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế…thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII đã đề ra. 
 
(3) Các cấp uỷ, các tổ chức đảng, cơ quan, đôn vị, mỗi cán bộ đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, “nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong Đảng, hệ thống chính trị và nhân dân, đưa việc học tập và làm theo theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thành công việc tự giác, thường xuyên…”. Đồng thời việc thực hiện Chỉ thị 05 phải gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ…
 
Hiện nay, các thế lực thù địch đang tìm mọi cách xuyên tạc, bôi nhọ cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng của Người với ý đồ đen tối. Trách nhiệm của chúng ta là bảo vệ những giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên quyết đấu tranh bác bỏ mọi luận điệu thâm hiểm của kẻ thù. Mỗi người dân Việt Nam cần tin tưởng rằng, đi theo con đường cách mạng mà Bác Hồ đã vạch ra nhất định chúng ta sẽ xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. 
 
LINH NHÂN