Bác Hồ với công tác thương binh - liệt sĩ

10:07, 21/07/2017

(LĐ online) - Tháng 6/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị chọn một ngày trong năm làm "Ngày thương binh" để nhân dân ta có dịp tỏ lòng hiếu nghĩa, yêu mến thương binh, gia đình liệt sĩ và những người có công với đất nước. Thực hiện lời dạy và làm theo "Di chúc" của Người về đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", các thế hệ người Việt Nam luôn thấm nhuần và phát huy đạo lý ấy.

(LĐ online) - Tháng 6/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị chọn một ngày trong năm làm “Ngày thương binh” để nhân dân ta có dịp tỏ lòng hiếu nghĩa, yêu mến thương binh, gia đình liệt sĩ và những người có công với đất nước. Thực hiện lời dạy và làm theo “Di chúc” của Người về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, các thế hệ người Việt Nam luôn thấm nhuần và phát huy đạo lý ấy.
 
Tư tưởng của Bác đối với thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với nước
 
Lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, thế kỷ XX đã đánh dấu những mốc son chói lọi là nhân dân ta đã đánh thắng hai tên thực dân đế quốc hung hãn, tàn bạo nhất là Pháp và Mỹ để giành thắng lợi trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Trong cuộc chiến đấu ấy, quân và dân ta đã đổ biết bao máu xương, nhiều người con ưu tú đã hy sinh, hoặc để mất một phần thân thể cho độc lập, tự do của dân tộc. Tổ quốc, nhân dân ta đời đời ghi nhớ công lao của các liệt sĩ, thương binh ấy.
 
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất đề cao giá trị nhân văn về sự hy sinh của các liệt sĩ, các thương binh đối với dân tộc, với đất nước; vì vậy Người đặc biệt quan tâm chăm lo công tác này. Có thể nói, tình cảm của Bác Hồ đối với thương binh, liệt sĩ thật vô bờ bến. Người nói: “máu đào của các liệt sĩ đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói, sự hy sinh của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn liệt sĩ”. Từ đó, Người yêu cầu: “Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân, gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận chúng ta là phải biết ơn, phải yêu thương và giúp đỡ họ”.
 
Hồ Chí Minh luôn khẳng định công lao to lớn của các thương binh, liệt sĩ và người có công với đất nước. Năm 1946, khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa mới ra đời, với bao công việc bộn bề nhưng Người đã gửi thư tới đồng bào Nam bộ, trong thư có đoạn viết: “Tôi kính cẩn cúi chào vong linh các anh chị em đã bỏ thân vì nước và các đồng bào đã hy sinh trong cuộc đấu tranh cho nước nhà. Sự hy sinh đó không phải là uổng”. Tiếp sau đó, trong Thư gửi đồng bào Việt Nam, Người lại viết: “Tôi nghiêng mình trước anh hồn những chiến sĩ và đồng bào Việt Nam đã vì Tổ quốc mà hy sinh anh dũng”. Tháng 11/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra thông báo nhận con các liệt sĩ làm con nuôi: "vì muốn thay mặt Tổ quốc, toàn thể đồng bào và Chính phủ cảm ơn những chiến sĩ đã hy sinh tính mệnh cho nền tự do, độc lập và thống nhất của nước nhà, hoặc là trong thời kỳ cách mệnh, hoặc trong thời kỳ kháng chiến. Tôi gửi lời chào thân ái cho các gia đình các liệt sĩ đó và tôi nhận các con liệt sĩ làm con nuôi của tôi”. 
 
Ngày 16/2/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 20 về chế độ “Hưu bổng, thương tật và tiền tuất cho thân nhân tử sĩ”. Đây là văn bản đầu tiên của Đảng và Nhà nước ta về chế độ, chính sách đối với thương binh, thân nhân liệt sĩ. Tiếp đó, ngày 19/7/1947, Hội đồng Chính phủ quyết định thành lập Bộ Thương binh, cựu binh (nay là Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội). Ngày 3/10/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Sắc lệnh số 101 về thành lập Sở, Ty thương binh, cựu binh ở khu, tỉnh. 
 
Đặc biệt tháng 6/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị chọn một ngày trong năm làm ngày thương binh toàn quốc để nhân dân có dịp tỏ lòng biết ơn, yêu mến thương binh. Thực hiện chỉ thị của Người, một hội nghị các cơ quan, các ngành ở Trung ương, khu và tỉnh Thái Nguyên đã họp và nhất trí lấy ngày 27/7 hàng năm làm ngày “Thương binh toàn quốc”; là dịp để đồng bào ta tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái thương binh.
 
Từ đó, hàng năm cứ đến ngày “Thương binh - Liệt sĩ”, Bác đều gửi thư thăm hỏi tới thương binh, gia đình liệt sĩ, dành thời gian nhiều lần đến thăm anh em thương binh tại các trại điều dưỡng, bệnh viện hoặc đón tiếp họ tại nơi ở và làm việc của Người, đồng thời nhắc nhở các cán bộ phụ trách chăm sóc chu đáo các thương bệnh binh và gia đình liệt sĩ. Cùng với những lời thăm hỏi động viên tinh thần, Bác còn “…xin xung phong gửi một chiếc áo lót lụa mà chị em phụ nữ đã biếu tôi, một tháng lương của tôi, một bữa ăn của tôi và của các nhân viên tại Phủ Chủ tịch, cộng là một nghìn một trăm hai mươi bảy đồng (1.127,00)”. Những món quà vật chất, tinh thần ấy đã khích lệ, tiếp thêm nhiều nghị lực cho các đồng chí thương binh.
 
Cùng với việc kêu gọi, yêu cầu trách nhiệm của toàn xã hội đối với anh em thương binh, gia đình liệt sĩ, Người cũng nhắc nhở anh em thương binh về trách nhiệm với xã hội: “Các chú là những chiến sĩ đã được quân đội nhân dân rèn luyện về đạo đức và kỷ luật cách mạng, là những người con đã hy sinh một phần xương máu để bảo vệ nước nhà. Vậy các chú cần phải giữ vững truyền thống tốt đẹp và vẻ vang của quân đội cách mạng là: giữ gìn kỷ luật đoàn kết chặt chẽ, thật sự đoàn kết thương yêu giữa anh em thương binh với nhau; giữa thương, bệnh binh với cán bộ và nhân viên giúp việc ở trại, giữa thương bệnh binh với đồng bào xung quanh, mỗi thương, bệnh binh cần tự giác, hoà mình với nhân dân, tôn trọng nhân dân tránh phiền nhiễu nhân dân, tránh tâm lý công thần coi thường lao động, coi thường kỷ luật, chớ bi quan chán nản, phải luôn luôn cố gắng...".
 
Trước lúc đi xa, trong Di chúc thiêng liêng, Bác Hồ đã căn dặn biết bao điều hệ trọng về công tác Thương binh - Xã hội: Đầu tiên là công việc với con người. Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong...), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách giúp cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp đối với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”. Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi lại sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta. Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ), người có công với nước mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công ăn việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói rét.
 
Thực hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn"
 
Theo thống kê của Cục Người có công, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đến nay cả nước có hơn 8,8 triệu người có công với cách mạng, chiếm gần 10% dân số. Hơn 1,4 triệu người có công bao gồm 12 đối tượng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng với ngân sách hơn 30.000 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, còn thực hiện chế độ trợ cấp ưu đãi với hàng chục nghìn thanh niên xung phong. Người có công với cách mạng còn được hưởng các chính sách ưu đãi, như trợ cấp một lần hoặc trợ cấp hằng tháng, chế độ bảo hiểm y tế, điều dưỡng phục hồi sức khỏe; ưu đãi trong giáo dục, đào tạo, vay vốn sản xuất; hỗ trợ cải thiện nhà ở... Hiện nay, hầu hết các gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú.

Với đạo lý và truyền thống tốt đẹp của dân tộc, thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Bác Hồ, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn trân trọng, ghi nhớ công ơn và làm nhiều việc tốt để tỏ lòng biết ơn thương binh, gia đình liệt sĩ và những người có công với nước; hàng nghìn văn bản của Đảng, Nhà nước ta về thương binh, liệt sỹ, người có công với nước đã được ban hành; chính sách ưu đãi người có công với cách mạng ngày càng được hoàn thiện, từng bước đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của các đối tượng. Số người hưởng chính sách ưu đãi được mở rộng, đúng đối tượng, đúng chính sách đã có tác dụng khích lệ, động viên to lớn. Cùng với đó, sự nỗ lực vươn lên của chính cá nhân thương binh, bệnh binh, người có công càng có ý nghĩa giáo dục sâu sắc, trở thành tấm gương tiêu biểu cho các đối tượng, thế hệ khác noi theo.

 
Phong trào toàn dân chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ đã phát triển rộng khắp; hầu hết các địa phương, đơn vị đều quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, động viên cả cộng đồng tham gia chăm sóc, giúp đỡ người có công. Nhiều chương trình tình nghĩa như: xây  nhà tình nghĩa, Qũy đền ơn đáp nghĩa, Sổ tiết kiệm tình nghĩa, chăm sóc thương binh nặng, chăm sóc bố mẹ liệt sỹ, nuôi dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng… đã thực sự mang lại những kết quả to lớn.
 
Bên cạnh đó, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ cũng được đẩy mạnh; giám định 302 mẫu sinh phẩm của liệt sĩ và 412 mẫu sinh phẩm của thân nhân, có kết quả được 153 trường hợp và kết quả đúng là 68 (44%); xác định danh tính 1.831 hài cốt liệt sĩ tại nghĩa trang Việt - Lào thông qua giám định mẫu sinh phẩm... Công tác xây dựng, tu bổ nghĩa trang, công trình tưởng niệm liệt sĩ cũng được chú trọng; cả nước hiện có 9.637 công trình ghi công liệt sĩ,nhiều công trình trở thành công trình văn hóa, có giá trị về mỹ thuật, giáo dục truyền thống.
 
70 năm đã trôi qua kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị chọn “Ngày thương binh”, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã, đang và sẽ tiếp tục nỗ lực thực hiện tư tưởng của Người; gắng sức đền ơn, đáp nghĩa những người có công với nước. Các chủ trương, chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước về chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công đã phát huy cao độ truyền thống “uống nước nhớ nguồn” - truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, tiếp thêm ngọn lửa của tình đoàn kết và lòng yêu nước trong các thế hệ con người Việt Nam. Những câu nói, bài viết của Bác đã và sẽ mãi mãi là phương châm hành động, lẽ sống của thương binh, gia đình liệt sỹ, định hướng cho các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa” của nhân dân ta.
 
KHÁNH LINH