Chỉ số PAPI của Lâm Đồng ở mức trung bình thấp so với chuẩn toàn quốc

06:08, 04/08/2017

(LĐ online) - "Tất cả các ban, ngành, địa phương cần phải có sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt nhất để chỉ số PAPI của Lâm Đồng sẽ có sự thay đổi trong thời gian sớm nhất".

(LĐ online) - Chiều 4/8, tại Đà Lạt, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Tỉnh ủy – UBND tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học Chỉ số hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (gọi tắt là PAPI) năm 2016 của tỉnh Lâm Đồng.
 
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Tiến phát biểu tại hội nghị
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Tiến
phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Văn Báu
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng – Ủy viên BCHTƯ Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; đồng chí Nguyễn Xuân Tiến – Uỷ viên BCHTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Đoàn Văn Việt – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Lâm Đồng cùng chủ trì hội nghị.
 
Hội thảo diễn ra với mục đích giới thiệu và phân tích cụ thể các kết quả về chỉ số quản trị và hành chính công tỉnh Lâm Đồng trong những năm gần đây. Đồng thời, cũng là cơ hội trực tiếp để các nhà khoa học của Học viện và các nhà hoạt động thực tiễn ở các cấp, ngành của Lâm Đồng trao đổi, thảo luận về những nguyên nhân của thành công và hạn chế, qua đó đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả của công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành và thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ở chính quyền địa phương.
 
TS Bùi Phương Đình - Viện trưởng Viện Lãnh đạo học và Chính sách công, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết: “Bộ chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) là một bộ công cụ đo lường khách quan, dựa trên trải nghiệm và cảm nhận của người dân về hoạt động của các cấp chính quyền. Nội dung của PAPI nhấn mạnh đến việc đo lường hiệu quả thực thi các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Kết quả PAPI chỉ ra cho chúng ta những mặt thành công và chưa thành công trong công tác lãnh đạo, quản lý của chính quyền địa phương, qua đó tạo động lực để lãnh đạo các cấp tìm giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của mình”.
 
Cũng theo TS Bùi Phương Đình: “Việc cải cách hành chính trên địa bàn Lâm Đồng luôn được đẩy mạnh, nhiều văn bản chỉ đạo đã được UBND tỉnh ban hành và thực thi đã mang lại kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, so với các tỉnh trong khu vực và cả nước, vẫn còn một số nội dung đạt kết quả dưới mức trung bình của cả nước, thậm chí có nội dung giảm điểm trong năm 2016 như “Trách nhiệm giải trình với người dân”; một số nội dung thành phần trong “Thủ tục hành chính công” chưa được người dân đánh giá cao. Điều này cho thấy, sự cải thiện về quản trị của Lâm Đồng chưa đồng đều, chưa vững chắc, đâu đó vẫn còn khoảng cách giữa quyết tâm chính trị ở cấp tỉnh với thực thi trên thực tiễn ở cấp cơ sở”.
 
Trong hai nghiên cứu thực tế, có sự điền dã tại cơ sở và tham chiếu dưới nhiều góc độ khá hoàn chỉnh là: “Chỉ số PAPI và xu hướng biến đổi cấp quốc gia PAPI” của Thạc sỹ Đỗ Thanh Huyền – Chuyên gia phân tích chính sách của UNDP và “Báo cáo kết quả đo lường Chỉ số PAPI 2016 của Lâm Đồng: Tóm tắt phát hiện nghiên cứu và hàm ý chính sách” của PGS.TS Đặng Thị Ánh Tuyết – Phó Viện trưởng Viện Xã hội học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, 6 trục nội dung PAPI gồm: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương; Trách nhiệm giải trình với người dân; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; Thủ tục hành chính công; Cung ứng dịch vụ công, Lâm Đồng đều nằm ở mức trung bình thấp so với thang điểm chuẩn của toàn quốc. Ngay trong khu vực Tây Nguyên, Lâm Đồng cũng có nhiều nội dung thấp hơn so với các tỉnh.
 
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng phát biểu tại hội nghị
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Văn Báu
PGS.TS Đặng Thị Ánh Tuyết cho biết: “Kết quả nghiên cứu cho thấy các nội dung đều ở mức trung bình thấp so với các tỉnh. Đặc biệt, nội dung Tham gia của người dân ở cấp cơ sở lại ở mức thấp nhất, tuy có thay đổi nhưng không như mong muốn và kỳ vọng của người dân. Điều đáng lưu ý, đó là nhiều nội dung PAPI của Lâm Đồng năm 2016 có thay đổi so với năm 2015 nhưng lại chậm hơn so với nhiệm kỳ trước”.  
Trong phát biểu của mình, đồng chí Nguyễn Xuân Tiến cũng đã thừa nhận: “Sự phát triển của địa phương trong thời gian qua có sự góp phần quan trọng của việc xây dựng một bộ máy chính quyền trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả đáp ứng yêu cầu của người dân, doanh nghiệp và các tổ chức từ tỉnh cho đến cơ sở. Tuy nhiên, so với yêu cầu mục tiêu đề ra còn nhiều việc chúng ta chưa đáp ứng được; hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp có lúc, có nơi, có lĩnh vực chưa được người dân đánh giá cao. Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công của tỉnh còn thấp, điều đó đã ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh và niềm tin của người dân đối với bộ máy chính quyền các cấp”.
 
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng khẳng định: “Một số nội dung của Lâm Đồng tuy còn thấp nhưng bị tác động bởi nhiều yếu tố khách quan và việc thay đổi cũng không hẳn đã khó. Chỉ cần thể hiện rõ được vai trò lãnh đạo của các cấp, sự gần gũi hơn nữa với người dân, đồng thời cách tiếp cận phải thực tế … thì mọi chỉ số PAPI của Lâm Đồng sẽ sớm có sự thay đổi theo chiều hướng tích cực”.
 
Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Văn Việt phát biểu tại hội nghị
Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Văn Việt phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Văn Báu
Phát biểu kết luận hội thảo, đồng chí Đoàn Văn Việt cũng cho rằng, nghiên cứu của Học viện đều có sự tương đồng với nhận định của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác cải cách hành chính và có sự trùng khớp với thực tế tại địa phương. Trong năm 2016, nhiều chỉ số, chỉ tiêu quan trọng của Lâm Đồng đều bị tụt hạng, đây là kết quả chỉ ra rằng, còn có sự chủ quan trong công tác lãnh, chỉ đạo của nhiều ban, ngành và các cấp cơ sở ở địa phương, sự hiểu biết về PAPI còn ở mức hạn chế. 
 
Để thay đổi tất cả các điều trên, Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Văn Việt nhấn mạnh: “Tất cả các ban, ngành, địa phương cần phải có sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt nhất để chỉ số PAPI của Lâm Đồng sẽ có sự thay đổi trong thời gian sớm nhất và hy vọng trong tương lai gần sẽ không còn ai phải nghe lại những thông tin đáng buồn như thế này”.
 
Toàn cảnh hội nghị
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Văn Báu
Tuấn Linh