Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh đòi hỏi sự thống nhất cao độ của đạo đức trong toàn bộ đời sống và hoạt động của con người: đạo đức với chính trị, đạo đức với pháp luật, đạo đức với tài năng, đạo đức cách mạng với đạo đức đời thường... "Nói đi đôi với làm, phải nêu gương về đạo đức" - một nguyên tắc cơ bản của tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh.
Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh đòi hỏi sự thống nhất cao độ của đạo đức trong toàn bộ đời sống và hoạt động của con người: đạo đức với chính trị, đạo đức với pháp luật, đạo đức với tài năng, đạo đức cách mạng với đạo đức đời thường... “Nói đi đôi với làm, phải nêu gương về đạo đức” - một nguyên tắc cơ bản của tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh.
Về vai trò của đạo đức cách mạng, ngay từ khi bắt đầu hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh luôn quan tâm tới vấn đề đạo đức, giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên và quần chúng nhân dân. Đầu cuốn sách “Đường kách mệnh”, Người đã chỉ ra tư cách của cán bộ cách mạng. Sau khi giành được chính quyền, Bác quan tâm nhiều tới đạo đức của cán bộ, đảng viên. Đến tận cuối đời, trong Di chúc, Người vẫn căn dặn: “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng” cho đoàn viên và thanh niên, đào tạo họ thành những người kế thừa xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. Hồ Chí Minh khẳng định: “Làm cách mạng là để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới là một sự nghiệp rất vẻ vang, nhưng nó cũng là một nhiệm vụ rất nặng nề, một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài, gian khổ. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”. Theo Bác, phẩm chất cơ bản của đạo đức cách mạng gồm có: Trung với nước, hiếu với dân; Yêu thương con người, sống có nghĩa, có tình; Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; Tinh thần quốc tế trong sáng. Đối với mỗi người, lời nói phải đi đôi với việc làm. Nói đi đôi với làm trước hết là sự nêu gương tốt. Sự làm gương của thế hệ đi trước với thế hệ đi sau, của lãnh đạo đối với nhân viên… là rất quan trọng. Hồ Chí Minh yêu cầu lãnh đạo làm gương cho cán bộ, nhân viên… Đảng viên phải làm gương trước quần chúng. Người nói: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”.
Đạo đức Hồ Chí Minh không phải là đạo đức tu thân mà là đạo đức dấn thân, tức là đạo đức gắn liền với hành động, nói để làm, nhất là nói về đạo đức phải đi đôi với thực hành đạo đức, mà phải làm có hiệu quả. Nếu một người làm việc gì cũng không có hiệu quả thì không thể coi là một người có đạo đức. Người nói: “Phải lấy kết quả thiết thực đã góp sức bao nhiêu cho sản xuất và lãnh đạo sản xuất mà đo ý chí cách mạng của mình. Hãy kiên quyết chống bệnh nói suông, thói phô trương hình thức, lối làm việc không nhằm mục đích nâng cao sản xuất”.
Hồ Chí Minh nói nhiều đến vai trò, tác dụng của đạo đức, nêu ra những nguyên tắc chuẩn mực đạo đức cho cán bộ và nhân dân: từ đời công đến đời tư. Người đã vận dụng phương thức của người xưa: “dĩ nhân nhi giáo, dĩ ngôn nhi giáo”, tức là trước hết phải giáo dục bằng tấm gương sống của chính mình đã, sau đó mới giáo dục bằng lời nói.
Ở Hồ Chí Minh luôn luôn có sự nhất quán giữa nói và làm, giữa giáo dục đạo đức với thực hành đạo đức. Người nói: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc, và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo - là vì mục đích đó”. Cho đến trước khi qua đời, Người còn viết trong Di chúc: “Suốt đời tôi hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”.
Hồ Chí Minh thường phê phán “Chỉ biết nói là nói, nói giờ này qua giờ khác, ngày này qua ngày khác. Nhưng một việc gì thiết thực cũng không làm được; nghĩa là chỉ quen chỉ thị, quen đề xuất, nói rồi quên, nói cao giọng mà không tính đến các điều kiện thực tế, đến khả năng hành động, thực thi của chính mình. Hình như họ nói cốt để cho người khác làm, còn chính mình lại không quyết tâm theo đuổi, chỉ đạo thực hiện đến cùng một công việc nào đó. Thành ra, có nhiều chủ trương không đi vào cuộc sống, không đem lại chuyển biến đáng kể trong thực tế”.
Hồ Chí Minh nhiều lần chỉ rõ: “Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa”. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, nếu không có đạo đức cách mạng làm nền tảng, làm cái căn bản thì dù tài giỏi đến mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Hiện nay cùng với hiện tượng suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ có chức, có quyền, căn bệnh “nói nhiều làm ít, nói hay làm dở” đã góp phần làm giảm lòng tin của dân. Để khắc phục và hạn chế căn bệnh này, cần đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương “nói đi đôi với làm” của Hồ Chí Minh. Để nói đi đôi được với làm thì khi nói phải nghĩ đến làm, có làm được thì mới nói, thậm chí chỉ lặng lẽ làm mà không nói. Đó là phong cách Hồ Chí Minh, đặc biệt trong lĩnh vực đạo đức và lối sống.
LAN HỒ