"Mỗi lần Quốc ca vang lên, không riêng gì tôi mà mọi người đều có cùng tâm trạng là trỗi dậy lòng tự hào dân tộc và càng thêm yêu Tổ quốc Việt Nam" - ông Nguyễn Hữu Thái, Bí thư Chi bộ thôn Đồng Lạc 4 (xã Đinh Lạc, huyện Di Linh) chia sẻ với mọi người như vậy, khi ông phát biểu tại một cuộc họp ở thôn.
“Mỗi lần Quốc ca vang lên, không riêng gì tôi mà mọi người đều có cùng tâm trạng là trỗi dậy lòng tự hào dân tộc và càng thêm yêu Tổ quốc Việt Nam” - ông Nguyễn Hữu Thái, Bí thư Chi bộ thôn Đồng Lạc 4 (xã Đinh Lạc, huyện Di Linh) chia sẻ với mọi người như vậy, khi ông phát biểu tại một cuộc họp ở thôn.
|
Chào cờ ở thôn Đồng Lạc 4 (xã Đinh Lạc, huyện Di Linh). Ảnh: X.Long |
Cũng theo ông Thái, chính từ ý nghĩa nói trên, nên từ khi thôn Đồng Lạc 4 triển khai chào cờ tại hội trường thôn vào sáng thứ hai đầu tháng, việc duy trì rất đều đặn vì cán bộ, đảng viên và nhân dân ai ai cũng đồng thuận. Và cũng theo ông, việc tổ chức chào cờ cần phải thực hiện trang nghiêm, đúng giờ. Để thu hút ngày càng đông, thì trước hết cán bộ, đảng viên phải gương mẫu tham gia; nội dung sinh hoạt dưới cờ phải thiết thực và được chuẩn bị chu đáo.
Còn ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Bí thư Đảng ủy thị trấn Di Linh, cho chúng tôi biết: “Thị trấn Di Linh có 37 chi bộ; trong đó, có 23 chi bộ tổ dân phố. Kể từ khi triển khai đồng loạt chào cờ vào sáng thứ hai đầu tháng, tất cả 23 tổ dân phố duy trì đều đặn và trở thành ý thức tự giác của mỗi người. Điều này chứng tỏ, việc tổ chức chào cờ và tham gia chào cờ là thiêng liêng, cao đẹp, rất có ý nghĩa”…
Huyện Di Linh có tất cả 207 thôn, tổ dân phố. Đến nay, toàn huyện đã có 175 thôn, tổ dân phố triển khai và duy trì đều đặn việc chào cờ vào sáng thứ hai đầu tháng. Ông Hà Văn Duyên, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Di Linh, cho chúng tôi biết: “Việc tổ chức các buổi lễ chào cờ, các thôn và tổ dân phố thực hiện theo đúng quy định, hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Huyện ủy; tạo nên không khí và tinh thần làm việc phấn chấn vào mỗi sáng thứ hai đầu tháng. Nội dung sinh hoạt sau lễ chào cờ cũng được Đảng ủy các xã, thị trấn triển khai theo hướng dẫn”.
Sau phần nghi lễ chào cờ và hát Quốc ca, mỗi thôn, tổ dân phố lựa chọn một cán bộ, đảng viên trình bày một câu chuyện kể về tấm gương đạo đức của Bác. Sau mỗi câu chuyện kể về Bác, các thôn và tổ dân phố liên hệ tình hình thực tế ở địa phương để học tập, nâng cao nhận thức; đồng thời, rút kinh nghiệm để phát huy những mặt tốt và khắc phục những yếu kém, tồn tại. Một số chi bộ, ban nhân dân thôn và các đoàn thể quần chúng, sau khi chào cờ, còn lồng ghép việc hội ý hoặc triển khai nhanh công việc cần thiết hoặc phổ biến ngắn gọn những thông tin có liên quan trực tiếp đến địa phương hoặc bàn bạc, giải quyết nhanh, kịp thời vấn đề “nổi cộm” mới phát sinh… Ngoài ra, một số chi bộ thôn, tổ dân phố còn chọn ngày thứ hai đầu tháng để chào cờ; sau đó, tổ chức sinh hoạt định kỳ hàng tháng. Việc kết hợp “hai trong một” này là điều rất tiện lợi để đảng viên tham gia chào cờ và dự sinh hoạt chi bộ định kỳ đầy đủ hơn.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, trước đó, Huyện ủy Di Linh đã triển khai tốt việc chào cờ và sinh hoạt dưới cờ vào sáng thứ hai đầu tuần và đầu tháng tại các cơ quan, đơn vị cấp huyện và cấp xã, thị trấn. Còn đối với cấp thôn, Ban Thường vụ Huyện ủy Di Linh bắt đầu tổ chức triển khai từ khi có Hướng dẫn số 04 - HD/TG, ngày 9/11/2015, của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng về “Tổ chức chào cờ và sinh hoạt dưới cờ sáng thứ hai hàng tháng tại các thôn, tổ dân phố”.
Ban Thường vụ Huyện ủy Di Linh đã giao cho Ban Tuyên giáo Huyện ủy triển khai hướng dẫn các thôn, tổ dân phố về cách thức, nội dung, các bước triển khai chào cờ và sinh hoạt dưới cờ vào sáng thứ hai đầu tháng. Xác định đây là việc làm có ý nghĩa thiết thực, nhằm thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 03 - CT/TW, nay là Chỉ thị 05 - CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, nên huyện Di Linh đã tập trung triển khai một cách tích cực, đồng bộ.
Từ quý 1 năm 2016, Huyện ủy đã chọn Đảng ủy thị trấn Di Linh và Đảng ủy xã Hòa Ninh làm thí điểm triển khai chào cờ đồng loạt tại tất cả các thôn, tổ dân phố. Đối với Đảng ủy các xã còn lại, mỗi xã chọn từ 1 đến 2 thôn để triển khai thí điểm. Đến quý 2 năm 2016, tất cả các thôn đều triển khai đồng loạt.
Để việc chào cờ và sinh hoạt dưới cờ tại các thôn, tổ dân phố triển khai có hiệu quả, hàng tháng, Ban Tuyên giáo Huyện ủy xây dựng kế hoạch để hướng dẫn và định hướng nội dung sinh hoạt dưới cờ là những câu chuyện kể về tấm gương đạo đức của Bác, các bản tổng hợp thông tin về tình hình địa phương, dư luận xã hội để cung cấp cho Đảng ủy các xã, thị trấn làm tài liệu sinh hoạt dưới cờ tại các thôn, tổ dân phố.
Để việc chào cờ và sinh hoạt dưới cờ duy trì thường xuyên, đi vào nền nếp và tránh hình thức, Ban Thường vụ Huyện ủy Di Linh đã phân công các Huyện ủy viên phụ trách địa bàn xã phải chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, giám sát và trực tiếp tham gia cùng với các thôn, tổ dân phố. Vào sáng thứ hai đầu tháng, Thường trực Huyện ủy Di Linh còn thành lập các Tổ kiểm tra, trực tiếp xuống cơ sở kiểm tra, giám sát và tham gia chào cờ cùng với các thôn, tổ dân phố. Qua đó, Thường trực Huyện ủy theo dõi, nắm bắt tình hình để đôn đốc, chỉ đạo việc chào cờ và sinh hoạt dưới cờ.
Theo ghi nhận của chúng tôi, trong quá trình tổ chức thí điểm và nhân rộng, việc chào cờ và sinh hoạt dưới cờ ở các thôn và tổ dân phố tại huyện Di Linh đã được đông đảo đảng viên, cán bộ thôn, các già làng và nhân dân đồng tình, số lượng tham gia ngày càng đông dần. “Từ thực tế cho thấy, việc tổ chức chào cờ và sinh hoạt dưới cờ vào sáng thứ hai đầu tháng ở cấp thôn là hết sức cần thiết; qua đó, tạo sức lan tỏa trong xã hội, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân. Việc chào cờ còn có ý nghĩa thiêng liêng là giáo dục, nâng cao tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc; đồng thời, nhắc nhở mọi người tinh thần phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân” - ông K’Kẩu, Phó Bí thư Đảng ủy xã Hòa Bắc, khẳng định và chia sẻ với chúng tôi.
XUÂN LONG