Đóng góp của Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Lâm Đồng tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV

08:07, 03/07/2017

Sau một tháng làm việc khẩn trương, nghiêm túc, kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV diễn ra từ 22/5 - 21/6 đã kết thúc tốt đẹp, hoàn thành chương trình đề ra. Với tinh thần đổi mới, đoàn kết, sáng tạo, hành động, các ĐBQH đã tích cực thảo luận, tranh luận, đóng góp nhiều ý kiến trong công tác lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. 

Sau một tháng làm việc khẩn trương, nghiêm túc, kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV diễn ra từ 22/5 - 21/6 đã kết thúc tốt đẹp, hoàn thành chương trình đề ra. Với tinh thần đổi mới, đoàn kết, sáng tạo, hành động, các ĐBQH đã tích cực thảo luận, tranh luận, đóng góp nhiều ý kiến trong công tác lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. 
 
ĐBQH Nguyễn Tạo phát biểu tại hội trường
ĐBQH Nguyễn Tạo phát biểu tại hội trường
Tham gia kỳ họp, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Lâm Đồng đã dành thời gian nghiên cứu, thảo luận, chất vấn nhiều vấn đề nổi cộm được cử tri và nhân dân Lâm Đồng quan tâm. Cụ thể, trong thời gian qua, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức và phối hợp với các cơ quan, đơn vị, các chuyên gia, thành viên tổ tư vấn chính sách, pháp luật, tổ chức các buổi hội nghị, hội thảo để lấy ý kiến tham gia, góp ý đối với 12 dự án luật được xem xét thông qua tại kỳ họp. Đoàn ĐBQH Lâm Đồng đã tích cực thảo luận ở tổ và các phiên thảo luận tại hội trường. Tổng cộng, Đoàn ĐBQH Lâm Đồng đã có 27 lượt ý kiến được phát biểu, rất nhiều ý kiến đã được giải trình, tiếp thu, góp phần hoàn thiện các dự án luật. 
 
* ĐBQH Nguyễn Tạo - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Lâm Đồng (chất vấn trực tiếp Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT ngày 12/6/2017): Vấn đề cử tri hiện nay quan tâm đó là phát triển công nghệ chế biến, nhất là chế biến tinh, chế biến sâu, thực hiện các biện pháp giảm tổn thất trong các khâu thu hoạch chế biến và bảo quản. Thời gian qua, giải pháp nêu trên chưa thật sự đồng bộ hiệu quả, chưa mang tính khả thi cao, vì chưa được đầu tư và khuyến khích đầu tư đúng mức. Cử tri đặc biệt lo lắng với sự đề kháng của nông sản Việt Nam trước sự thay đổi như thời tiết của thị trường Trung Quốc và sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường nông sản trong khu vực. Với sản lượng phát triển nông sản Việt Nam thời gian qua và sắp đến, Bộ trưởng suy nghĩ gì về thực trạng này và đề ra những giải pháp gì mang tính đột phá nhằm nâng cao giá trị và chất lượng hàng hóa nông sản Việt Nam có khả năng tham gia thực sự, thiết thực và hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.
 
* ĐBQH K’Nhiễu: Cử tri và nhân dân các dân tộc tỉnh Lâm Đồng nhất trí với quan điểm chỉ đạo “huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, quyết tâm khôi phục và phát triển rừng bền vững, phấn đấu đạt và vượt mục tiêu đề ra, gắn với nâng cao đời sống của người dân các địa phương có rừng, góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội” tại kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị về các giải pháp khôi phục rừng vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016 - 2021 được Văn phòng Chính phủ nêu tại Thông báo số 191 ngày 22/7/2016. Tuy nhiên, để giải quyết đất sản xuất cho các hộ đồng bào DTTS thiếu đất sản xuất theo Quyết định 755 ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chính sách đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, tỉnh Lâm Đồng đã đề nghị được tiếp tục chuyển đổi diện tích đất rừng đã quy hoạch ngoài lâm nghiệp có nguồn gốc là rừng tự nhiên trước năm 2008. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo về vấn đề này để địa phương triển khai.
 
* ĐBQH Triệu Thế Hùng: Tại Văn bản số 4251 ngày 1/6/2016 của Văn phòng Chính phủ trả lời đề nghị của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc hưởng chính sách ưu đãi đầu tư đối với khu du lịch quốc gia và khu du lịch trọng điểm trên địa bàn tỉnh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có ý kiến: “Trường hợp 2 khu du lịch trên, Khu Du lịch hồ Tuyền Lâm và Khu Du lịch Đan Kia - Đà Lạt được Thủ tướng Chính phủ công nhận là khu du lịch quốc gia, Bộ Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn UBND tỉnh Lâm Đồng thực hiện việc miễn tiền thuê đất như đề xuất của Bộ Tài chính nêu tại Công văn số 6648 ngày 18/5/2016”. Ngày 15/2/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 205 về việc công nhận Khu Du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm. Tuy nhiên, đến nay Bộ Tài chính vẫn chưa có hướng dẫn về việc miễn tiền thuê đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp thêm 5 năm ngoài thời gian được miễn theo quy định tại điều 19 Nghị định 46 của Chính phủ. Vậy xin Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết đã thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng như thế nào. 
 
* ĐBQH Nguyễn Văn Hiển chất vấn trực tiếp Bộ trưởng Bộ Y tế: Theo phản ánh của cử tri, hiện nay việc kinh doanh thuốc đông y, thuốc cổ truyền còn rất hỗn loạn, thả nổi về giá cả và chất lượng, trong khi đó công tác quản lý còn nhiều bất cập, nhiều cơ sở kinh doanh khám chữa bệnh, bán thuốc không phép, 80 - 85% thuốc nhập khẩu từ Trung Quốc, song cửa khẩu lại chỉ kiểm tra được về số lượng và trọng lượng chứ không kiểm tra được về chất lượng dược liệu. Công tác đấu thầu dược liệu chưa có hướng dẫn riêng, dẫn đến tình trạng một số dược liệu không đảm bảo chất lượng, giá thành rẻ. Vậy giải pháp khắc phục cơ bản tình trạng này ra sao.

Trong phiên thảo luận ở hội trường, đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt đã thống nhất cao với kết quả thực hiện KT-XH năm 2016, nền kinh tế phát triển ổn định, tốc độ tăng GDP được duy trì, an sinh xã hội được đảm bảo. Đồng thời, Trưởng Đoàn ĐBQH, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt cũng đã nhấn mạnh đến một số nội dung cần được Quốc hội quan tâm, xem xét giải quyết nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững trong thời gian tới. Trước hết là vấn đề nâng cao giá trị và chất lượng hàng nông sản. 

 
Trong những năm gần đây, cử tri hết sức phấn khởi trước kết quả của nông nghiệp nước nhà, hàng nông sản không chỉ đảm bảo an ninh lương thực quốc gia mà còn tăng cao về giá trị xuất khẩu, tạo nguồn thu lớn cho đất nước. Tuy nhiên, phát triển nông nghiệp của Việt Nam vẫn chưa thật sự bền vững. Nguyên nhân là do đa số bà con nông dân sản xuất quy mô nhỏ lẻ, tự phát, không theo quy hoạch, trong khi công nghiệp hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chế biến sau thu hoạch ở nước ta còn nhiều hạn chế, dẫn đến giá trị nông sản thấp, thu nhập của một bộ phận nông dân chủ yếu vẫn là lấy công làm lời. Vì vậy, để giải quyết tồn tại này, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết những giải pháp mang tính chiến lược nhằm giải quyết vấn đề này ra sao.
 
Về vấn đề an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững và di cư tự do, ông Đoàn Văn Việt - Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng đã đánh giá cao những kết quả mà Chính phủ đã đạt được trong giải quyết các nội dung này, tuy vậy thì hiện nay, tình trạng tái nghèo vẫn là vấn đề đáng quan tâm, vì cứ 3 hộ thoát nghèo lại có 1 hộ nghèo mới, kết quả giảm nghèo vì vậy chưa thật sự bền vững, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng dân di cư tự do. Hiện nay, tình trạng dân di cư tự do đến Tây Nguyên còn nhiều nhưng việc giải quyết chưa đạt yêu cầu.
 
Đoàn ĐBQH đơn vị Lâm Đồng cùng với Đoàn Quốc hội các tỉnh Hải Dương, Điện Biên, Thừa Thiên Huế thảo luận tại tổ 14 về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau của 2 dự thảo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2018. Đa số các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với dự kiến tờ trình. Cụ thể, về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, về Bộ luật hình sự, các đại biểu đánh giá đã thực hiện nghiêm túc, đưa ra được nhiều ý kiến kết luận. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn có những hạn chế nhất định về năng lực thực tiễn của các vụ pháp chế các bộ nên khi luật ban hành có một số nội dung chưa gắn với thực tiễn. Về quốc phòng an ninh, đã ban hành một số luật như Luật Nghĩa vụ quân sự và đang thông qua Luật Cảnh vệ, Luật Quản lý vũ khí và vật liệu nổ... thì các đại biểu còn băn khoăn về Luật Công an xã, hiện nay lực lượng công an xã là bán chuyên trách thì lực lượng này có nên là chính quy không, chỉ theo sau công an huyện vì công an xã có vai trò hết sức quan trọng như bảo vệ hiện trường, biết tin tức đầu tiên, từ đó phó công an xã có nên chuyên trách hay không. Tiếp nữa, Luật Cảnh sát biển can thiệp đến các vấn đề quốc tế, xử lý luật pháp trên biển, nhưng giờ mới có pháp lệnh thôi. Từ đó nên sớm nghiên cứu và thông qua 2 luật này. Ngoài ra nên xem xét Luật Dự bị động viên, Luật Công nghiệp quốc phòng an ninh (ai sản xuất vật liệu nổ, quản lý như thế nào). 
 
Thông qua phiên chất vấn, nhiều vấn đề nóng, thời sự của thực tiễn cuộc sống được đặt lên bàn nghị sự của QH. Các ĐBQH Lâm Đồng cùng với ĐBQH cả nước đã tham gia chất vấn nhiều vấn đề trọng tâm, ý kiến chất lượng trên cơ sở các ý kiến, kiến nghị của cử tri Lâm Đồng trong các buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn ĐBQH trước kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XIV. 
 
Đoàn đã lựa chọn 75 ý kiến khác nhau về nội dung thuộc thẩm quyền của các cơ quan Trung ương và chất vấn các bộ, ngành Trung ương về 19 vấn đề cử tri Lâm Đồng quan tâm. 
 
Trong đó, thực hiện chất vấn 4 lượt ý kiến tại phiên chất vấn trực tiếp tại hội trường. Đến thời điểm này, theo thông tin từ Đoàn ĐBQH Lâm Đồng cho biết, đã có 6 nội dung chất vấn được các bộ, ngành trả lời cụ thể. Ngoài ra, các ĐBQH Đoàn Lâm Đồng còn tham gia tích cực tại các phiên họp của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.
 
Kỳ họp để lại nhiều dấu ấn với hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn rất sôi động, thành công. 4 nhóm vấn đề, lĩnh vực được lựa chọn đưa ra chất vấn lần này cũng là những nội dung đang được ĐBQH, cử tri và dư luận quan tâm, theo dõi. Không chỉ chất vấn các thành viên Chính phủ, nhiều ĐBQH cũng tranh luận với ĐBQH khác, nhằm tìm ra giải pháp tốt nhất, cùng các thành viên Chính phủ tháo gỡ những hạn chế, vướng mắc đã được chỉ ra trong quá trình quản lý, điều hành. Việc QH dành 3 ngày cho hoạt động chất vấn, tăng thêm nửa ngày so với các kỳ chất vấn trước, đã giúp các ĐBQH và thành viên Chính phủ có thêm thời gian tranh luận, đi đến cùng vấn đề đặt ra. Sự điều chỉnh linh hoạt này được ĐBQH cũng như cử tri và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.Vì qua thảo luận, tranh luận, các ý kiến khác nhau đó được phân tích, mổ xẻ kỹ lưỡng, giúp QH có quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân.
 
HÀ NGUYỆT