Công tác cán bộ có vị trí then chốt trong nhiệm vụ xây dựng Ðảng nói chung. Ðây là yếu tố có ý nghĩa rất quan trọng, quyết định sự phát triển của địa phương. Ðặc biệt trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vấn đề cán bộ và công tác cán bộ càng đặc biệt quan trọng .
Công tác cán bộ có vị trí then chốt trong nhiệm vụ xây dựng Ðảng nói chung. Ðây là yếu tố có ý nghĩa rất quan trọng, quyết định sự phát triển của địa phương. Ðặc biệt trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vấn đề cán bộ và công tác cán bộ càng đặc biệt quan trọng.
|
Chất lượng cán bộ ngày càng được nâng lên góp phần đáp ứng nhiệm vụ của địa phương trong thời kỳ mới. Ảnh: H.Yên |
Khắc phục cơ bản tình trạng bị động, hụt hẫng cán bộ
Qua 20 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, các cấp ủy từ huyện đến cơ sở ở Đức Trọng đã có nhiều cố gắng, chủ động trong việc tạo nguồn, quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ để đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của từng giai đoạn. Thông qua các hoạt động học tập, quán triệt đến tất cả các cấp ủy đảng và cán bộ đảng viên trong huyện đã góp phần nâng cao nhận thức về công tác cán bộ, coi đây là nhiệm vụ quan trọng có ý nghĩa quyết định đối với kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương.
Đồng chí Phạm Thanh Quan - Bí thư Huyện ủy Đức Trọng cho biết: “Sau khi có Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII), Ban Thường vụ Huyện ủy cũng đã ban hành các nghị quyết cụ thể về xây dựng quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ và xây dựng các kế hoạch về quy hoạch chức danh cán bộ. Trong đó thể hiện rõ những tiêu chuẩn cụ thể để xây dựng đội ngũ cán bộ trong thời kỳ mới và những giải pháp cơ bản để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ”.
Thực hiện Nghị quyết, các cấp ủy từ huyện đến cơ sở đã chủ động trong việc tạo nguồn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ trên nguyên tắc tập trung dân chủ và các quy định về công tác cán bộ theo phân cấp, quản lý. Đồng thời phát huy trách nhiệm các tổ chức, ban ngành, đoàn thể trên các mặt như: đề xuất quy hoạch, cử đi bồi dưỡng, đề xuất bố trí sử dụng... đảm bảo khách quan, công tâm. Nhờ vậy, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của huyện đã được nâng lên.
Theo thống kê từ Ban Tổ chức Huyện ủy Đức Trọng về chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp huyện: 98,7% cán bộ đạt chuẩn về trình độ đại học, 6,7% công chức có trình độ thạc sỹ. Đồng thời, 27% cán bộ được đào tạo cao cấp chính trị và hơn 22% cán bộ có trình độ trung cấp chính trị. Hiện có 40,5% cán bộ là chuyên viên, gần 14% cán bộ có trình độ chuyên viên chính… Riêng về đội ngũ lãnh đạo, quản lý: 100% đạt chuẩn về trình độ chuyên môn, 70% đạt chuẩn về bồi dưỡng quản lý nhà nước ngạch chuyên viên chính, 96% đạt chuẩn về trình độ chính trị từ trung cấp trở lên… Còn ở cấp xã: công chức có trình độ chuyên môn đạt 100%. Trong đó trình độ đại học chiếm tỷ lệ 52% (tăng 31,9% so với năm 2011). Về trình độ chính trị của công chức xã: trung cấp chiếm 52%, tăng 22,8% so với năm 2011. Lực lượng cán bộ chuyên trách cấp xã cũng dần được nâng cao về trình độ chuyên môn, trình độ chính trị, trình độ quản lý nhà nước.
Cũng theo Bí thư Huyện ủy Đức Trọng: “Huyện thường xuyên rà soát, đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ cũng như yêu cầu đặt ra của từng cơ sở để có kế hoạch luân chuyển, điều động cán bộ. Đã có 22 lượt cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý được điều động. Trong đó có 17 đồng chí được điều động về xã, thị trấn. Việc luân chuyển cán bộ được thực hiện theo từng giai đoạn và từng năm phù hợp điều kiện tình hình thực tế tại các địa phương. Chất lượng đội ngũ cán bộ từng bước được nâng lên, đã khắc phục cơ bản tình trạng bị động, hụt hẫng cán bộ”.
Khắc phục phó khăn, tiếp tục thực hiện Nghị quyết
Nhìn lại 20 năm thực hiện Nghị quyết, chất lượng cán bộ ngày càng được nâng lên, nhất là về trình độ chuyên môn. Tuy nhiên, việc xây dựng, kiện toàn đội ngũ cán bộ chuẩn mực về đạo đức, giỏi về trình độ chuyên môn vẫn đang là nhiệm vụ thường xuyên của huyện. Còn nhiều vấn đề khó khăn trong công tác cán bộ cần khắc phục ở thời điểm trước mắt.
Ban Thường vụ Huyện ủy Đức Trọng thẳng thắn nhìn nhận: “Hiện tại, ở Đức Trọng, công tác đánh giá cán bộ, công chức còn một số bất cập, khó khăn nhất là việc nhận xét, đánh giá cán bộ, công chức có lúc, có nơi chưa thật sự phát huy tốt. Nhiều nơi còn xem xét, đánh giá cán bộ, công chức mang tính hình thức, “dĩ hòa vi quý”, còn nể nang, ngại va chạm; còn có tư tưởng “dễ người dễ ta”. Việc điều động, luân chuyển cán bộ còn hạn chế. Việc quản lý, theo dõi, giúp đỡ, đánh giá lực lượng cán bộ này vẫn chưa được thực hiện thường xuyên. Nhiều đơn vị, địa phương chưa xây dựng được kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng theo nhiệm kỳ cũng như hằng năm; một số cán bộ, công chức chưa phát huy tốt năng lực trong công tác sau đào tạo. Chính sách thu hút, sử dụng lao động có trình độ cao, chuyên môn giỏi về công tác tại địa phương còn hạn chế, hiệu quả chưa cao; một số con em địa phương sau khi tốt nghiệp ở các trường đại học về địa phương không bố trí được việc làm. Đặc biệt, công tác quản lý, giáo dục, chính trị tư tưởng đội ngũ cán bộ ở một số tổ chức cơ sở đảng còn yếu nên còn cán bộ, đảng viên vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật.
Đồng chí Phạm Thanh Quan khẳng định: Việc thực hiện Nghị quyết số 03 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài, là khâu đột phá trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa tại địa phương. Nghị quyết sẽ tiếp tục được thực hiện nhằm từng bước kiện toàn bộ máy. Thời gian tiếp theo, Nghị quyết này sẽ được thực hiện song song với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” gắn với thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên” đáp ứng cho sự phát triển của địa phương.
NGỌC NGÀ