Gần đây, trên một số trang mạng xã hội đã phát tán các bài viết với những ý kiến trái ngược xung quanh việc ra đời của Viện Phan Châu Trinh cũng như sự xuất hiện nhóm "nhân sĩ Đà Lạt" với việc thành lập "Câu lạc bộ Phan Tây Hồ" muốn lan tỏa phương thức hoạt động dựa vào uy tín của nhà yêu nước đầu thế kỷ XX Phan Châu Trinh (tức Phan Chu Trinh) để đạt mục đích riêng.
Gần đây, trên một số trang mạng xã hội đã phát tán các bài viết với những ý kiến trái ngược xung quanh việc ra đời của Viện Phan Châu Trinh cũng như sự xuất hiện nhóm “nhân sĩ Đà Lạt” với việc thành lập “Câu lạc bộ Phan Tây Hồ” muốn lan tỏa phương thức hoạt động dựa vào uy tín của nhà yêu nước đầu thế kỷ XX Phan Châu Trinh (tức Phan Chu Trinh) để đạt mục đích riêng.
Không ai nghi ngờ và cũng không ai xuyên tạc, xúc phạm Cụ Phan Chu Trinh, một nhà yêu nước đã dùng những cải cách văn hóa, mở mang dân trí, nâng cao dân khí, phát triển kinh tế làm cho dân giàu, nước mạnh, buộc thực dân Pháp trao trả độc lập cho nước Việt Nam. Tuy nhiên, do những hạn chế về lịch sử, về giai cấp, nên các sĩ phu cấp tiến lãnh đạo phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX, trong đó có Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh không thể tìm được một phương hướng giải quyết chính xác cho cuộc đấu tranh giải phóng của dân tộc, nên chỉ sau một thời kỳ phát triển đã bị kẻ thù dập tắt.
Theo tư liệu lịch sử giai đoạn trước năm 1911 - giai đoạn hình thành nhận thức có tính phê phán các phong trào yêu nước cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX trên lập trường phong kiến hoặc theo khuynh hướng tư sản, cho thấy:
Nguyễn Tất Thành (Hồ Chí Minh) “khâm phục các cụ Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Chu Trinh và Phan Bội Châu, nhưng không hoàn toàn tán thành cách làm của một người nào. Vì:
Cụ Phan Chu Trinh chỉ yêu cầu người Pháp thực hiện cải lương. Anh nhận điều đó là sai lầm chẳng khác gì đến xin giặc rủ lòng thương.
Cụ Phan Bội Châu hy vọng Nhật giúp đỡ để đuổi Pháp. Điều đó rất nguy hiểm, chẳng khác gì “đưa hổ cửa trước, rước beo cửa sau”.
Cụ Hoàng Hoa Thám thực tế hơn, vì trực tiếp đấu tranh chống Pháp. Nhưng theo lời người ta kể thì cụ còn nặng cốt cách phong kiến.
Anh thấy rõ và quyết định con đường nên đi”.
Mọi người đều biết, một sự kiện đánh dấu bước ngoặt quyết định trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh, từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa cộng sản; mở đường giải quyết đúng đắn về đường lối giải phóng dân tộc của Việt Nam. Bằng thiên tài trí tuệ và hoạt động cách mạng của mình, Nguyễn Ái Quốc đã kịp thời đáp ứng nhu cầu bức thiết của lịch sử. Vượt qua sự hạn chế về tư tưởng của các sĩ phu yêu nước và của các nhà cách mạng có xu hướng tư sản đương thời, Nguyễn Ái Quốc đã đến với học thuyết cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin và lựa chọn con đường cách mạng vô sản… Người nói: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”.
Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Việt Nam đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Từ một nước thuộc địa nửa phong kiến, Việt Nam đã trở thành một quốc gia độc lập; nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ vươn lên làm chủ đất nước, làm chủ xã hội; đất nước Việt Nam từ nghèo nàn, lạc hậu đã bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trở thành một nước đang phát triển có thu nhập trung bình, có vị thế, uy tín ngày càng cao trên trường quốc tế. Đó là một thực tế lịch sử hiện hữu không ai có quyền phủ nhận những thành quả đó.
Trong bài viết “Viện Phan Châu Trinh Nguyên Ngọc tôi tin”, blog Văn Việt, tác giả viết: “Mọi người đều biết, trong chế độ chuyên chính vô sản độc tài toàn trị không có khoa học xã hội đích thực, chỉ có cái gọi là khoa học xã hội phục vụ chính trị”. Nói như vậy là chủ quan, võ đoán, phủ định sạch trơn những thành quả đạt được trên lĩnh vực khoa học mà đất nước đã đạt được kể từ khi giành được chính quyền. Phải thấy rằng từ năm 1986 đến nay, trên lĩnh vực khoa học nói chung và khoa học xã hội nhân văn nói riêng đã có những đóng góp trong quá trình đổi mới, đặc biệt là việc bổ sung phát triển lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Cách đây không lâu, một luận điểm mới được ra đời: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, đó là nền nếp hàng ngày của xã hội mới, thể hiện chế độ nhân dân lao động tự quản lý Nhà nước của mình. Dẫu biết rằng đây đó, có lúc, có nơi chưa làm được, thậm chí vi phạm quyền làm chủ của người dân. Như mọi người đều biết: Dân chủ xã hội chủ nghĩa là dân chủ của đại đa số nhân dân, gắn bó với quyền làm chủ của nhân dân trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, được pháp luật bảo đảm, dưới sự lãnh đạo của Đảng; là một hình thức thể hiện quyền tự do, bình đẳng của công dân, xác định nhân dân là chủ thể của quyền lực. Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước. Nhưng quốc gia nào cũng vậy, dân chủ gắn liền với kỷ luật, kỷ cương và phải được thể chế hóa bằng pháp luật, được pháp luật bảo đảm. Nhà giáo dục nổi tiếng của Liên Xô trước đây là Makarenko từng nói: “Kỷ luật, ai có tính kỷ luật thì người đó sẽ thắng. Kỷ luật là tự do”. Anh muốn tự do, anh phải tôn trọng pháp luật!
Đúng là trong điều kiện toàn cầu hóa mà không học là không được. Cụ Phan Chu Trinh tặng vật quý báu cho đồng bào ta, đó là “CHI BẰNG HỌC”, ở thời điểm đó cụ Phan thực sự là một trong những người nhìn xa, trông rộng. Ngay từ năm 1946, khi trả lời các nhà báo nước ngoài, Hồ Chí Minh cũng đã nói: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Người cũng từng khuyên cán bộ: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ”. Theo Hồ Chí Minh, việc nâng cao dân trí có liên quan đến vận mệnh quốc gia, Người quan niệm dốt nát cũng là kẻ địch (giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm). Người nói: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”.
Bằng đức độ và uy tín, Hồ Chí Minh trân trọng đón mời, sẵn sàng trao thực chức, thực quyền cho người có tài năng, kể cả những người từng có lúc “sa chân lỡ bước” nhưng đã rời bỏ mê lầm. Người đã quy tụ được quanh mình những trí thức thuộc cỡ lớn nhất của dân tộc, trong đó có những bậc thầy đã dứt bỏ địa vị và cuộc sống cao sang ở nước ngoài theo Hồ Chí Minh về nước tham gia kháng chiến, kiến quốc.
Phải chăng tư tưởng lớn của các Cụ đã gặp nhau. Trong bức thư đề ngày 18-2-1922 của Cụ Phan Chu Trinh gửi từ Marseille cho Nguyễn Ái Quốc ở Paris, cụ Phan chiêm nghiệm: “Tôi tự ví thân tôi như con ngựa già hết nước kiệu, phi nước tế”, “cây già thì gió dễ lay, người già thì trí dễ lẫn”, “cảnh tôi như hoa sắp tàn”. Cuối thư, Cụ chân thành, thoải mái gửi gắm niềm tin đến Nguyễn Ái Quốc “như cây đương lộc, nghị lực có thừa, dày công học hành, lý thuyết tinh thông”. Và Cụ tin “không bao lâu nữa cái chủ nghĩa Anh (NAQ) tôn thờ (chủ nghĩa Mác-Lênin) sẽ thâm căn cố đế (sâu rễ bền gốc) trong đám dân tình chí sĩ nước ta”. Quả là một lời tiên tri đắt giá như một chân lý.
Tổng kết kinh nghiệm lịch sử của nước ta và của các nước trên thế giới, từ Đại hội VIII của Đảng đến nay, Đảng tiếp tục khẳng định giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu. Đối với “Khoa học xã hội và nhân văn đặt trọng tâm vào tổng kết thực tiễn, đi sâu nghiên cứu những vấn đề lớn của đất nước, khu vực và toàn cầu, giải quyết những vấn đề lý luận và thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, cung cấp luận cứ cho việc hoạch định đường lối chiến lược, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, phát huy nhân tố con người và văn hóa Việt Nam”. Đó, “Khoa học phục vụ chính trị” là như thế không có gì khác đâu các vị ạ! Trong khoa học xã hội và nhân văn, nếu không bám sát thực tiễn thì kết quả nghiên cứu sẽ rơi vào kinh viện, xa rời cuộc sống.
Quả thực, nhiều năm trước, Đảng và Nhà nước không quan tâm đúng mức đến khoa học xã hội, để khoa học xã hội ở tình trạng “chậm trễ, lạc hậu” như Đại hội IX của Đảng có đề cập. Chưa kể đến đội ngũ cán bộ khoa học xã hội chưa thực sự yên tâm trong quá trình nghiên cứu, tìm tòi cái mới. Có người mặc cảm với sự nhận xét, quy chụp về quan điểm, lập trường, trong quá trình tìm tòi cái mới. Đội ngũ cán bộ khoa học xã hội nhìn chung còn yếu, đặc biệt thiếu những chuyên gia giỏi, chuyên gia đầu ngành làm hạn chế đến sự phát triển của khoa học xã hội. Đây là vấn đề Đảng và Nhà nước đang tiếp tục chỉ đạo khắc phục.
Có thể nói, không khó để nhận ra động cơ, mục đích của các vị muốn nhân danh là “trí thức” là những “học giả uyên thâm” tỏ ra đang say sưa nghiên cứu khoa học nhưng thực chất đã xàm ngôn khi trả lời phỏng vấn, tung ra những luận cứ mơ hồ, thiển kiến hòng làm nhiễu dư luận xã hội, chống phá Đảng và Nhà nước pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, đi ngược lại lợi ích của nhân dân và dân tộc. Làm khoa học thì phải đủ tầm, có cái tâm trong sáng và phải chính xác. Nếu nói sai hoặc lợi dụng uy tín của người khác để bóp méo sự thật hoặc kiếm “cớ” làm việc khác thì đó là phản khoa học. Xin các vị “NỔ” ít thôi kẻo cụ Phan Chu Trinh “nghe” được Cụ “buồn” đấy. Hẳn các vị chưa quên bài viết phản đối cả nội dung và tấm ảnh các vị họp mặt nhân ngày Giỗ Tổ 2014 khi các vị tự xưng là những “thầy giáo già” rằng: “thầy bà gì chúng nó”. Đúng là “già mà dại”!
Hà Phúc Lâm