Tọa đàm thực hiện chính sách, pháp luật đối với người có công với Cách mạng trên địa bàn tỉnh

05:07, 07/07/2017

(LĐ online) - Hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2017), ngày 7/7, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã chủ trì phối hợp với UBND tỉnh và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng tổ chức Tọa đàm chủ đề "Tình hình thực hiện chính sách, pháp luật đối với người có công với Cách mạng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng"...

(LĐ online) - Hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2017), ngày 7/7, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã chủ trì phối hợp với UBND tỉnh và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng tổ chức Tọa đàm chủ đề “Tình hình thực hiện chính sách, pháp luật đối với người có công với Cách mạng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”. Tham dự Tọa đàm có đại diện đông đảo các sở, ban, ngành, Công an tỉnh, BCH Quân sự tỉnh, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh; thường trực các huyện ủy, thành ủy và các đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy; các cơ quan báo chí, trên địa bàn tỉnh...
 
Toàn cảnh tọa đàm
Toàn cảnh buổi tọa đàm
Tại buổi Tọa đàm, sau Đề dẫn của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, trên 10 tham luận và nhiều ý kiến trình bày, phát biểu tập trung công tác tham mưu cho lãnh đạo tỉnh, Trung ương giải quyết các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với các đối tượng người có công trên địa bàn tỉnh ta trong nhiều năm qua. Hầu hết các tham luận đều đề cập đến kết quả, sự nỗ lực của các cấp, của từng sở, ban, ngành liên quan (Sở Lao động TB-XH, Sở Y tế, Sở Nội vụ, Sở GD-ĐT, Tỉnh đoàn…); công tác chăm sóc các đối tượng có công là người đồng bào các dân tộc thiểu số tại các địa phương trong tỉnh; những khó khăn, vướng mắc trong công tác xác minh, đối chiếu các tài liệu gốc để đề nghị Trung ương công nhận các danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng, công nhận thương binh, Liệt sĩ, cựu Thanh niên xung phong, cán bộ tiền khởi nghĩa…
 
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 39.457 gia đình và cá nhân thuộc diện chính sách, người có công với Cách mạng; trong đó, 3.939 thương binh, 1.976 bệnh binh, 4.975 liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ; 300 Bà mẹ Việt Nam anh hùng (trong đó, có 32 Mẹ còn sống); có 3 Anh hùng LLVT (còn sống); 120 cán bộ tiền khởi nghĩa; 2.461 người tham gia cách mạng bị nhiễm chất độc da cam; 327 cựu Thanh niên xung phong…Tổng số đối tượng chính sách đang được chi trả trợ cấp hàng tháng trong toàn tỉnh là 10.035 trường hợp. (Kinh phí hơn 16 tỷ đồng/tháng).
 
Thực hiện đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, hơn 10 năm qua, các hoạt động chung tay chăm sóc người có công với Cách mạng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đạt nhiều kết quả. Đến nay, toàn tỉnh đã ủng hộ trên 34 tỷ đồng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; đã sửa chữa và xây mới hơn 1.000 ngôi nhà tình nghĩa; trên 200 sổ tiết kiệm tình nghĩa với số tiền hơn 1 tỷ đồng được trao cho các hộ gia đình, các đối tượng chính sách neo đơn, khó khăn; gần 4.000 thương binh, bệnh binh được nhận chăm sóc; 32 Mẹ Việt Nam anh hùng (còn sống) đều được các cơ quan, tổ chức, đoàn thể… nhận phụng dưỡng suốt đời (số tiền hỗ trợ ít nhất 1 triệu đồng/Mẹ/tháng)… 
 
Đồng thời, các phong trào “Nghĩa tình đồng đội”; “Thắp nến tri ân”; nhận chăm sóc các Nghĩa trang, phần mộ Liệt sĩ… trên địa bàn toàn tỉnh được Quân đội, Công an, Đoàn Thanh niên thực hiện hàng năm để lại nhiều nghĩa cử tốt đẹp trong đời sống xã hội…
 
Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cũng đã nêu các kiến nghị sát thực: Các sở, ngành cần phải phối hợp để tháo gỡ khó khăn trong công tác xác minh, thẩm định hồ sơ nhân thân người có công, giải quyết chế độ cho những đối tượng đã cống hiến máu xương cho Tổ quốc; đồng thời, ngăn chặn tình trạng làm hồ sơ giả mạo để hưởng sai chế độ; giải quyết dứt điểm tình hình khiếu nại của nhân dân liên quan đến chế độ chính sách…
 
Kết luận buổi Tọa đàm, đồng chí Trần Văn Hiệp - Ủy viên BTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy khẳng định: công tác thực hiện chính sách đối với người có công trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng trong nhiều năm qua có nhiều cố gắng, nỗ lực và đạt nhiều kết quả tốt, thấm nhuần đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc và ngày càng lan tỏa trong đời sống xã hội, được đông đảo các cấp, các ngành, các tổ chức, nhất là thế hệ trẻ tham gia. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn, bất cập nhất định cần tiếp tục tham mưu tháo gỡ. Sau Tọa đàm, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy sẽ tổng hợp tất cả các ý kiến, đề xuất của đại biểu gởi cho lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan trong tỉnh để nghiên cứu tham mưu giải quyết tốt những vướng mắc trong công tác thực hiện chính sách đối với người có công trên địa bàn tỉnh; Ngành Lao động TB-XH tỉnh và các địa phương có kế hoạch tiến hành tu bổ, tôn tạo các Nghĩa trang Liệt sĩ, các Đài tưởng niệm xanh - sạch, nghiêm trang; tích cực rà soát, lập hồ sơ đề nghị giải quyết tốt chế độ chính sách cho những trường hợp người có công còn tồn đọng; tiếp tục phối hợp tốt giữa các ngành đẩy mạnh các chương trình công tác xã hội, các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” sâu rộng, hiệu quả; các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh tích cực đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để việc thực hiện chính sách đối với người có công trở thành nghĩa cử tôt đẹp, việc làm thường xuyên của các cấp, các ngành…
 
THANH DƯƠNG HỒNG