Cán bộ tuyên giáo bám sát thực tiễn, gắn bó với nhân dân

08:07, 27/07/2017

Là một bộ phận quan trọng trong hoạt động của Đảng, Tuyên giáo là lĩnh vực trọng yếu để xây dựng, bồi đắp nền tảng chính trị của chế độ; tuyên tryền, giáo dục, động viên và tổ chức nhân dân thực hiện các nhiệm vụ chính trị...

Là một bộ phận quan trọng trong hoạt động của Đảng, Tuyên giáo là lĩnh vực trọng yếu để xây dựng, bồi đắp nền tảng chính trị của chế độ; tuyên tryền, giáo dục, động viên và tổ chức nhân dân thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Trải qua 87 năm được tôi luyện trong phong trào cách mạng, những người làm công tác Tuyên giáo của Đảng không ngừng trưởng thành. Được Đảng quan tâm đào tạo, giáo dục và rèn luyện, một trong những phẩm chất không thể thiếu của cán bộ Tuyên giáo là bám sát thực tiễn, gắn bó với nhân dân. 
 
Về sự gắn bó mật thiết với nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm nhân dân là nguồn gốc của mọi sức mạnh. Người viết: “... Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. “Cách mệnh là việc chung cả dân chúng chứ không phải việc một hai người”.
 
Trong 87 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác Tuyên giáo luôn xuất phát từ yêu cầu của đời sống, phục vụ nhiệm vụ chính trị, gắn liền với nhiệm vụ chính trị. Cán bộ Tuyên giáo phải đi sâu, đi sát thực tế để kịp thời giải đáp những vấn đề phát sinh, đặt ra trong thực tiễn. Không thể xa rời mà phải hòa đồng, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, người làm công tác Tuyên giáo mới nhanh nhạy phát hiện những điển hình, nhân tố và kinh nghiệm hay để tổng kết, nhân rộng, khắc phục những khuyết điểm, hạn chế; giải quyết kịp thời, có hiệu quả những nhiệm vụ chính trị cụ thể. “Mọi lý thuyết đều màu xám, chỉ cây đời là mãi mãi xanh tươi” (Goethe), gắn bó với thực tiễn, với nhân dân, công tác Tuyên giáo và người làm công tác Tuyên giáo mới khắc phục được bệnh chủ quan, duy ý chí. 
 
Để gắn bó với dân, giữ vững mối liên hệ giữa cán bộ, đảng viên và nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên, công chức nói chung cũng như người làm công tác Tuyên giáo nói riêng phải: “Nhận rõ phải, trái. Giữ gìn lập trường. Tận trung với nước. Tận hiếu với dân. Mọi việc thành hay bại, chủ chốt là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng, hay là không”. Cán bộ của Đảng, Nhà nước “cần phải xung phong, gương mẫu trong sản xuất và công tác, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, luôn luôn trau dồi đạo đức cách mạng, cần kiệm liêm chính”. Với mỗi đảng viên “bất kỳ khó khăn đến mức nào cũng kiên quyết làm đúng chính sách và nghị quyết của Đảng, làm gương mẫu cho quần chúng. Mọi đảng viên phải nâng cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, trước Đảng; phải ngăn ngừa và kiên quyết chống lại chủ nghĩa cá nhân”. “…Vô luận trong hoàn cảnh nào, người đảng viên cũng phải đặt lợi ích của Đảng lên trên hết. Nếu lợi ích của Đảng và lợi ích cá nhân mâu thuẫn với nhau, thì lợi ích cá nhân phải tuyệt đối phục tùng lợi ích Đảng”… Và đặc biệt Người căn dặn: “Cán bộ và đảng viên phải nâng cao tinh thần phụ trách trước Đảng và trước quần chúng, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Phải yêu kính nhân dân. Phải thật sự tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân. Tuyệt đối không được lên mặt “quan cách mạng” ra lệnh ra oai”… 
 
Đánh giá thành quả to lớn của 30 năm đổi mới, Đại hội XII của Đảng thẳng thắn nhìn nhận: “Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận còn bất cập, chưa làm rõ được một số vấn đề đặt ra trong quá trình đổi mới để định hướng trong thực tiễn, cung cấp cơ sở khoa học cho hoạch định đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội còn một số vấn đề cần phải tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận để tiếp tục làm rõ”. Chính vì vậy, trong giai đoạn cách mạng hiện nay, vấn đề quan trọng nhất đặt ra đối với những người làm công tác Tuyên giáo là phải bám sát Cương lĩnh, Chiến lược, đường lối, quan điểm của Đảng để nghiên cứu, tuyên truyền, đưa chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống; bám sát thực tiễn cuộc sống để tổng kết lý luận, góp phần bổ sung, phát triển chủ trương, đường lối của Đảng. Là “chiến sĩ” trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng, cán bộ Tuyên giáo tiên phong trong việc bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân, bảo vệ công cuộc đổi mới và nền văn hóa dân tộc. 
 
Xuất phát từ yêu cầu trên, công tác Tuyên giáo hiện nay cùng với việc đẩy mạnh “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” cần đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên. Đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Tăng cường đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; chủ động ngăn chặn, phản bác các thông tin, quan điểm xuyên tạc, sai trái, thù địch. Do vậy, để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, cán bộ Tuyên giáo càng phải bám sát thực tiễn và gắn bó với nhân dân.
 
LAN HỒ