Ngày 12/6/2017, Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành Văn bản số 36-HD/BTGTW hướng dẫn việc tổ chức học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII), nhằm giúp cấp ủy các cấp chỉ đạo xây dựng nội dung, kế hoạch tổ chức triển khai học tập, quán triệt các Nghị quyết đã được thông qua.
Ngày 12/6/2017, Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành Văn bản số 36-HD/BTGTW hướng dẫn việc tổ chức học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII), nhằm giúp cấp ủy các cấp chỉ đạo xây dựng nội dung, kế hoạch tổ chức triển khai học tập, quán triệt các Nghị quyết đã được thông qua.
Theo đó, việc tổ chức học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa XII) yêu cầu cán bộ, đảng viên cần nắm vững, hiểu rõ những nội dung cơ bản của nghị quyết, đặc biệt những nội dung liên quan đến lĩnh vực công tác chuyên môn. Các cấp ủy đảng có hình thức tổ chức học tập, quán triệt và xác định nội dung phù hợp với từng đối tượng, từng cấp. Đó cũng là trách nhiệm chung của mọi cán bộ, đảng viên. Trên cơ sở đó, các cấp ủy đảng chỉ đạo xây dựng chương trình hoặc kế hoạch hành động để đưa Nghị quyết vào cuộc sống; tổ chức làm tốt công tác tư tưởng, tuyên truyền rộng rãi những nội dung cơ bản của Nghị quyết trong các tầng lớp nhân dân; tăng cường đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, nhận thức lệch lạc.
Về tổ chức học tập, quán triệt: (1) Nội dung học tập, quán triệt tập trung vào những nội dung, quan điểm cơ bản, mới trong các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5: Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 3/6/2017 về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 3/6/2017 về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước.
(2) Đối tượng và phương thức học tập, quán triệt: Trung ương đã tổ chức Hội nghị trực tuyến học tập, quán triệt nghị quyết tới các tỉnh, thành phố trong cả nước (ngày 29/6), do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức; thành phần cấp tỉnh tham dự gồm: Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, BCH Đảng bộ tỉnh, thủ trưởng một số ngành cấp tỉnh và bí thư cấp huyện. Ở cấp tỉnh, sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến cán bộ chủ chốt toàn tỉnh cho các đối tượng không thuộc thành phần dự ở Trung ương. Việc tổ chức học tập, quán triệt, nhất là ở cơ sở phải thiết thực, hiệu quả, không qua loa, hình thức; kết hợp nghe giới thiệu, quán triệt trên hội trường với thảo luận; khuyến khích các hình thức tổ chức đa dạng, sinh động, tận dụng được lợi thế của công nghệ thông tin và điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của địa phương, đơn vị.
(3) Báo cáo viên giới thiệu, quán triệt nghị quyết chủ yếu là do đồng chí Bí thư, Phó bí thư cấp ủy trực tiếp truyền đạt; hoặc chọn lọc những người có năng lực, uy tín, có phương pháp sư phạm, thường xuyên được bồi dưỡng về kỹ năng, nghiệp vụ, được tập huấn về nội dung, được cung cấp đầy đủ, kịp thời tài liệu và các phương tiện truyền đạt…
Về xây dựng chương trình hành động: (1) Các cấp ủy đảng chủ trì xây dựng chương trình hành động đảm bảo quan điểm chỉ đạo, những chủ trương, định hướng lớn được nêu lên trong các nghị quyết Hội nghị Trung ương 5; đồng thời phù hợp với địa phương và có tính thực thi cao. Phân công cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng dự thảo trình thường trực cấp ủy, trước khi đưa ra hội nghị cán bộ chủ chốt tham gia thảo luận góp ý kiến. Ngoài ra, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị có kế hoạch hành động cá nhân thực hiện nghị quyết phù hợp với chức trách, nhiệm vụ được giao; thể hiện quyết tâm, tinh thần đổi mới, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu. Đây là một khâu quan trọng để đảm bảo nghị quyết sớm đi vào cuộc sống.
(2) Thảo luận chương trình hành động thực hiện nghị quyết của cấp ủy tại hội nghị, tại tổ, hoặc góp ý kiến bằng văn bản một cách nghiêm túc; khắc phục tình trạng thảo luận, góp ý qua loa, hình thức,… Cấp ủy thảo luận tiếp thu các ý kiến góp ý nhằm bổ sung, hoàn thiện chương trình hành động, sau đó ban hành để thực hiện.
(3) Tổ chức triển khai thực hiện chương trình hành động, đưa nghị quyết vào thực tiễn cuộc sống. Đây là bước quyết định sự thành công hay không thành công của nghị quyết, mà từ trước đến nay vẫn là khâu yếu nhất. Điều đó đòi hỏi phải thay đổi mạnh mẽ, muốn vậy cần xác định rõ trách nhiệm của tổ chức đảng và cá nhân lãnh đạo chủ chốt nhất là người đứng đầu.
(4) Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc thực hiện chương trình hành động, đưa hoạt động này vào nền nếp. Lấy việc kiểm tra kết quả thực hiện chương trình hành động và thể chế hóa nghị quyết làm trọng tâm, từng bước thay đổi cách làm đại trà, chung chung mang tính phong trào một cách hình thức.
Thực tế thời gian qua tuy đã có những cải tiến, đổi mới, nhưng nhìn chung việc học tập, quán triệt và triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng vẫn còn nhiều hạn chế. Một số cấp ủy chưa thật sự quan tâm đến chất lượng, hiệu quả học tập, quán triệt nghị quyết; vẫn còn tư tưởng tổ chức cho xong việc, mang tính hình thức, lãng phí thời gian, chi phí vật chất, thậm chí có biểu hiện ỷ lại cấp trên khi áp dụng hình thức trực tuyến; thiếu sự phối hợp chặt chẽ trong tuyên truyền, giới thiệu nghị quyết sâu rộng trong xã hội… Để khắc phục mặt hạn chế, việc tổ chức học tập và triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, khóa XII, cần lưu ý một số giải pháp sau đây:
- Việc học tập, quán triệt và triển khai nghị quyết cần đổi mới sao cho thiết thực, hiệu quả; lựa chọn hình thức, nội dung phù hợp với đối tượng và điều kiện, hoàn cảnh; tránh tình trạng độc thoại, tăng cường đối thoại giữa báo cáo viên và người học; gắn kết chặt chẽ với thực tiễn cuộc sống, đi liền với xây dựng chương trình hành động, từ đó tạo sự thống nhất, đồng thuận trong nhận thức và hành động. Đối với cán bộ chủ chốt, nội dung học tập thường đi sâu vào những nội dung cơ bản và mới, làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn của các quan điểm, định hướng, giải pháp thực hiện; từ đó, liên hệ thực tiễn và vận dụng sáng tạo vào công tác, đồng thời tham gia đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch. Đối với đảng viên ở cơ sở, nội dung học tập cụ thể, ngắn ngọn gắn với tình hình thực tiễn của từng lĩnh vực, của từng ngành giúp người học nắm vững các luận điểm cơ bản “cốt lõi” và vận dụng vào thực tế công tác.
- Phương pháp trình bày của báo cáo viên phải có sức thuyết phục, nêu được cái tinh túy nhất, hồn cốt của nghị quyết, khắc phục thông tin một chiều. Bám sát từng đối tượng, vận dụng linh hoạt kiến thức để truyền đạt, giải quyết tình huống, có ví dụ minh họa sinh động gắn với địa phương, cơ quan, đơn vị.
- Sau khi học tập, quán triệt, cần yêu cầu viết thu hoạch, tổ chức đánh giá kết quả thu hoạch, nơi nào không tổ chức viết thu hoạch có thể nêu tình huống gắn với công việc cụ thể để học viên trả lời; ngoài ra còn tổ chức các cuộc thi tìm hiểu nội dung nghị quyết...
- Tăng cường kiểm tra, giám sát các tổ chức đảng, đảng viên, cán bộ, công chức trong việc học tập, quán triệt và triển khai thực hiện nghị quyết. Định kỳ kiểm tra, sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết ở các cấp ủy đảng, các ngành, đoàn thể...
Bên cạnh việc tổ chức học tập, quán triệt và xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa XII) một cách khẩn trương, nghiêm túc và hiệu quả; cần thông qua hệ thống tuyên truyền miệng, thông tin đại chúng để đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nghị quyết thường xuyên, sâu rộng trong xã hội, sớm đưa nghị quyết vào cuộc sống.
BAN BIÊN TẬP