Lại một kiểu "Rắc cát vào những cỗ máy lớn"

05:07, 03/07/2017

(LĐ online) - Trên trang mạng xã hội ngày 04/5/2017, trả lời phỏng vấn phóng viên Trần Quang Thành phát tán trên blog Danlambao xung quanh việc thành lập "Câu lạc bộ Phan Tây Hồ Đà Lạt", có người đã nêu lên những điều mà ông ta tâm đắc...

(LĐ online) - Trên trang mạng xã hội ngày 04/5/2017, trả lời phỏng vấn phóng viên Trần Quang Thành phát tán trên blog Danlambao xung quanh việc thành lập “Câu lạc bộ Phan Tây Hồ Đà Lạt”, có người đã nêu lên những điều mà ông ta tâm đắc. Thực chất đây là “cái cớ” để họ tuyên truyền quan điểm đòi “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập”, xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thắng lợi lịch sử có tính quốc tế của nhân dân Việt Nam trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược đã được loài người tiến bộ, các tổ chức lớn như Liên hợp quốc, UNESCO xác nhận, tôn vinh, ca ngợi.
 
Mọi người điều biết, đảng là một tổ chức chính trị của những người tự nguyện cùng chung một chí hướng đấu tranh cho lợi ích của một giai cấp hoặc tầng lớp nhất định. Trong xã hội có nhiều giai cấp và tầng lớp, có thể có một đảng hoặc nhiều đảng, trong đó có đảng cầm quyền, có đảng không cầm quyền. Tùy theo điều kiện và tương quan lực lượng cụ thể ở mỗi nước mỗi lúc có thể do một đảng hoặc một số đảng liên minh với nhau cầm quyền. Trong quá trình cầm quyền của Đảng Cộng sản, việc tồn tại một đảng hay nhiều đảng ở mỗi nước là do những điều kiện lịch sử cụ thể quy định, không có khuôn mẫu chung cho tất cả các nước.
 
Ở Việt Nam từ giữa những năm 1947 đến năm 1988 ngoài Đảng Cộng sản lãnh đạo chính quyền còn có hai đảng: Đảng Dân chủ Việt Nam và Đảng xã hội Việt Nam tham gia chính quyền, nhưng hai đảng trên thừa nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ tháng 11 năm 1988 đến nay, trên chính trường Việt Nam chỉ còn lại duy nhất một đảng là Đảng Cộng sản Việt Nam. Ở Cuba, Lào cũng chỉ có một đảng cầm quyền. Ở Trung Quốc, ngoài Đảng Cộng sản là đảng cầm quyền, còn tám đảng phái dân chủ khác, nhưng vẫn chấp nhận sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc,vv… Vấn đề chủ yếu đối với một đảng cộng sản cầm quyền là cầm quyền một cách khoa học, dân chủ và theo pháp luật trên cơ sở giữ vững sự trong sạch, vững mạnh của các tổ chức đảng, của cán bộ, đảng viên và quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân.
 
Ở Việt Nam, từ sau thắng lợi của cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam thực tế là Đảng cầm quyền. Điều này không phải tự nhiên mà có; đây là thành quả của bao năm đấu tranh cách mạng của toàn Đảng, toàn dân Việt Nam, trong đó có sự đóng góp của một vài người trong nhóm câu lạc bộ của các ông đấy. Được thành lập 1930, phải 15 năm sau, trải qua bao mất mát, hy sinh, thử thách cam go, hàng loạt cán bộ, đảng viên, trong đó có những nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng đã hy sinh, Đảng Cộng sản Việt Nam mới giành được chính quyền. Rồi tiếp sau đó, ròng rã suốt 30 năm kháng chiến đầy gian khổ và kiên cường, Việt Nam mới giải phóng được toàn bộ đất nước, giang sơn thu về một mối và Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành Đảng cầm quyền trong cả nước thống nhất. Những thành quả vĩ đại mà nhân dân Việt Nam đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng, chứng tỏ ở Việt Nam chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam mới có khả năng lãnh đạo nhân dân xây dựng cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc.
 
Vậy mà trong trả lời phỏng vấn, ông ta vô cảm và trâng tráo nói: “Nếu soi vào tình hình thực tế, nhiều người khoe là ta đánh Pháp, đánh Mỹ. Đánh Pháp, đánh Mỹ để làm gì? Đánh Pháp đánh Mỹ ta lại dựa vào viện trợ của nước khác (của Liên Xô, của Trung Quốc) và bây giờ, mình chỉ là con ngựa, chỉ thay người cỡi”. Đây không phải là “phát kiến” riêng của ông ta đâu, chẳng qua là “nhai lại” của những kẻ “trở cờ” mà thôi. Đây là ý kiến của những kẻ cố tình đi ngược dòng lịch sử và ra sức phủ nhận ý nghĩa, giá trị to lớn của các cuộc kháng chiến chống xâm lược của nhân dân ta. Đây cũng là thể hiện của một tâm thế hằn học, ích kỷ, xuyên tạc gây kích động hận thù dân tộc, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế trong sáng. 
 
Với đạo lý truyền thống của người Việt “Chịu ơn không bao giờ quên, làm ơn không bao giờ kể công”, nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ sự giúp đỡ to lớn và hiệu quả của nhân dân các nước tiến bộ trên thế giới, trong đó có Liên Xô (trước đây) và nhân dân Trung Quốc đối với sự nghiệp đấu tranh vì độc lập dân tộc và thống nhất đất nước cũng như trong công cuộc xây dựng và đổi mới của Việt Nam ngày nay. Mọi người Việt Nam yêu nước có quyền tự hào với thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống xâm lược, trong đó có việc đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ. Vậy mà ông ta lại mỉa mai rằng “nhiều người khoe ta đánh Pháp, đánh Mỹ”. Chiến thắng của chúng ta là chiến thắng của chính nghĩa, của ý chí và nghị lực Việt Nam, của tinh thần “tự lực cánh sinh”, của sức mạnh bên trong-sức mạnh tinh thần Đại đoàn kết dân tộc. Chính kẻ chiến bại là đế quốc Mỹ phải thừa nhận: “Chúng tôi thua Việt Nam vì không hiểu được nền văn hóa Việt Nam”.
 
Không thể chấp nhận một câu nói của một người ít nhiều có học thức rằng: “Bây giờ người cưỡi trên lưng dân Việt Nam là Trung Hoa cộng sản”. Đó là một kiểu ăn nói “hồ đồ” suy diễn vô căn cứ, thiếu lòng tự tôn dân tộc. Mọi người đều biết, quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống Việt Nam - Trung Quốc được các thế hệ lãnh đạo tiền bối gây dựng và dày công vun đắp là tài sản quý báu của hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước, cần được kế thừa và phát huy. Vẫn biết rằng, gần 70 năm qua kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ hai nước có lúc thăng, lúc trầm nhưng hữu nghị và hợp tác là dòng chính. Hơn 10 năm qua, Trung Quốc luôn là bạn hàng thương mại lớn nhất của Việt Nam, còn Việt Nam đã trở thành bạn hàng lớn nhất của Trung Quốc ở Đông Nam Á. Tình hình biên giới trên bộ và vịnh Bắc Bộ cơ bản ổn định. Tuy nhiên, diễn biến trên Biển Đông vẫn còn phức tạp, nhất là việc Trung Quốc tôn tạo, bồi đắp, xây dựng nhân tạo ở Trường Sa khiến dư luận Việt Nam và cả cộng đồng quốc tế lo ngại. Với cách nhìn nhận đúng đắn và khách quan, chúng ta mong muốn thúc đẩy quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống và quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc phát triển lành mạnh và bền vững vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Với tinh thần độc lập, tự chủ, chúng ta phản đối những nhận thức và phát ngôn lệch lạc gây chia rẽ và kích động mâu thuẫn giữa hai Đảng, hai nhà nước và nhân dân hai nước. Ngay cả Bộ trưởng phụ trách các vấn đề trẻ em và bình đẳng của Na uy S.Home (H.Hône) cũng khẳng định: “phát ngôn thù hận chính là mối đe dọa đối với quyền tự do ngôn luận”. Quốc hội Nhật Bản cũng vừa thông qua luật ngăn chặn phát ngôn thù hận (bao gồm sự bôi nhọ hoặc đe dọa người khác trên mạng xã hội). Việt Nam đã có Nghị định 72/2013/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ nhằm có biện pháp ngăn chặn xử lý kịp thời nạn phát ngôn gây thù hận.
 
Cũng trong bài trả lời phỏng vấn, một trong những điểm mà ông ta tâm đắc và nhấn mạnh là chủ trương giành độc lập của Cụ Phan Chu Trinh muốn đòi một chế độ tự trị trước rồi mới tiến tới giành độc lập mà giành độc lập lại bằng phương pháp bất bạo động. Đây là vấn đề đáng lẽ không cần bàn cãi nữa vì lịch sử đã sang trang mới, đất nước giành được độc lập rồi, giành độc lập bằng con đường nào đã rõ rồi! Con đường của Cụ Phan Bội Châu dựa vào Nhật đánh Pháp chẳng khác gì “đưa hổ cửa trước, rước beo cửa sau”. Còn Cụ Phan Chu Trinh lại định dựa vào Pháp để canh tân đất nước khác nào “xin giặc rủ lòng thương”. Vì thế, chủ trương giành độc lập của các Cụ không đạt kết quả như mong muốn, thậm chí phong trào yêu nước của các Cụ bị dập tắt. Vượt qua sự hạn chế về tư tưởng của các sĩ phu yêu nước và của các nhà cách mạng có xu hướng tư sản đương thời , Nguyễn Ái Quốc đã kịp thời đáp ứng nhu cầu bức thiết của lịch sử. Theo Nguyễn Ái Quốc: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”.
 
Việc lựa chọn phương pháp cách mạng hòa bình hay bạo lực không phải do ý chí chủ quan mà phụ thuộc vào tình hình cụ thể. Nên nhớ rằng, bạo lực là “bà đỡ” cho một xã hội cũ đang thai nghén một xã hội mới. Thử hỏi, nếu Việt Nam không có trận Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu” thì làm sao mà thắng Pháp? Nếu không có chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử thì làm sao mà “Mỹ cút, Ngụy nhào”, để có hòa bình, độc lập như ngày nay. Rõ ràng, muốn tự giải phóng khỏi áp bức, bóc lột không thể không dùng bạo lực cách mạng để đập tan bạo lực phản cách mạng. Đó là quy luật phổ biến của cách mạng nói chung và cách mạng vô sản nói riêng. Trên thực tế, có thể có nơi dùng phương pháp hòa bình (bất bạo động), giành được thắng lợi. Nhưng phương pháp hòa bình chỉ có thể đạt được trong những điều kiện cụ thể nhất định và với sự hậu thuẫn của bạo lực cách mạng của quần chúng cách mạng. Cần có một cách nhìn đúng đắn và toàn diện hơn, đó là không nên đồng nhất bạo lực cách mạng với một trong những hình thức của nó là đấu tranh vũ trang mà phải quan niệm về bạo lực cách mạng gồm cả khởi nghĩa vũ trang và bãi công chính trị có tính chất quần chúng. Việc sử dụng bạo lực hay không, sử dụng nhiều hay ít và bằng cách nào, điều đó tùy thuộc hoàn toàn vào điều kiện cụ thể, sự tương quan lực lượng, tính chất của cuộc chiến tranh chính nghĩa hay phi nghĩa.
 
Thực tiễn hào hùng, bi tráng của dân tộc đã chứng tỏ rằng, bước vào thời đại mới, chỉ có tinh thần yêu nước không thì không thể đánh bại được các thế lực đế quốc xâm lược. Vận mệnh của đất nước đòi hỏi phải có một lực lượng lãnh đạo cách mạng mới, đề ra được đường lối cách mạng đúng đắn, phù hợp với quy luật phát triển của lịch sử và những yêu cầu của thời đại mới, đủ sức quy tụ được cả dân tộc vào cuộc đấu tranh chống đế quốc thực dân, xây dựng được khối đại đoàn kết dân tộc bền vững thì mới giành được thắng lợi.
 
Đối với Việt Nam, không còn nghi ngờ gì khi nhận định: Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện đã lãnh đạo nhân dân nước này tiến hành Cách mạng Tháng Tám thành công, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), đánh thắng các cuộc chiến tranh xâm lược, xóa bỏ chế độ thực dân phong kiến, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, tiến hành công cuộc đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc nền độc lập của Tổ quốc. Vị thế và uy tín của Việt Nam ngày càng cao trên trường quốc tế. Đó là một thực tế lịch sử, không ai có quyền đảo ngược.
 
Mọi quan điểm muốn thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, đòi thực hiện “tam quyền phân lập” trong tổ chức và thực hiện quyền lực Nhà nước ở Việt Nam là hoàn toàn sai trái, nó xa lạ với thực tiễn Việt Nam, đi ngược với ý chí và nguyện vọng của tất cả những người Việt Nam yêu nước chân chính. Việt Nam đang là một nước độc lập, có chủ quyền, chính trị ổn định. Vậy mà vẫn có những thế lực thù địch, những kẻ “cơ hội chính trị” mưu toan phá vỡ sự bình yên của nhân dân, chẳng khác gì “sự rắc cát vào những cỗ máy lớn”.
 
Hà Phúc Lâm