Nâng tầm thị trấn Lạc Dương

08:06, 23/06/2017

Để thị trấn Lạc Dương hội đủ các tiêu chí của một đô thị loại IV vào năm 2030, Huyện ủy Lạc Dương đã ban hành Nghị quyết số 09 "Về phát triển thị trấn Lạc Dương giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030".

Để thị trấn Lạc Dương hội đủ các tiêu chí của một đô thị loại IV vào năm 2030, Huyện ủy Lạc Dương đã ban hành Nghị quyết số 09 “Về phát triển thị trấn Lạc Dương giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030”.
 
Thị trấn Lạc Dương. Ảnh: N.Thu
Thị trấn Lạc Dương. Ảnh: N.Thu
Thị trấn Lạc Dương có vị trí địa lý hết sức quan trọng mang tính chiến lược của huyện, là đô thị vệ tinh của thành phố Đà Lạt, có bản sắc văn hóa truyền thống bản địa đặc sắc và nhiều điểm du lịch nổi tiếng; cảnh quan thiên nhiên đa dạng và lợi thế về đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng nên rất thuận lợi trong việc giao lưu và phát triển, đặc biệt là phát triển du lịch, dịch vụ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. 
 
Thị trấn Lạc Dương có tổng diện tích tự nhiên là 7.061 ha, dân số là 10.790 người, gồm 16 dân tộc anh em sinh sống. Qua 17 năm xây dựng và phát triển, thị trấn Lạc Dương luôn được xác định là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của huyện Lạc Dương. 
 
Trong những năm qua, tình hình kinh tế - xã hội của thị trấn Lạc Dương có những bước phát triển khá, kinh tế có sự chuyển dịch đúng hướng, tăng dần tỷ trọng thương mại dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng; tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm đạt gần 25,6%; thu nhập bình quân đầu người năm 2016 đạt 31,7 triệu đồng, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên.
 
Tuy nhiên, so với tiềm năng, thế mạnh sẵn có thì tốc độ phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thị trấn Lạc Dương còn chậm. Cụ thể, đến nay, tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng mới chiếm 27,9%, dịch vụ chiếm 29,5%, nông nghiệp chiếm vẫn còn cao 42,6%. Mặt khác, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp vẫn còn thấp; cơ sở hạ tầng tuy được quan tâm đầu tư xây dựng nhưng chưa đảm bảo quy hoạch và thiếu đồng bộ nên chất lượng thấp, kém hiệu quả; kiến trúc cảnh quan đô thị chưa được quan tâm đầu tư; công tác quản lý xây dựng và trật tự đô thị còn nhiều bất cập...
 
Phân tích về nguyên nhân chính dẫn đến những tồn tại của thị trấn Lạc Dương, theo Bí thư Huyện ủy Lạc Dương - ông Trần Duy Hải: Về khách quan, thị trấn Lạc Dương được thành lập xuất phát điểm với cơ sở hạ tầng yếu kém; là vùng chủ yếu sản xuất chuyên canh cây cà phê, ngành công nghiệp chế biến kém phát triển nên cơ cấu kinh tế, lao động và dân cư vẫn chủ yếu dựa vào nông nghiệp; thương mại - dịch vụ mang tính chất tự phát, nhỏ lẻ, chưa khai thác hết tiềm năng để phát triển du lịch, dịch vụ. Các công trình, dự án lớn chưa nhiều và tốc độ triển khai còn chậm. Về nguyên nhân chủ quan, trong một thời gian dài thị trấn Lạc Dương chưa được sự quan tâm đầu tư đúng mức của huyện; việc định hướng về phát triển đô thị chưa rõ ràng; nhận thức của cán bộ và nhân dân về phát triển đô thị, thực hiện nếp sống văn minh đô thị chưa cao. 
 
Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Lạc Dương đang tập trung phát huy những kết quả đạt được những năm vừa qua, quyết tâm vượt qua những khó khăn thách thức, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh thu hút đầu tư, huy động tốt các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị tạo điều kiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thị trấn Lạc Dương theo hướng du lịch, dịch vụ và phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Gắn việc phát triển thị trấn Lạc Dương với xây dựng và phát triển các xã lân cận để đảm bảo phát triển toàn diện và vững chắc đưa thị trấn Lạc Dương thực sự trở thành trung tâm chính trị - hành chính, trung tâm du lịch văn hóa dân tộc bản địa, trung tâm nông nghiệp công nghệ cao của huyện, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện Lạc Dương và tỉnh Lâm Đồng. Đến năm 2020 duy trì và nâng cao các tiêu chí của đô thị loại V tạo tiền đề phấn đấu đến năm 2030 hội đủ các điều kiện của đô thị loại IV theo quy định.
 
Trên cơ sở Nghị quyết số 09 của Huyện ủy, giải pháp nhiệm vụ trọng tâm được Huyện ủy chỉ đạo đó là: Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật cho toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện nhằm nâng cao nhận thức về đô thị và phát triển đô thị để mọi người hiểu, tự giác chấp hành đồng thời có trách nhiệm giám sát việc tổ chức thực hiện. 
 
Tập trung triển khai thực hiện tốt Quy hoạch sử dụng đất và kế hoạch sử dụng đất hàng năm đảm bảo theo quy định; trong đó, sử dụng và khai thác hiệu quả diện tích đất nông nghiệp trên cơ sở quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh rau, hoa, dâu tây, cà phê, cây dược liệu theo hướng ứng dụng công nghệ cao, phấn đấu đến năm 2020 trên địa bàn thị trấn Lạc Dương có trên 200 ha rau, hoa, giá trị sản phẩm đạt từ 1 tỷ đồng/ha/năm trở lên...
 
Hợp tác, liên kết với thành phố Đà Lạt và các địa phương lân cận xây dựng Lạc Dương trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn với các loại hình và sản phẩm du lịch đa dạng như: du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa, du lịch nông nghiệp, du lịch thể thao, du lịch hội nghị, hội thảo... Tập trung xây dựng, phát triển các làng nghề truyền thống đồng bào dân tộc thiểu số hiện có như dệt thổ cẩm, rượu cần Lang Biang; nâng cao chất lượng phục vụ và đổi mới nội dung sinh hoạt tại các câu lạc bộ cồng chiêng trên tinh thần khai thác hiệu quả kho tàng văn hóa dân tộc bản địa để thu hút ngày càng nhiều khách du lịch đến địa phương. 
 
Giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, đồng thời đẩy lùi các hủ tục lạc hậu trong cộng đồng người dân tộc thiểu số; xây dựng đồng bộ các thiết chế văn hóa, thể thao đáp ứng ngày càng cao nhu cầu sinh hoạt của người dân; duy trì và nâng cao chất lượng thực hiện thị trấn Lạc Dương đạt chuẩn văn minh đô thị.
 
NGUYỆT THU