Chiều loang nắng. Những nếp nhà ở buôn làng người Cil, thôn Taly 2, xã Ka Đô, Đơn Dương, yên bình đến lạ. Những vườn rau, cà chua vào mùa thu hoạch "ôm" lấy cung đường bê tông chạy dọc giữa buôn làng. Bí thư Chi bộ thôn Taly 2 Klong Ba thổ lộ: "Bà con người Cil mình đã biết sản xuất rau thương phẩm. Vui lắm. Để được bà con tin và làm theo, cán bộ, đảng viên phải làm gương trước…".
Chiều loang nắng. Những nếp nhà ở buôn làng người Cil, thôn Taly 2, xã Ka Đô, Đơn Dương, yên bình đến lạ. Những vườn rau, cà chua vào mùa thu hoạch “ôm” lấy cung đường bê tông chạy dọc giữa buôn làng. Bí thư Chi bộ thôn Taly 2 Klong Ba thổ lộ: “Bà con người Cil mình đã biết sản xuất rau thương phẩm. Vui lắm. Để được bà con tin và làm theo, cán bộ, đảng viên phải làm gương trước…”.
|
Klong Ba khoe mô hình canh tác nông nghiệp công nghệ cao của bà con người Cil. Ảnh: T.Trang |
Không rượu cần đãi khách, ngược dòng ký ức, Bí thư Klong Ba kể: Năm 1985, nằm trong chương trình giãn dân, thôn Taly được tách thành hai thôn Taly 1, 2 và ông được bầu làm trưởng thôn Taly 2. Năm 2002, Klong Ba vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng, hai năm sau làm Bí thư Chi bộ 5 thôn (Ka Đô cũ, Ka Đô mới 1, 2; Taly 1, 2 và được bầu vào BCH Đảng ủy xã Ka Đô). Nay, Klong Ba là Bí thư Chi bộ thôn Taly 2. Hiện thôn có 113 hộ dân, hơn 500 nhân khẩu, trong đó đồng bào người Cil chiếm khoảng 90%.
“Trước đây, bà con người Cil sống du canh, du cư, cuộc sống cứ lầm lũi qua các sườn đồi, cái đói, cái nghèo cứ đeo bám mãi… Đến năm 1992, thực hiện chủ trương đóng cửa rừng, bà con bắt đầu an cư tại đây để làm cho “cây lúa trổ bông”, trồng cây rau thương phẩm”, Klong Ba nhớ lại.
Đến những năm 2004, 2005, khi bà con nơi đây đã học hỏi được kinh nghiệm, cùng với sự hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp huyện về sản xuất nông nghiệp an toàn, nghề trồng rau ở Ka Đô bắt đầu phát triển mạnh. Cây rau trở thành hàng hóa, giúp nhiều người thoát nghèo và nghĩ đến chuyện của ăn, của để.
Với vai trò Bí thư Chi bộ thôn, Klong Ba trăn trở, đề xuất với Đảng ủy, UBND xã tìm nguồn hỗ trợ về cây giống, kỹ thuật để người dân của thôn sớm thay đổi tập tục canh tác dựa vào “nước trời” và người dân thôn Taly 2 bắt đầu thay đổi tư duy, từ bỏ tập quán du canh, du cư, từng bước ổn định cuộc sống, tập trung sản xuất rau thương phẩm.
“Nói thì dễ, nhưng để bà con tin tưởng, làm theo mình phải làm trước. Tất cả những việc cần triển khai cho người dân thì bí thư, trưởng thôn, mặt trận… đều phải vào cuộc, phải làm trước và phải truyền đạt kiến thức cho bà con ngay tại vườn, mới mong thành công”, Bí thư Chi bộ thôn Taly 2 thổ lộ.
Klong Ba cho biết, gia đình có hai mẫu đất, ông hướng cho gia đình luân canh các loại cây trồng như ớt sừng, cà chua, đậu leo, cải bắp. Trong đó, ông “cắt” riêng bốn sào để đầu tư nhà lưới sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Và đã thành “hình mẫu” để bà con buôn làng học hỏi, triển khai. “Ớt trồng ngoài trời chỉ cho thu hoạch được hai đến ba tháng, còn trong nhà lưới thì thu hoạch cả năm, năng suất gấp 3-4 lần, chất lượng tốt hơn, nên dễ bán. Từ đó, nhiều hộ dân trong thôn đã đến tham quan, học tập để chuyển sang đầu tư sản xuất theo hướng công nghệ cao”, Klong Ba bộc bạch.
Dẫn chúng tôi thăm một số mô hình sản xuất hiệu quả trong thôn, Bí thư Chi bộ thôn Taly 2 cho biết: Để đạt được những kết quả như hôm nay là có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của người dân. Riêng mình, trước hết phải gương mẫu, rồi chăm lo đời sống của bà con buôn làng. Khi bà con nhờ gì, cần gì mình làm ngay, nên được bà con tin tưởng. “Khi đã có uy tín, việc tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người dân dễ dàng hơn”, Klong Ba nói.
Có nhiều phương pháp để đưa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với người dân. Song, căn cứ tình hình thực tế địa phương, Klong Ba chọn ba “kênh” để thực hiện, hợp lòng dân, đó là các buổi họp dân, trong các buổi thánh lễ và họp dòng họ. “Ở đây quản lý theo họ tộc (cả thôn có 11 họ tộc), theo văn hóa người Cil mà. Tộc trưởng quan trọng lắm, khi được các tộc trưởng ủng hộ là đã thành công. Cùng với đó, trong các buổi chào cờ đầu tháng, chi bộ, cán bộ thôn phải cùng ngồi bàn bạc, giải quyết vướng mắc và triển khai công việc tiếp theo của buôn làng…”, Bí thư Chi bộ thôn Taly 2, Klong Ba cho hay.
Trong câu chuyện với Bí thư Đảng ủy xã Ka Đô Nguyễn Khánh Chỉnh, ông cho biết, Taly 2 là một trong hai thôn còn khó khăn của xã, tuy nhiên với tinh thần trách nhiệm cao, Klong Ba luôn thể hiện sự trong sáng của một cán bộ đảng viên, biết làm kinh tế giỏi và là người có uy tín trong cộng đồng người Cil.
Chiều muộn. Những nếp nhà của buôn làng người Cil đã bập bùng bếp lửa. Và câu chuyện về sự đổi thay vẫn kéo dài theo cung đường của buôn làng. Klong Ba bảo: Nếu như 10 năm trước, bà con người Cil chỉ biết sống dựa vào rừng, nay đời sống đã thay đổi, đường sá được trải bê tông, nhà cửa khang trang. Thu nhập bình quân đầu người đạt từ 15-20 triệu đồng/năm, toàn thôn chỉ còn hai hộ nghèo. “Thành công lớn nhất là bà con đã nắm bắt được khoa học - kỹ thuật để phát triển kinh tế, biết thay đổi việc chi tiêu để đầu tư tái sản xuất và dành dụm. Họ ý thức trong sản xuất rau sạch, đơn giản vì cái bụng của bà con nghĩ người ta ăn cũng như mình ăn. Nhưng, vấn đề khó là ở đầu ra”, Klong Ba thổ lộ.
Theo Bí thư Chi bộ thôn Taly 2, dù vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhưng bà con đồng bào người Cil nơi đây luôn đoàn kết, đồng thuận cao với chính quyền. Ngoài việc chấp hành tốt các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước cũng như các quy định địa phương; quy ước thôn, quy ước bảo vệ rừng… hàng năm, người dân còn đóng góp hàng chục triệu đồng để tu sửa đường liên thôn, vệ sinh môi trường, giúp nhau làm kinh tế, từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.
Mặt trời đã vắt về phía núi. Rời buôn làng người Cil ở thôn Taly 2 giữa mênh mang rừng chiều, lòng chợt thổn thức câu nói của bà Lyđia, K’Dông… những người đang học tập, làm theo Bí thư Chi bộ thôn về sản xuất rau nhà lưới: “Klong Ba à, niềm tin của buôn làng mình đó…”.
THỤY TRANG