Thi đua yêu nước - động lực quan trọng của sự phát triển

09:06, 09/06/2017

Trong lúc cuộc kháng chiến chống Pháp đang ở vào giai đoạn gay go, ác liệt, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra "Lời kêu gọi thi đua ái quốc", mở đầu cho các phong trào thi đua yêu nước; từ đó phát triển thành cao trào cách mạng, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cách mạng nước ta trong gần 70 năm qua. 

Trong lúc cuộc kháng chiến chống Pháp đang ở vào giai đoạn gay go, ác liệt, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, mở đầu cho các phong trào thi đua yêu nước; từ đó phát triển thành cao trào cách mạng, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cách mạng nước ta trong gần 70 năm qua. 
 
Lời kêu gọi thi đua ái quốc” được Bác viết một cách cụ thể, ngắn gọn, xúc tích nhưng hàm chứa những vấn đề cốt yếu về mục đích, phương pháp, phương châm và kết quả của phong trào thi đua yêu nước cần hướng tới. Chủ đề của lời kêu gọi đã toát lên tư tưởng: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”. 
 
Đọc lại “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, chúng ta càng nhận thức sâu sắc rằng, thi đua không được nói suông, hô hào khẩu hiệu chung chung, mà phải bằng những hành động, việc làm cụ thể, thiết thực; phải lấy việc nêu gương, tôn vinh những con người, những tập thể thực sự tiêu biểu, xuất sắc làm chính. 
 
Thực hiện lời kêu gọi của Bác Hồ, trong cuộc kháng chiến chống Pháp, phong trào thi đua yêu nước được phát triển rộng khắp, thu hút đồng bào và chiến sĩ hăng hái tham gia công cuộc kháng chiến và kiến quốc, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đáp  lời kêu gọi thiêng liêng “Không có gì quý hơn độc lập tự do” của Hồ Chủ tịch, các phong trào thi đua yêu nước diễn ra sôi nổi, mạnh mẽ trong cả nước. Ở miền Bắc, có các phong trào tiêu biểu như: “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”, “Năm xung phong”, “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”... Còn ở miền Nam, đồng bào, chiến sĩ ta đã thi đua dũng cảm đánh địch, giành nhiều thắng lợi trên mặt trận chính trị, quân sự; xuất hiện nhiều tấm gương các anh hùng, dũng sĩ diệt giặc. Qua đó, cùng với nhân dân cả nước làm nên thắng lợi vẻ vang trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
 
Từ 1975 đến nay, nhất là trong 30 năm đổi mới, phong trào thi đua tiếp tục được đẩy mạnh, mang lại hiệu quả thiết thực. Bên cạnh các phong trào chung tiêu biểu như: Xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, giúp đỡ đồng bào các địa phương bị thiên tai, hoạn nạn, phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội… còn có phong trào thi đua của các ngành, lĩnh vực. Các phong trào thi đua đã góp phần phát huy chủ nghĩa yêu nước trong thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế; làm nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, nâng cao vị thế của Việt Nam trên thế giới... Nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiêu biểu được tôn vinh, nhân rộng và có sức lan tỏa sâu rộng trong đời sống.
 
Thực tiễn mấy chục năm qua cho thấy, phong trào thi đua yêu nước đã trở thành một trong những động lực quan trọng thúc đẩy việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng đặt ra trong các giai đoạn. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Thi đua khen thưởng là động lực phát triển và là biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới. Thi đua yêu nước phải được tiến hành thường xuyên, liên tục hàng ngày”. Chính phong trào thi đua yêu nước đã kích thích, động viên mọi người cùng nhau đưa hết tài năng, sức lực nhằm đạt thành tích tốt nhất trong chiến đấu, sản xuất, công tác, học tập… Thành tựu to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc cũng như sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc luôn gắn liền và có sự đóng góp quan trọng của phong trào thi đua ái quốc. 
 
Tuy nhiên, so với yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra hiện nay, phong trào thi đua có lúc, có nơi vẫn còn nhiều bất cập; chưa đi vào thực chất, hiệu quả thấp. Nhận thức về thi đua, khen thưởng còn chưa thật đúng đắn, sâu sắc; hình thức và nội dung thi đua, khen thưởng còn chậm đổi mới, thiếu sáng tạo, nhiều khi mang tính hình thức; việc đánh giá, bình xét thi đua chưa công bằng, chính xác; khen thưởng chưa kịp thời, còn tràn lan, cào bằng… Chính những yếu kém, bất cập đã làm giảm ý nghĩa và vai trò to lớn của công tác thi đua, khen thưởng, gây phản cảm, bức xúc trong dư luận xã hội...
 
Bài học kinh nghiệm rút ra từ phong trào thi đua thời gian qua là: Cần nêu cao vai trò của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, bởi “cán bộ nào phong trào đó”; việc khen thưởng phải công bằng, kịp thời, đánh giá đúng thực chất; sự động viên, khích lệ đúng lúc sẽ tạo động lực thúc đẩy hoàn thành công việc tốt hơn; nếu chạy theo thành tích, phong trào bề nổi, mang tính hình thức thì sẽ phản tác dụng, triệt tiêu động lực phấn đấu, thậm chí làm đảo lộn thang giá trị; người làm công tác thi đua không chỉ giỏi chuyên môn nghiệp vụ, mà còn phải có lòng nhiệt tình, hăng say, sâu sát công việc và có năng lực tổ chức thực hiện; công tác thi đua - khen thưởng cần được duy trì thường xuyên, diễn ra hàng ngày...  
 
Trong bối cảnh hiện nay, để nâng cao vai trò, vị thế của phong trào thi đua yêu nước; làm cho công tác thi đua, khen thưởng thực sự là một trong những động lực quan trọng của sự phát triển, đòi hỏi các cấp, ngành, đoàn thể, các cá nhân cần phải: (1) Thấm nhuần hơn nữa tư tưởng Hồ Chí Minh về phong trào thi đua yêu nước “thi đua là ích nước lợi nhà, thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”; tiếp tục quán triệt Chỉ thị 34 - CT/TW ngày 7/4/2014 của Bộ Chính trị “về tiếp tục đổi mới công tác Thi đua khen thưởng”; Luật Thi đua - Khen thưởng và các văn bản liên quan khác; gắn thi đua - khen thưởng với thực hiện Nghị quyết TW4 (khóa XII) và Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nhằm tạo thêm động lực mới trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. (2) Tiến hành rà soát, đánh giá, kiểm điểm phong trào thi đua một cách thẳng thắn, không né tránh khuyết điểm; đề ra phương hướng, biện pháp khắc phục một cách cụ thể, thiết thực, đảm bảo “tất cả mọi khuyết điểm đều sửa chữa được”. (3) Phong trào thi đua phải được duy trì thường xuyên, liên tục, diễn ra hàng ngày; xác định rõ chủ đề, mục đích, ý nghĩa, nội dung, tiêu chí, hình thức, phương pháp và có định hướng thiết thực, cụ thể... (4) Việc bình xét các danh hiệu thi đua và đề nghị các hình thức khen thưởng bảo đảm nguyên tắc công khai, công bằng, dân chủ; coi trọng chất lượng, không chạy theo số lượng; đảm bảo tính kịp thời để động viên, khích lệ phong trào. (5) Coi trọng hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát và giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc; biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến; sơ kết, tổng kết đúc kết kinh nghiệm, phổ biến, nhân rộng trong nhân dân. (6) Quan tâm xây dựng bộ máy, cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng; tuyển chọn cán bộ, công chức có đủ phẩm chất năng lực, kinh nghiệm thực tiễn, có lòng nhiệt tình, trách nhiệm, có năng lực tổ chức phong trào. 
 
 Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước thường xuyên, sâu rộng, đi vào thực chất sẽ động viên, lôi cuốn, khích lệ mọi người nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; từ đó tạo ra động lực mới cho sự phát triển nhanh, bền vững của địa phương, đất nước. 
 
NGUYỄN VĂN HƯƠNG