Cô "Nga chi bộ" và Buôn Chuối ấm no

09:06, 28/06/2017

Biết tên từng đứa nhỏ trong thôn, những Rơ Ông Ha Tung, K' Lê, nhớ chúng học lớp mấy, trường nào; nhớ diện tích đất của từng hộ trong thôn, nhà Rơ Ông Ha Tẻh trồng cây gì, nhà K' Glưng nuôi con gì; nhớ các già làng trong thôn bao nhiêu tuổi, được hỗ trợ như thế nào… 

Biết tên từng đứa nhỏ trong thôn, những Rơ Ông Ha Tung, K’ Lê, nhớ chúng học lớp mấy, trường nào; nhớ diện tích đất của từng hộ trong thôn, nhà Rơ Ông Ha Tẻh trồng cây gì, nhà K’ Glưng nuôi con gì; nhớ các già làng trong thôn bao nhiêu tuổi, được hỗ trợ như thế nào… Đó là một phần trong công việc hàng ngày của người phụ nữ có cái tên rất đẹp - Huỳnh Thị Tố Nga, ở thôn Buôn Chuối, xã Mê Linh, huyện Lâm Hà.  
 
Từng kinh qua đủ các vị trí, từ dân số, công tác phụ nữ, khuyến nông, phó thôn và 10 năm nay, cô “Nga chi bộ” là tên mọi người gọi người phụ nữ đầy nhiệt tình này.
 
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Tiến (thứ hai, phải qua) thăm vườn hoa đồng tiền của cô Nga. Ảnh: D.Quỳnh
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Tiến (thứ hai, phải qua) thăm vườn hoa đồng tiền của cô Nga. Ảnh: D.Quỳnh
Người phụ nữ “nhập cư” và cái giếng nước của già làng K’ Tôn Ha Choòng
 
Lần theo trí nhớ, già làng K’ Tôn Ha Choòng, một trong hai người già nhất thôn Buôn Chuối kể lại về lịch sử mảnh đất quê. Ở tuổi 87, già làng đã trải qua bao thăng trầm, cùng với thăng trầm của cái buôn K’Ho nhỏ này. Sinh ra ở đây, lớn lên đất này, già và bà con trong buôn đã từng bị “dồn dân lập ấp” thời Mỹ - Nguỵ, rời cái nhà, cái rẫy ông bà để lại. Ra đi rồi lại trở về, đất nước hòa bình, già và bà con lại lục tục trở về buôn cũ, nhận lại cái vườn, nền nhà. Những ngày tháng ấy, Buôn Chuối nghèo, cái đói lẩn khuất trên từng bếp lửa, trên mỗi gương mặt của đám trẻ trong thôn. Cả thôn không có một cái giếng nước nào, ăn uống, tắm giặt gì cũng múc nước từ cái bầu nước đầu thôn, các bệnh ghẻ lở, đau bụng thường xuyên xảy ra, nhất là với đám trẻ. 
 
“Ấy, giếng nước của già là cái giếng đầu tiên trong thôn, cô Nga lên vận động già đào giếng, lại tặng già cái cổ giếng với sân giếng. Giờ cả nhà vẫn xài cái giếng đó đó”, câu chuyện của chúng tôi với già làng Ha Choòng quay lại với chuyện cô Nga. Có thể nói, cái giếng của già làng Ha Choòng đã mở đầu mối duyên của người phụ nữ miền biển với xứ núi cao nguyên.
 
Vốn là thợ điện xe ô tô của Nhà máy đại tu ô tô Khánh Hòa, những lần theo đoàn xe rong ruổi lên những con đèo Lâm Đồng thử xe, cô Huỳnh Thị Tố Nga mê mẩn những vầng đất màu mỡ cao nguyên. Vậy là khi nhà máy giải thể, năm 1998, cô Nga rời phố biển Nha Trang, lên Mê Linh mua đất với mục tiêu làm kinh tế trang trại. Cô kể lại, bầu nước của cả thôn nằm ngay dưới dốc chân trang trại, thấy đám trẻ con ghẻ lở thường xuyên, tắm giặt ăn uống, thậm chí trâu bò cũng đều dùng nước từ hộc, cô suy nghĩ tới việc cần giúp bà con làm quen với nước giếng hợp vệ sinh. Vậy là cô tìm đến già làng K’ Tôn Ha Choòng, hỏi già có biết làm giếng không và tặng già cái cổ giếng cùng với sân giếng. Thế là một già, một trẻ, một Kinh, một K’Ho đã hợp sức để cho ra đời chiếc giếng đầu tiên của thôn Buôn Chuối. Chiếc giếng thứ hai chính là chiếc giếng của nhà cô Nga, dùng để mọi người trong thôn tới lấy nước về xài. Dùng nước sạch, thấy được hiệu quả từ giếng, bà con trong thôn, từ nhiều nguồn đã tự đào giếng cho gia đình. Giờ, Buôn Chuối đã “giếng hóa”, nhắc tới cảnh cũ buổi chiều cả đám con nít xuống hộc tắm bên cạnh những bà mẹ múc nước nấu cơm, trẻ con trong thôn nghe như chuyện cổ tích.
 
Chỉ từ cái giếng của già Ha Choòng, từ ánh mắt thơ ngây của đám trẻ gầy gò, cô Nga đã trở thành “người vác tù và hàng tổng”, không đơn thuần làm nông dân như mục tiêu ban đầu.
 
Cô Nga trong vườn mát mát cùng bà con. Ảnh: D.Quỳnh
Cô Nga trong vườn mát mát cùng bà con. Ảnh: D.Quỳnh
Vào Đảng chỉ để phục vụ bà con
 
Trở thành nông dân thôn Buôn Chuối, mới vừa bén rễ trên đất mới, xã Mê Linh đã động viên cô Nga tham gia công tác xã hội. Từ làm hội phụ nữ, cán bộ khuyến nông, phó thôn Buôn Chuối…, ở vai trò nào, tính cách năng nổ, nhiệt tình của người phụ nữ xứ biển cũng thu hút được mọi người. 
 
“Năm 2002 tôi là phó thôn, phải nói Buôn Chuối nghèo ghê lắm, thanh niên trong thôn ít chịu phấn đấu. Tôi đã cùng đoàn thanh niên động viên, hướng dẫn các em, các cháu đi học. Từ đó tới giờ đã có 7 thanh niên Buôn Chuối đi học trung cấp nông nghiệp, các em đều phát triển tốt cả, có 2 em đã trở thành đảng viên do chính tay tôi dìu dắt” - cô Nga chia sẻ.
 
Điều lạ là cô Nga tới khi rời cuộc đời công nhân vẫn chưa phải đảng viên. Vui vẻ trong vai trò một người công nhân, rồi trở thành nông dân, cô làm mọi việc bằng sự say mê đơn giản. Tới năm 2005, cô bảo, Bí thư Đảng ủy xã có chia sẻ, cô nên phấn đấu vào Đảng để phục vụ bà con tốt hơn. Nghĩ ngợi chán, cô Nga xác định tinh thần và ở tuổi 42, nông dân Huỳnh Thị Tố Nga trở thành đảng viên Đảng Cộng sản, sinh hoạt tại chi bộ ghép thôn 8 và thôn Buôn Chuối. Năm 2007, cô trở thành Bí thư chi bộ từ đó tới nay, với chi bộ Buôn Chuối độc lập. Cô cười: “Người khác vào Đảng ra sao tôi không rõ chứ tôi vào Đảng chỉ với mục tiêu phục vụ bà con”. Quả thật, trở thành đảng viên, nắm được chủ trương của Đảng, cô Nga thực sự có “bệ đỡ” đồng hành trong việc phục vụ cộng đồng.
 
Với thôn Buôn Chuối, đầu tiên và quan trọng nhất vẫn là chuyện thoát nghèo. Vì vậy, với tư cách một người nông dân sản xuất giỏi, cô Nga cũng là đầu tàu hướng dẫn bà con trong việc sản xuất lúa, cà phê, chanh dây… xóa đói giảm nghèo. Đầu tiên là lo cho cái bụng của bà con. 100 hộ dân tộc K’Ho Buôn Chuối có trên 11 ha lúa nước ven khe suối, chia mỗi hộ canh tác cũng đủ thóc ăn quanh năm. Nhưng trước đây, lúa được trồng theo kiểu bỏ thí, lên bao nhiêu thì lên, phân bón do nhà nước cấp đem đổi thành rượu, đồ ăn nên cái đói vụ nọ chồng lên vụ kia. Cô Nga kiên quyết yêu cầu bà con không được bán phân, phải dùng phân bón để bón cho lúa theo đúng kỹ thuật. 
 
Bà K’Glưng cười: “Nhà tôi có gần 1,5 sào, trồng lúa được 20 bao to, nhà không phải mua gạo ăn. Cô Nga họp bà con, yêu cầu không được bán phân, ai bán phân sẽ không cấp phân bón nữa nên giờ cả thôn ai cũng đủ gạo ăn, không còn đói nữa”. 
 
Đủ ăn, giờ phải nghĩ tới chuyện thoát nghèo. Cô Nga tìm hiểu, thấy trồng cây chanh dây cho kinh tế khá, kỹ thuật và mức đầu tư phù hợp với bà con. Vậy là cô về động viên bà con tái canh cà phê, chặt bỏ những gốc cà phê già cỗi để trồng lại cây mới. Cây chanh dây trồng thành dàn ngay trên diện tích cà phê, trong thời gian chờ cà phê kết trái, chanh dây cho quả là gia đình có thu nhập, đồng thời cà phê có cây che bóng. Quả thật, ngắm vườn chanh dây lúc lỉu, phủ trái trên những gốc cà phê xanh tốt mới thấy tâm huyết của người bí thư chi bộ. Giống chanh dây Úc trái ngọt, vỏ dày giá cao này cũng do cô Nga tìm mua cho bà con. Khi có trái cô tìm mối bán, có sâu bệnh gì là có mặt ngay để hướng dẫn xử lý. 
 
Ngoài trồng trọt trong gia đình, bà con Buôn Chuối còn có việc làm từ các công ty đóng trên địa bàn. Cô Nga bảo, thôn có 7 trại heo, 2 công ty nông nghiệp thường xuyên cần công nhân. Và cô cùng ông trưởng thôn gần như thành “điều phối viên lao động”, mỗi khi công ty cần người là gọi, cô nắm được ai bận rộn, ai rảnh rang để “điều quân” cho công ty. Thường xuyên mỗi ngày, công ty cần từ 50 - 70 lao động và luôn ưu tiên người Buôn Chuối. 
 
Có đất, có việc làm, Buôn Chuối giờ hết đói. Và cũng giống chuyện làm giếng, cô Nga tìm mọi nguồn hỗ trợ dù nhỏ nhất để xây nhà nên hiện giờ, cả Buôn Chuối không còn nhà tạm, 100% bà con ở trong những ngôi nhà xây sạch sẽ, an toàn. Cô Nga khoe, năm 2017 có 10 hộ ký cam kết xóa nghèo, niềm vui rất lớn của cô và của toàn thôn.
 
Để có được như ngày hôm nay, cô Nga chia sẻ, mình phải là người trong cuộc. Bà con người dân tộc có nhiều phong tục tập quán riêng, phải tìm hiểu để biết tính cách, tâm tư mới dễ làm công tác tuyên truyền. Cô cũng phối hợp chặt chẽ với các chức sắc tôn giáo để vận động bà con giảm uống rượu chăm lao động, giảm hủ tục, ăn ở vệ sinh… Cũng bởi vậy, già làng coi cô như con cháu trong nhà, bà con trong thôn coi cô như người trong họ. Bản thân cô Nga cũng là nông dân sản xuất giỏi với 2 sào nhà kính trồng hoa đồng tiền, trồng thêm bơ và đương quy, thu nhập mỗi năm cũng được 300 triệu đồng. Cô bảo, muốn bà con trồng cây gì tôi sẽ trồng trước, nếu tốt sẽ chuyển giao kỹ thuật cho bà con. Mình thiệt hại thì không sao chứ với bà con là rất ảnh hưởng, phải cẩn thận. 
 
Chị Phạm Thị Phúc - Bí thư Huyện ủy Lâm Hà cũng rất yêu mến người bí thư chi bộ thôn. Chị bảo, cô Nga là một bí thư rất tâm huyết, một đảng viên xuất sắc, một nhân tố không thể thiếu trong sự vươn lên của Buôn Chuối hôm nay. 
 
Rời mảnh đất Buôn Chuối, chúng tôi giữ mãi hình ảnh người phụ nữ xông xáo, nhiệt tình, nhớ cái cầm tay thân thiết của già làng Ha Choòng với cô, nhớ tiếng chào của đám trẻ với bà Nga. Người đảng viên Huỳnh Thị Tố Nga, giữa đất Buôn Chuối, thôn dân tộc đầy khó khăn của Lâm Hà, đã sống xứng đáng với vai trò của mình như tâm nguyện từ lần đầu tiên trên những nẻo đèo Tây Nguyên: “Tôi thấy đất đai ở đây đẹp quá, giàu có quá, phải sống làm sao để xứng đáng với những gì thiên nhiên trao tặng”.
 
Ghi chép DIỆP QUỲNH