(LĐ online) - Sáng ngày 17/8, Đoàn Ủy ban Tư pháp của Quốc hội do đồng chí Nguyễn Văn Pha - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc, khảo sát về tình hình chấp hành pháp luật trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác phòng chống tham nhũng, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án năm 2017 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
* Lâm Đồng không phát hiện có trường hợp cán bộ vi phạm, có hành vi bao che, tiếp tay cho tội phạm
* Phát hiện 3 vụ việc với 4 cá nhân có liên quan đến hành vi tham nhũng
(LĐ online) - Sáng ngày 17/8, Đoàn Ủy ban Tư pháp của Quốc hội do đồng chí Nguyễn Văn Pha - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc, khảo sát về tình hình chấp hành pháp luật trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác phòng chống tham nhũng, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án năm 2017 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Phía tỉnh Lâm Đồng cùng tham dự buổi làm việc có ông Nguyễn Trọng Ánh Đông - UVBTV - Chủ tịch UBMTTQ tỉnh; ông Nguyễn Văn Triệu - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Trần Ngọc Liêm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ông Nguyễn Tạo - Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Lâm Đồng; đại diện lãnh đạo Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát, Thanh tra tỉnh, Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự… cùng tham dự với đoàn. Tham gia đoàn khảo sát còn có đại diện lãnh đạo Tổng Cục, Cục, Vụ của Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
|
Toàn cảnh buổi làm việc của Đoàn Ủy ban Tư pháp với tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: N.Thu |
Tại buổi khảo sát, đoàn đã được nghe báo cáo của các cơ quan Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát Lâm Đồng báo cáo, trao đổi về tình hình chấp hành pháp luật trong công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, phòng chống tham nhũng, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án tại địa phương trong thời gian qua. Nghe báo cáo trao đổi với Ban giám thị Trại giam Đại Bình, tiến hành xem xét trực tiếp việc chấp hành các quy định của pháp luật trong công tác thi hành án hình sự trại giam Đại Bình.
Theo báo cáo của UBND tỉnh đánh giá về tình hình tham nhũng trong thời gian qua, UBND tỉnh đã có sự chỉ đạo cụ thể, thường xuyên trong công tác thực hiện các quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng. Các đơn vị đã phối hợp chặt chẽ, nghiêm túc cùng với các cấp ủy Đảng, các tổ chức đoàn thể trong triển khai các quy định một cách công khai, minh bạch. Người đứng đầu các đơn vị đã triển khai thực hiện luật phòng chống tham nhũng bằng các biện pháp như ban hành kế hoạch phòng chống tham nhũng, xây dựng quy chế văn hóa công sở, quy chế phối hợp hoạt động với Đảng ủy cơ sở, Công đoàn cơ sở, quy chế thực hiện dân chủ, quy chế chi tiêu nội bộ, ban hành tiêu chuẩn đánh giá cán bộ, công chức hàng năm… từ đó nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ công chức và phòng ngừa tham nhũng, nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện luật phòng chống tham nhũng tại đơn vị.
Về công tác xử lý đối với cán bộ vi phạm, cán bộ có hành vi bao che, tiếp tay cho tội phạm và vi phạm pháp luật, Lâm Đồng không có trường hợp nào vi phạm. Về công tác phát hiện và xử lý tham nhũng, qua công tác tự kiểm tra nội bộ chưa phát hiện hành vi tham nhũng. Qua thanh tra phát hiện phát hiện 3 vụ việc với 4 cá nhân có liên quan đến hành vi tham nhũng tại huyện Đức Trọng, Lâm Hà và Đam Rông. Qua công tác giải quyết đơn tố cáo, khiếu nại, tin báo tham nhũng đã phát hiện 1 vụ việc với 1 cá nhân có liên quan đến hành vi tham nhũng tại huyện Di Linh. Qua công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, hiện 3 vụ việc tại huyện Lâm Hà, Đam Rông, Di Linh được chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra và chưa có kết luận, có 1 vụ việc tại huyện Đức Trọng được xử lý hành chính với 3 cá nhân bị kỷ luật.
Đại diện cơ quan Công an cũng nêu lên một số khó khăn, vướng mắc trong công tác chỉ đạo phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật tại địa phương như hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện còn nhiều bất cập, chồng chéo. Tình hình người nghiện ma túy tổng hợp trên địa bàn Lâm Đồng có chiều hướng gia tăng, số đối tượng nghiện ngoài xã hội khó kiểm soát - đây là nguyên nhân phát sinh tội phạm, tệ nạn xã hội, nhưng công tác quản lý lại gặp khó khăn, nhất là trong công tác phối hợp lập hồ sơ đưa đối tượng nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc còn bất cập.
Lực lượng đấu tranh phòng chống tội phạm còn thiếu; trình độ, năng lực còn hạn chế; bố trí công việc chưa hợp lý, không đúng chuyên môn, nghiệp vụ; chế độ chưa tương xứng với trách nhiệm công việc; đặc biệt, là lực lượng công an xã phải thực hiện nhiều nhiệm vụ trong công tác đảm bảo ANTT từ cơ sở. Công tác quản lý nhà nước còn để sơ hở như trong lĩnh vực kinh doanh bán hàng đa cấp, kinh doanh trò chơi điện tử, du lịch mạo hiểm, nhất là đối với người nước ngoài…
Phía tỉnh Lâm Đồng cũng kiến nghị với Đoàn Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về việc đề nghị cơ quan Trunng ương cân đối ngân sách cấp kinh phí cho địa phương thực hiện chiến lược quốc gia về phòng chống tội phạm giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2030. Cơ quan Trung ương cần nghiên cứu, ban hành văn bản hướng dẫn về quản lý các hoạt động tín dụng phi chính thức, kinh doanh đa cấp, tài nguyên rừng, vệ sinh an toàn thực phẩm… Cơ quan Trung ương cần hướng dẫn cụ thể về việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Tăng cường biên chế; trang bị đầu tư phương tiện kỹ thuật, khí tài, công cụ hỗ trợ, cơ sở vật chất và chế độ chính sách cho lực lượng trực tiếp làm công tác đấu tranh phòng chống tội phạm tại địa phương.
Các ý kiến kiến nghị của các cơ quan hữu quan tỉnh Lâm Đồng đã được đoàn khảo sát tiếp thu, tổng hợp, báo cáo trình Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và phục vụ công tác thẩm tra của Ủy ban Tư pháp Quốc hội về tình hình chấp hành pháp luật trong công tác phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật và công tác phòng chống tham nhũng, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trong thời gian tới.
Theo kế hoạch, ngày 19/8, Đoàn tiến hành khảo sát tại Trại giam Đại Bình, làm việc với đơn vị cấp huyện và sẽ làm việc tại tỉnh Đăk Lăk từ 21 - 23/8.
Nguyệt Thu